Dân tố trại lợn công ty Japfa Việt Nam gây ô nhiễm

Google News

(Kiến Thức) - Người dân huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đang rất phẫn nộ khi hằng ngày, hằng giờ bị "bom phân" từ trang trại lợn của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam khủng bố, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng quá trình trồng trọt.

Dân tố bị "bom phân" khủng bố?
Phản ánh từ người dân xã Hợp Thịnh và xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết, thời gian qua họ phải “sống dở chết dở” vì trang trại hơn 1 vạn con lợn đóng ở địa bàn xóm Quốc (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Nguồn nước thải lúc thì đen xì, lúc thì xanh đặc cùng mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ trang trại này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe cũng như sản xuất của người dân quanh khu vực.
Qua tìm hiểu, trang trại lợn này có tên Dung Huyền Japfa Comfeed 2, do Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam phối hợp với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Huyền đầu tư với tổng diện tích 35.200 m2.
Năm 2017, trang trại này đi vào hoạt động và được quảng cáo xây dựng theo mô hình hiện đại với quy trình xử lý nước thải tiên tiến và nước thải sau xử lý đạt QCVN 62:2016:MT/BTNMT (cột B).
Hoa Binh: Dan to trai lon cong ty Japfa Viet Nam gay o nhiem
 Nước có màu đen đổ vào hồ sinh học số 2.
Tuy nhiên theo ghi nhận, vị trí đặt trại lợn nằm giáp ranh giữa hai xã, nằm trên triền núi cao và hướng thẳng xuống khu dân cư. Khu vực trại lợn cách nhà dân gần nhất chừng 400 – 500m và nước thải của trại lợn chảy thẳng xuống suối đầu nguồn, chảy vào đồng ruộng đang canh tác của nhân dân xã Phú Minh.
Một người dân địa phương cho biết: “Thời gian qua, người dân chúng tôi khốn khổ vì trại lợn này lắm rồi. Không những phải chịu đựng mùi hôi thối suốt ngày đêm mà những ruộng cấy gần đây có mùa không thu nổi hạt thóc.
Các anh cứ nhìn nước phân lợn xanh lè chảy ra suối đầu nguồn, rồi chảy tràn vào ruộng canh tác thế kia là biết. Lúa mọc lên chỉ toàn lá, thân cây rất xốp và không trổ đòng được. Tôi còn không dám thả bò quanh khu vực này vì bò ăn cỏ vào là bị đi ngoài ngay”.
Tại hồ sinh học số 3 (hồ chứa nước thải cuối cùng trước khi thải ra môi trường – PV), xuất hiện những váng nước xanh lè, đặc quánh, bốc mùi hôi thối.
Hồ này nối với khu vực suối đầu nguồn bằng một van xả nhưng không chặt khiến nước thải chảy liên tục ra môi trường bên ngoài. Nối với hồ sinh học số 3 là hồ sinh học số 2. Quan sát bằng mắt thường PV thấy rằng nước hồ đen hơn và cũng bốc mùi uế tạp hơn. Nước thải từ trạng trại được dẫn bằng ống nhựa nhỏ đổ thẳng ra hồ này, chảy xuống hồ sinh học số 3 rồi chảy ra môi trường bên ngoài.
Hoa Binh: Dan to trai lon cong ty Japfa Viet Nam gay o nhiem-Hinh-2
 Người dân đưa PV đến hồ sinh học số 3 có màu xanh.
Người dân bức xúc cho biết: “Cứ tầm 4h chiều khi người ta rửa chuồng là nước thải đen ngòm, chảy tràn xuống hồ số 2. Những hôm mưa lớn gây tràn hồ thì không nói nhưng tôi biết, người ta còn chủ động xả trộm nước thải từ các hồ chứa này ra suối đầu nguồn.
Mùi hôi thối và ô nhiễm không thể chịu đựng được. Ruồi muỗi cũng từ đó phát sinh và thực sự trở thành nỗi ám ảnh với các hộ sống gần ngay đó. Bản thân tôi cứ mỗi lần họp cử tri, tiếp xúc đại biểu, tôi đều có ý kiến mạnh mẽ từ cấp xã đến cấp tỉnh. Chính quyền thì cứ hứa rồi để đấy trong khi tình hình vẫn chẳng có gì cải thiện. Dân chúng tôi vô cùng bức xúc nhưng không biết làm thế nào?”
Dân nói "có" Sở Tài nguyên môi trường nói "chỉ là sự cố"
Ông Nguyễn Khắc Long - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình) cho biết, trang trại chăn nuôi lợn công ty Japfa Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường.
"Trước đây họ (trang trại)  làm cơ bản đầy đủ, quá trình hoạt động đã được phê duyệt. Việc cấp giấy phép là đủ điều kiện, còn quá trình xử lý có làm đúng hay không là trách nhiệm của họ. Qua các đợt kiểm tra, chúng tôi thấy họ vi phạm đâu thì xử lý đến đấy" - ông Long nói.
Ông Long đánh giá, việc ô nhiễm như báo chí phản ánh chưa phải sự cố.
Trao đổi cụ thể về kết quả buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hoa - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình) cho biết, theo kết quả kiểm tra vào ngày 11/7, ao lắng số 3 có hiện tượng rêu màu xanh như phản ánh.
Tại ao lắng số 2, đoàn xác định nước màu đen do có bùn hình thành từ quá trình phân hủy bèo tây và các lá keo rụng xuống. Ao lắng số 3 là ao sục khí nên nhìn bằng mắt thường nước có màu đen. Đó là nước có màu đỏ do sục khí vào để xử lý ô nhiễm. Hiện tại, các mẫu đã được đưa về để phân tích.
Về tác động ra môi trường khiến ảnh hưởng đến năng suất canh tác, bà Hoa lý giải tình trạng này đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây, trước khi xuất hiện trại lợn.
"Chính quyền địa phương có xác nhận là không phải chỉ riêng xã Phú Minh, mà cả các xã lân cận năng suất đều bị giảm. Trưởng thôn xóm Quốc nói có nhận phản ánh từ bà con rằng lúa bị lốp. Giờ gặt rồi nên chưa xác minh được có phải do trang trại hay không" - bà Hoa nói.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được cung cấp biên bản ngày 11/7, của đoàn kiểm tra, bà Hoa từ chối và cho biết: "Chúng tôi đang làm báo cáo cho Ủy ban tỉnh".
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc người dân tố trại lợn công ty Japfa Việt Nam gây ô nhiễm.
Trại lợn từng gây ô nhiễm môi trường
Ông Nguyễn Trọng Lê - Chủ tịch UBND xã Phú Minh nói: “Đã nuôi lợn thì không thể tránh được mùi hôi. Chúng tôi cũng ghi nhận một số phản ánh của bà con xã Hợp Thịnh liên quan tới vấn đề nước thải.
Đúng là thời gian đầu vận hành thử nghiệm (thời gian 1 năm), trại lợn này có gây ô nhiễm môi trường thực sự nhưng từ khi vận hành chính thức thì các vấn đề đã được khắc phục.
Một số người dân xã Hợp Thịnh phản ánh là không chính xác vì chúng tôi đi kiểm tra và không phát hiện được gì cả”.
Xem xong những hình ảnh ghi nhận về trang trại lợn của Công ty Japfa Việt Nam, vị lãnh đạo xã khăng khăng: “Tôi khẳng định các hình ảnh, video này không phải ở trại lợn Dung Huyền Japfa. Tôi quá quen thuộc trại lợn này vì thường xuyên được tham gia vào các đoàn công tác, kiểm tra nên chắc các hình ảnh được quay chụp ở đâu đó" - ông Lê nói trên báo TNMT.
>>> Xem thêm: Người dân đào ống xả thải của trại vịt ở Bến Tre vì không chịu nổi ô nhiễm

Nguồn: THVL.


Quý An

>> xem thêm

Bình luận(0)