Nhiều năm qua, người dân các xã Cổ Dũng, Tuấn Việt, Cộng Hòa của huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm mùi từ hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nằm trên địa bàn xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà) của Công ty cổ phần môi trường APT-Seraphin và Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương.
Theo tìm hiểu, tổng công suất thiết kế của hai nhà máy trên khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm. Quá trình tiếp nhận, xử lý rác thải của hai nhà máy trên đã bị người dân các khu vực giáp ranh với nhà máy nhiều lần kiến nghị, phản ánh tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri.
Trong đó, đáng chú ý, người dân phản ánh tình trạng một lượng lớn rác thải tồn đọng trong hai nhà máy trên chưa được xử lý kịp thời nằm phơi trên đất, gặp mưa sẽ thẩm thấu qua đường nước. Ngay huyện Kim Thành cũng nhiều lần kiến nghị với cơ quan chức năng sớm kiểm tra, có giải pháp phù hợp hạn chế ô nhiễm môi trường.
|
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương. |
Trước kiến nghị của người dân, UBND tỉnh Hải Dương cùng các ngành, chính quyền địa phương đã kiểm tra thực tế, sau đó đã tổ chức làm việc để thống nhất giải quyết những tồn tại vướng mắc. Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu khắc phục ô nhiễm mùi, xử lý lượng rác thải sinh hoạt còn tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý tại các nhà máy trên.
Mới đây, ngày 12/8, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã chủ trì kiểm tra thực tế việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương về một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc tại 2 nhà máy xử lý rác thải trên.
Tại thông báo số 200/TB-VP của Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho thấy, kiểm tra tại Công ty CP Môi trường APT – Seraphin, công ty đã áp dụng một số giải pháp xử lý ô nhiễm mùi tại khu vực sản xuất như, che phủ lượng rác thải sinh hoạt chưa xử lý bằng bạt HDPE, xây tường bao phân lập rác mới tiếp nhận, xây dựng hệ thống phun chế phẩm sinh học, bao bịt nhà xưởng chứa rác.
Tuy nhiên khi kiểm tra, tình trạng ô nhiễm mùi vẫn còn ngay khi vào cổng nhà máy. Bên cạnh đó, đơn vị này chưa thực hiện việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt tồn trong khuôn viên nhà máy và các nội dung đã thống nhất, chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương.
Đến hiện tại Công ty APT còn tồn khoảng 37.800 tấn rác thải hiện nằm trong khuôn viên của công ty. Do đó, Công ty này phải xử lý và hoàn thành trước ngày 8/3/2021. Kinh phí do đơn vị tự lo.
Đối với Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương chưa thực hiện việc xử lý lượng rác thải sinh hoạt còn tồn tại kho xử lý rác thải ODA là 22.500 tấn. Tỉnh Hải Dương giao công ty này xử lý, đốt toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt còn đọng trong kho, thời gian chậm nhất trước ngày 8/11/2020. Nguồn kinh phí thực hiện do Công ty CP môi trường đô thị Hải Dương và Công ty APT có trách nhiệm thanh toán, chuyển trả đầy đủ kịp thời cho Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương.
UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đôn đốc, giám sát các cơ quan đơn vị có liên quan, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương. Đề xuất xử lý nghiêm các đơn vị không nghiêm túc thực hiện, để chậm tiến độ. Trường hợp để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường, Sở tham mưu xử lý trước pháp luật.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc chậm xử lý lượng rác thải còn tồn đọng lớn, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Bùi Quang Bồng, Giám đốc Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương cho biết, nguyên nhân do có những tồn tại, vướng mắc từ năm 2015 đến nay.
“Khối lượng rác đó giờ tỉnh giao cho công ty xử lý nhưng yêu cầu Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh phối hợp với các công ty thành lập tổ công tác đi xác minh lượng rác công nghiệp. Trong thời gian trước đây, Công ty môi trường đô thị Hải Dương thực hiện kế hoạch của tỉnh giao chỉ được phép thu gom rác thải sinh hoạt của thành phố nhưng họ lại đi thu gom cả rác của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Những lượng rác ấy không được ngân sách nhà nước hỗ trợ nên phải đàm phán, thỏa thuận với đơn vị xử lý rác. Hiện công ty đang tiến hành xử lý lượng rác đó nhưng vẫn đang cùng tổ công tác của Sở Tài nguyên đi xác minh tại các doanh nghiệp” - ông Bùi Quang Bồng cho hay.
Người dân mong muốn, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Hải Dương, các đơn vị liên quan và hai nhà máy xử lý rác thải trên sẽ tháo gỡ được các vướng mắc, tồn tại xử lý dứt điểm hơn 60.000 tấn rác thải còn tồn đọng, tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh khu vực.
Xử lý rác thải tại Hải Dương còn nhiều bất cập, tồn tại:
Hiện nay thực trạng công tác xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn nhiều bất cập, tồn tại. Việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng các bãi chôn lấp tại các địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, cần sớm chấm dứt ngay để thay thế bằng các nhà máy xử lý rác thải có công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Mới đây, tỉnh Hải Dương đã giao các sở ban ngành, các địa phương tham mưu, đề xuất vị trí xây dựng nhà máy rác thải sinh hoạt, thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Đồng thời, quản lý tốt các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các nhà máy.
>>> Mời độc giả xem thêm video ý thức con người và bất cập trong xử lý rác thải tại Việt Nam: