Lo ngại công ty gây ô nhiễm môi trường, dân dựng lều chặn cổng
Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là nỗi lo lắng đỉnh điểm của người dân huyện Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) và làm đau đầu các cấp chính quyền địa phương. Theo thống kê của huyện Kinh Môn, hiện có khoảng 21 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về môi trường như khói, bụi, khí thải, chất thải, tiếng ồn...
Khi những bức xúc của người dân thị trấn Phú Thứ về những hố chôn chất thải nghi độc hại chưa xác định được “chủ nhân”, khi những con đường tràn ngập xe tải và bụi bẩn chưa được giải quyết triệt để thì mới đây, khi biết tin, Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam - từng bị xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường - trở lại hoạt động, hàng chục người dân thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn) đã đổ dồn mọi bức xúc lên doanh nghiệp này khi cùng nhau mang đất đá, dựng lều, chặn cổng, ngăn cản mọi hoạt động ra vào của công ty trên.
|
Người dân đổ gạch đá chặn cổng vì lo ngại Công ty KT-CB-XNK Khoáng sản Việt Nam gây ô nhiễm môi trường. |
|
Và dựng lều lán canh không cho công ty này hoạt động. |
Sáng 1/10/2016, khi PV Kiến Thức có mặt tại khu vực Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, tại cổng chính của công ty, dãy gạch đá dày lấp kín mọi lối đi khiến mọi hoạt động ra vào tại công ty này không thể thực hiện. Cách đó không xa, người dân đã dựng 3 lều án ngữ ngay trước doanh nghiệp này. Bên trong các lều lán dựng tạm là gần chục phụ nữ, người già ngồi trông giữ. Ngay cả buổi tối, người dân cũng thay nhau cử khoảng 10 người ngủ lại trông lều bạt, ngăn cản công nhân ra váo làm việc giao ca. Người dân còn dựng kẻng để báo động khi có người ra vào hoặc khi lực lượng chức năng đến.
|
Đa số những người canh trong lều lán là phụ nữ và người già. |
Trước đó, vào khoảng 10h ngày 3/9/2016, người dân điều một xe ô tô tải đổ khoảng gần 10m3 đất, đá chặn cổng ra vào của công ty này. Ngay sau đó, nhiều người dân thuộc khu 7 của thị trấn Phú Thứ tiếp tục vận chuyển đất đá bịt kín cổng ra vào của công ty trên. Khi xảy ra sự việc, nhiều người dân khác tiếp tục kéo đến nâng con số người dân có mặt lên 50 người. Những người này sau khi bịt cổng công ty đã ngăn cản, không cho các công nhân của công ty đến làm việc vào khoảng 14h chiều cùng ngày. Từ đó đến nay, họ thay nhau cắt cử người ở các lều lán dựng tạm để canh gác.
|
Người dân cho biết, nguyên nhân họ chặn cổng doanh nghiệp này để làm rõ có hay không việc gây ô nhiễm môi trường sống. |
Phản ánh với PV Kiến Thức, người dân lý giải hành động đổ đất đá và ngăn cản hoạt động của công ty xuất phát từ thực tế hoạt động của Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, nghi gây ô nhiễm môi trường không khí, thực tế này khiến cho nhiều người dân sống quanh khu vực nhà máy luôn trong tình trạng khó thở, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
|
Nỗi lo sức khỏe bị ảnh hưởng khiến người người dân quan ngại. |
“Người dân chúng tôi chặn cổng nhà máy này bởi mỗi khi nhà máy hoạt động thì xả ra loại khói làm mọi người rất khó thở, tức ngực. Nhiều gia đình có con nhỏ đã bị ngất khi ngửi phải mùi khói. Chúng tôi cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi UBND thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, thậm chí là cả trung ương. Mới đây các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã cử thanh tra về. Tới đây, mà không giải quyết thì chúng tôi cho con em chúng tôi nghỉ học”, bà Trương Thị Nguyệt, khu dân cư số 7, Thị trấn Phú Thứ cho biết.
Clip bà Trương Thị Nguyệt phản ánh tình trạng môi trường bị ô nhiễm:
“Chồng tôi bị ung thư mới chết, con trai tôi năm nay 40 tuổi do có bệnh phải hàng ngày nằm trong nhà tắm để dễ thở vì nhà cửa xếp không dám lên trên bị bụi bặm. Bản thân tôi bị tắc nghẽn đường hô hấp. Mong rằng các cấp chính quyền, chức năng làm rõ để trả lại môi trường trong sạch, không cứ thế này thì chết dần, chết mòn hết”, một người dân cho biết.
Clip người dân khu 7 bày tỏ lo lắng về bệnh tật liên quan ô nhiễm môi trường:
Lãnh đạo công ty và hàng chục công nhân viết đơn kêu cứu
Bị người dân chặn cổng, ngăn cản công nhân vào nhà máy làm việc, không cho vận chuyển nhu yếu phẩm và thiết bị sản xuất vào nhà máy khiến nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến XNK Khoáng sản Việt Nam cùng hàng chục công nhân đang làm việc tại nhà máy này đã viết đơn kêu cứu, trình bày gửi UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương.
|
Đơn kêu cứu của lãnh đạo công ty. |
Trong đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, ông Hà Quang Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến XNK Khoáng sản Việt Nam nêu rõ: “Công ty Công ty TNHH Khai thác chế biến XNK Khoáng sản Việt Nam được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 30/12/2010 và Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp mã số vào ngày 12/12/2014. Sau khi nhà máy đạt đủ tiêu chuẩn và đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đi vào hoạt động chính thức ngày 13/8/2016 đến nay rất ổn định về công nghệ, các chỉ số về môi trường đều đạt ngưỡng an toàn cho phép. Tuy nhiên, trưa 3/9, một số người dân ở khu 5 và khu 7, thị trấn Phú Thứ đã dùng xe ôtô không BKS đổ gạch đá, căng dây thép, lấp cổng ra vào của công ty, cho người ngăn chặn tất cả các ngả đường, lối vào để ngăn cản không cho công nhân vào làm việc; không cho mang đồ ăn, nước uống, nguyên liệu sản xuất vào công ty. Đặc biệt, một số người còn có hành vi chửi bới, xúc phạm, đe dọa, xô đẩy giằng co một số người làm trong nhà máy. Nhà máy phải tạm ngừng sản xuất vì không có nguyên liệu”.
Hàng chục công nhân đang làm việc tại công ty cũng làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Bởi từ ngày bị người dân chặn cổng, công nhân không dám ra vào. Muốn vào nhà máy, họ phải trèo tường từ phía sau. Nhà máy ngừng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc các công nhân không có việc làm. Họ mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc, giải tán lều lán để họ được tiếp tục lao động nuôi bản thân và gia đình.
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại diện Công ty TNHH Khai thác chế biến XNK Khoáng sản Việt Nam cho biết: “Từ 3/9, người dân đổ đất, đổ đá tại cổng công ty xong dựng lều. Công nhân đến làm việc thì bị người dân không cho vào. Công nhân đến nhà máy phải trèo qua tường. Các công nhân trong công ty đã phải viết đơn kêu cứu. Chúng tôi mong chính quyền địa phương giải quyết nhanh chóng sự việc trên để công ty hoạt động trở lại theo đúng quy định”.
Tỉnh Hải Dương gửi công văn đề nghị Bộ Tài Nguyên Môi trường thanh tra công ty
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, ngày 17/9/2013, doanh nghiệp này đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phạt 270 triệu đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường và đã phải dừng hoạt động. Đến ngày 13/8/2016, Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam có công văn thông báo với huyện Kinh Môn về việc tiếp tục vận hành sản xuất. Tuy nhiên, đến ngày 15/8, người dân có đơn phản ánh.
Trước những bức xúc của người dân, UBND thị trấn Phú Thứ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kinh Môn đã phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương làm việc với Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam. Theo báo cáo, Công ty đã khắc phục những tồn tại khi hoạt động thử nghiệm xử lý chất thải ngành luyện kim vào năm 2013 và năm 2014 và đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại. Tuy vậy, người dân phản ánh vẫn còn mùi khét, khó thở, tức ngực khi khói do nhà máy của Công ty bị gió thổi vào khu dân cư nên kiên quyết phản đối dù UBND huyện Kinh Môn đã tổ chức buổi đối thoại.
Đến ngày 3/9, sau khi nhà máy này đi vào hoạt động thì xảy ra sự việc người dân chặn cổng công ty như trên.
|
Biên bản làm việc của các cơ quan chức năng. |
Liên quan đến sự việc trên, UBND huyện Kinh Môn đã báo cáo lên UBND tỉnh Hải Dương và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị khẩn trương thanh tra toàn diện về xử lý chất thải nguy hại đối với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, để sớm có câu trả lời cho người dân.
Ngày 8/9, UBND tỉnh đã có Thông báo 139 về ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương đối với việc xử lý, giải quyết phản ánh của người dân. Đồng thời, UBND tỉnh Hải Dương có công văn 2270 đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay trong tháng 9 đối với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam.
Khi các cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ xem hoạt động của công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam có gây ô nhiễm môi trường hay không trên cơ sở kết quả quan trắc của cơ quan chuyên môn, thì việc người dân ngăn cản hoạt động công ty trên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc như ngày 6/9, người dân vẫn tiếp tục tập trung đông người và dựng thêm lều bạt trước cổng công ty yêu cầu công ty dừng hoạt động. Tối cùng ngày, ông Hà Quang Hoàng là Giám đốc công ty cùng với lái xe và một số công nhân ra xô lều bạt tại đống đất trước cổng công ty và đôi co với khoảng 50 người. Sau đó có bà Nguyễn Thị Sanh, 79 tuổi là người trông coi lều bạt kêu bị thương nhẹ, được đưa đi bệnh viện điều trị. Sự việc trên đã làm tình hình thêm căng thẳng.
Để ổn định tình hình an ninh trật tự, các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương cần có giải pháp đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.