Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) . Góp ý về Dự thảo, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, có thể coi xóa bỏ tín dụng đen là một nhiệm vụ chính trị, tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa đưa ra để giải quyết.
|
Đại biểu Tạ Thị Yên. Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu. |
Vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp - điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, để xoá bỏ tín dụng đen, cần giải quyết tận gốc vấn đề. Thực tế, người dân có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp). Tuy nhiên, hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay. Do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.
Để giải quyết bài toán này, cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ.
Dự thảo hiện nay chỉ có một quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, được quy định tại Điều 96, về cơ bản nội dung không có gì thay đổi so với quy định tại Luật Các TCTD 2010. Quy định như vậy sẽ không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số đặt ra cho ngành ngân hàng.
Quy định này cũng không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng hiện nay, đã xuất hiện nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số số do các tổ chức tín dụng phối hợp với các công ty fintech cung cấp.
Đồng thời, bên cạnh các ngân hàng, lĩnh vực này còn có sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tín dụng, trung gian thanh toán, chuyển mạch tài chính… cùng thuộc đối tượng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động và chịu trách nhiệm quản lý.
Theo số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước công bố, từ 2020 đến 2023, đã có 11,9 triệu tài khoản và 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở thông qua định danh điện tử, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động đạt 165% về khối lượng và 97% về giá trị.
Đây rõ ràng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, có thể giúp ngành ngân hàng Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển chung của thế giới, cần được sự quan tâm, khuyến khích và có hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động trong tương lai.
Hiện nay, các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore đã cấp phép cho ngân hàng số hoạt động và đạt được những thành công đáng kể, chẳng hạn như Hàn Quốc cấp phép hoạt động ngân hàng internet từ năm 2015, đến nay các ngân hàng này đã quản lý hơn 115 triệu tài khoản của khách hàng, đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 80% mỗi năm.
Đại biểu ghi nhận Dự thảo đặt vấn đề về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, cơ chế này có thể gây quan ngại về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp “làm những việc pháp luật không cấm”. Đặc biệt là trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đồng thời trao cho cơ quan quản lý quyền quyết định tuyệt đối về thời gian, phạm vi, đối tượng thực hiện – thực chất là cấp phép mà không đi cùng các điều kiện minh bạch, rõ ràng.
“Chính vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tín dụng đen, tôi đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo bổ sung có quy định về ngân hàng số tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, với nội dung cơ bản: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam”, đại biểu nêu ý kiến.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội về việc dùng điểm Văn xét tuyển ngành Y. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.