Cựu SV kiện trường ĐH đòi bồi thường do giữ bằng 30 năm: Cơ sở nào?

Google News

Cho rằng học xong năm 1989, nhưng năm 2019, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân mới cấp bằng tốt nghiệp gây tổn thất lớn về tinh thần, vật chất, ông Dương Thế Hảo đã khởi kiện, yêu cầu bồi thường hơn 36 tỷ đồng.

Thông tin TAND quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) thụ lý vụ án ông Dương Thế Hảo (65 tuổi, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khởi kiện yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân bồi thường trên 36 tỷ đồng vì giữ bằng cử nhân của mình suốt 30 năm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Người bị kiện là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường.
Theo dõi diễn biến vụ việc trên, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, trường Đại học Kinh tế Quốc dân có thể phải bồi thường thiệt hại cho cựu sinh viên nếu có căn cứ chứng minh cơ sở giáo dục này đã có lỗi và gây thiệt hại.
Cuu SV kien truong DH doi boi thuong do giu bang 30 nam: Co so nao?
Cổng trường Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: NEU 
Theo quy định của pháp luật, vấn đề bồi thường thiệt hại có thể đặt ra khi trong quan hệ hợp đồng mà một bên vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên còn lại hoặc bồi thường thiệt hại “ngoài hợp đồng” do hành vi có lỗi, gây thiệt hại cho các chủ thể khác trong các mối quan hệ hành chính, kinh tế, dân sự...
Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự ở Việt Nam hiện nay, tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ án khi đương sự có yêu cầu, chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Các đương sự có quyền khởi kiện khi có căn cứ cho thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.
Tuy nhiên, pháp luật về tố tụng dân sự cũng quy định người khởi kiện có quyền đưa ra yêu cầu khởi kiện nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Nếu quá trình giải quyết vụ án mà người khởi kiện không có đủ căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp thì tòa án sẽ bác đơn khởi kiện. Việc tòa án thụ lý để giải quyết một vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại không khó nhưng để tòa án chấp nhận cho yêu cầu khởi kiện bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật thì các đương sự phải thực hiện các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trong đó quan trọng là nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.
Vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (giữa các bên không có hợp đồng với nhau trước đó, thiệt hại phát sinh từ quan hệ dân sự, kinh tế mà không có thỏa thuận từ trước) thì vấn đề bồi thường thiệt hại dân sự chỉ đặt ra khi một bên có lỗi, gây ra thiệt hại cho bên kia.
Theo quy định tại Điều 584, Bộ luật Dân sự 2015, việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ xảy ra khi có thiệt hại và có lỗi của chủ thể đã gây ra thiệt hại đó trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Bởi vậy, trong vụ án này nguyên đơn có quyền đưa ra yêu cầu khởi kiện nhưng có nghĩa vụ phải chứng minh về những thiệt hại đã xảy ra đối với mình và chứng minh thiệt hại đó có nguyên nhân trực tiếp là do lỗi của cơ sở giáo dục.
Nếu nguyên đơn chứng minh được cơ sở giáo dục này đã có lỗi và gây thiệt hại đến tài sản, danh dự nhân phẩm, uy tín của mình bằng những chứng cứ được tòa án thừa nhận, nguyên đơn có thể thắng kiện, mức bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại trên thực tế có thể chứng minh.
Ngược lại, nếu nguyên đơn không chứng minh được cơ sở giáo dục có lỗi, không chứng minh được có thiệt hại xảy ra hoặc thiệt hại xảy ra do lỗi trực tiếp của bị đơn thì tòa án sẽ bác đơn khởi kiện.
Một điều cũng cần lưu ý là không phải ai đi học cũng có bằng tốt nghiệp, không phải ai tốt nghiệp cũng có thể xin được việc làm đúng như nguyện vọng mong muốn, không phải ai tốt nghiệp đại học cũng sẽ thành đạt, giàu có…Bởi vậy, nguyên đơn muốn được tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, không chỉ phải chứng minh mức độ thiệt hại thực tế đã xảy ra mà còn phải chứng minh thiệt hại đó có nguyên nhân trực tiếp từ việc chậm nhận bằng tốt nghiệp và thiệt hại đó là tất yếu.
Đồng thời, phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và nguyên nhân từ việc chậm nhận được bằng tốt nghiệp. Ngoài ra một điều quyết định đến thắng thua nữa là phải chứng minh “bị đơn” (Trường đại học Kinh tế quốc dân) có lỗi gây ra thiệt hại đó.
Quá trình giải quyết vụ án, tòa án sẽ yêu cầu các đương sự cung cấp tài liệu chứng cứ, trong trường hợp cần thiết, tòa án sẽ xác minh thu thập chứng cứ để làm rõ quy trình đào tạo của cơ sở giáo dục này được thực hiện như thế nào, nguyên đơn được công nhận tốt nghiệp từ thời điểm nào, tại sao nguyên đơn không nhận bằng tốt nghiệp? Trước khi khởi kiện, nguyên đơn đã yêu cầu nhà trường trao bằng tốt nghiệp hay chưa, lý do gì mà đến 2019 nguyên đơn mới nhận được bằng tốt nghiệp?
Thực tiễn, tại các cơ sở giáo dục đào tạo, việc các sinh viên không đủ điều kiện tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp nhưng không đến nhận bằng không ít. Trong trường hợp sinh viên đã tốt nghiệp, đã có bằng tốt nghiệp mà cơ sở giáo dục không cấp bằng, trao bằng cho sinh viên thì đó là chuyện hiếm gặp và phải làm rõ nguyên nhân tại sao.
Nếu nhà trường đã thực hiện đúng quy trình đào tạo, đã thông báo trao bằng tốt nghiệp công khai nhưng sinh viên không đến nhận bằng, nhà trường không có lỗi. Nhà trường chỉ có thể có lỗi nếu thực hiện không đúng quy trình hoặc từ chối trả bằng cho sinh viên mà không có căn cứ pháp luật.
Nếu kết quả tranh tụng tại phiên tòa tới đây mà nguyên đơn chứng minh được trường Đại học Kinh tế Quốc dân (bị đơn) đã có lỗi và gây ra thiệt hại cho bản thân mình, tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuy nhiên mức độ thiệt hại bao nhiêu sẽ căn cứ vào chứng cứ. Để chứng minh thiệt hại mà tòa án có thể chấp nhận cũng phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân và hậu quả thiệt hại, những thiệt hại đó phải xác định được trên cơ sở chứng cứ về, bắt nguồn từ nguyên nhân trực tiếp về phía nhà trường là chậm bàn giao bằng tốt nghiệp cho sinh viên.
Đây là vụ án phức tạp cần phải làm rõ rất nhiều vấn đề, trong đó có quy trình đào tạo, thủ tục cấp bằng, yếu tố lỗi và đặc biệt là những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần có thể phát sinh, trên cơ sở đó thì mới có thể giải quyết vụ án một cách đúng đắn, công bằng, đúng pháp luật. Kết quả giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa tới đây, trên cơ sở các chứng cứ mà các đương sự thu thập cũng như chứng cứ tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án.
Lý giải mức đòi bồi thường 36 tỷ đồng?
Ông Dương Thế Hảo nguyên là sinh viên Khoa Kinh tế công nghiệp K26-27 hệ chính quy của Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Năm 1989, ông Hảo hoàn thành thi tốt nghiệp với tất cả các môn. Sau khi hoàn thành khóa học, từ năm 1989 ông Hảo không nhận được bằng tốt nghiệp và nhiều giấy tờ tùy thân quan trọng. Đến khi ông có đơn khởi kiện ra tòa thì nhà trường mới trả bằng tốt nghiệp kèm theo hồ sơ, giấy tờ cá nhân cho ông.
Trong đơn khởi kiện gửi tới tòa án, ông Hảo liệt kê chi tiết các khoản tiền yêu cầu nhà trường phải bồi thường gồm: Mất thu nhập từ lương 4,5 tỷ đồng; mất thu nhập ngoài lương 1,5 tỷ đồng; gây tổn thất tinh thần, uy tín, danh dự 2,5 tỷ đồng; mất cơ hội tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ 3,6 tỷ đồng; mất cơ hội hưởng thụ các chính sách, ưu đãi cho cựu quân nhân 2,7 tỷ đồng; mất quyền sở hữu và định đoạt các tài sản thiết yếu 7,5 tỷ đồng.
Ông Dương Thế Hảo yêu cầu Trường ĐH Kinh tế quốc dân bồi thường tổn thất từ việc giữ bằng ĐH và hồ sơ cá nhân khiến ông mất quyền tham gia thành lập và sở hữu doanh nghiệp, quản lý điều hành doanh nghiệp số tiền 5,4 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu trường này bồi thường chi phí khai sinh, xin học cho các con; chi phí đòi các hồ sơ giấy tờ, thuê luật sư, chi phí hàn gắn hôn nhân, tổn thất về hạnh phúc gia đình,…Tổng thiệt hại mà ông Hảo yêu cầu Trường Đại học Kinh tế quốc dân phải bồi thường là 36,696 tỷ đồng.
 
 
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)