Cuồng sát 2 nữ sinh ở phòng trọ: Nghi phạm đã chết... chưa hết chuyện!

Google News

(Kiến Thức) - Nam thanh niên vì mâu thuẫn tình cảm đã cuồng sát hai nữ sinh ở Hà Nội và tử vong khi nhảy từ ngôi nhà xuống đất. Vụ án sẽ khép lại nếu chỉ có một mình nghi phạm đã tử vong nhưng những bài học đắt giá từ vụ án trên sẽ còn mãi…

Do mâu thuẫn tình cảm, nam thanh niên Giàng A Dông đã gây ra vụ cuồng sát khiến 2 nữ sinh tử vong tại một căn nhà trọ ở phố Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, bản thân đối tượng này sau đó cũng tử vong do nhảy từ tầng 5 ngôi nhà xuống đất.
Theo quy định của pháp luật, trong vụ án trên nếu chỉ có Dông là nghi phạm nhưng đã tử vong, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự và vụ án sẽ khép lại trong sự đau đớn tột cùng của gia đình hai nữ sinh và cả gia đình nghi phạm.
Tuy nhiên, những câu chuyện từ vụ án này sẽ chưa khép lại bởi đây tiếp tục là bài học đau xót về những vụ án mạng liên quan đến tình ái mà cả hung thủ và nạn nhân đều thiếu kỹ năng ứng xử dẫn đến những bi kịch đắng cay. Đồng thời cho thấy, cần phải nghiêm tự nhìn nhận lại văn hóa, đạo đức xã hội, vấn đề giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử khi xảy ra mâu thuẫn liên quan đến tình cảm của những người trẻ tuổi.
Cuong sat 2 nu sinh o phong tro: Nghi pham da chet... chua het chuyen!
 Hiện trường vụ án mạng.
Bởi theo ý kiến của luật sư Đặng Văn Cường về những vụ án liên quan đến mâu thuẫn tình cảm thì tất cả những đối tượng phạm tội đều có nguyên nhân, nguyên cớ, động cơ, mục đích, yếu tố làm phát sinh, thúc đẩy đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Muốn giảm bớt, kiểm soát tình hình tội phạm thì cần phải phát hiện, đấu tranh loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội.
Vậy nguyên nhân dẫn đến những vụ án tình ngày càng gia tăng, đối tượng vốn hiền lành hóa sát thủ ra tay tàn độc, không chỉ cướp đi mạng sống của người mình yêu mà còn cướp đi mạng sống của những người xung quanh và mạng sống của chính bản thân mình? Vì sao người trẻ lại có suy nghĩ và hành động tiêu cực đến như thế?
Không chỉ vụ án nam thanh niên cuồng sát người yêu và sát hại luôn một cô gái vô tội khác vừa xảy ra ở Hà Nội mà qua những vụ án tình có thể thấy, đa số động cơ, yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội thường là do ghen tuông, ích kỷ trong tình yêu, tình cảm của các bên.
Nghiên cứu tội phạm học từ những vụ án đoạt mạng người tình cho thấy, nguyên nhân đa số xuất phát từ sự ghen tuông, ích kỷ trong tình yêu. Ai cũng biết rằng, mối quan hệ tình cảm nam nữ là mối quan hệ đặc biệt mang tính gắn bó, tính sở hữu cao nhưng cũng bộc lộ rõ nét sự chiếm hữu, tính ích kỷ của một trong hai người, đặc biệt là nam giới.
Khi yêu, họ luôn muốn độc chiếm, độc tôn từ đó luôn nảy sinh những nghi ngờ, ghen tuông dẫn đến rạn nứt quan hệ tình cảm. Khi chia tay như trường hợp của Dông, họ thường cảm thấy sự mất mát tình cảm lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời nên tìm mọi cách đề níu kéo, thậm chí ghen tuông nghi ngờ lý do chia tay ấy.
Chính những ghen tuông hờn giận, trách móc trong tình cảm làm nảy sinh mâu thuẫn nếu không được giải quyết kịp thời, không kiềm chế được cảm xúc dễ dẫn đến những hành động thiếu kiểm soát bởi lý trí, xâm hại lẫn nhau, thậm chí án mạng.
Trong khi đó, một nguyên nhân khác cũng làm cho những vụ án mạng vì tình gia tăng đó chính là yếu tố tuổi tác, sự trải nghiệm và kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giải quyết khi có xung đột do mâu thuẫn tình cảm.
Như đối tượng Dông trong vụ cuồng sát 2 thiếu nữ bị giết tại phòng trọ là người trong độ tuổi còn rất trẻ. Thực tế xung đột trong tình cảm thường xảy ra với các cặp đôi còn rất trẻ bởi họ đang ở độ tuổi rất nhiều cảm xúc nhưng khả năng kiểm soát bản thân còn hạn chế, trong khi đó kinh nghiệm sống chưa nhiều, thiếu những kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử, trong giải quyết mâu thuẫn . Bởi vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, ghen tuông trong tình yêu thì rất dễ nảy sinh những ý nghĩ và hành động tiêu cực.
Ghen tuông ở những người trẻ tuổi mãnh liệt và đáng sợ nhất ở thời điểm họ chia tay bởi khi không thể hàn gắn, tình yêu bỗng hóa thành thù hận do nghĩ mình bị phản bội. Khi những cơn ghen nổi lên, lúc giận hờn, lúc nghĩ đến chuyện chia tay thì người ta sẽ sống hành động do cảm xúc, bị chi phối bởi cảm xúc và ít bị kiểm soát bởi lý trí, bởi vậy, khi đó người ta dễ thực hiện những hành động dại dột theo kiểu “cả giận mất khôn”.
Một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến đó chính là yếu tố nhận thức, đạo đức và lối sống. Bởi thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ có lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu sự quan tâm chăm sóc và lo lắng cho người khác.
Bởi vậy, trong tình yêu, tính ích kỷ, thực dụng vô trách nhiệm sẽ dễ làm người ta đi đến những suy nghĩ tiêu cực khi không được đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần, khi không được phục vụ, không được chiều chuộng hoặc khi bị phản bội.
Khi một người nhận thức đầy đủ thì họ sẽ hiểu được vị trí, vai trò của họ đối với gia đình, với xã hội, biết sống có trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Khi tình yêu đổ vỡ thì người ta hoàn toàn có thể xây dựng một tình yêu mới, tình yêu khác, bắt đầu một cuộc sống khác.
Thân xác do cha mẹ sinh ra, tinh thần nhận thức là hội tụ tinh hoa, văn hóa trong suốt một quá trình giáo dục là công sức của thầy cô, cha mẹ, của biết bao nhiêu con người. Sinh ra làm người là phải biết báo hiếu cha mẹ, phải biết đóng góp công sức cho xã hội. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu hết điều đó, không nhận thức được như vậy, chỉ vì nóng giận, ghen tuông, ích kỷ mà hủy hoại thân xác mình, sát hại người khác, gây đau thương cho gia đình và cho cả cộng đồng xã hội.
Lối sống ích kỷ, hưởng thụ, vô trách nhiệm là kết quả của giáo dục hình thành nhân cách và cũng là nguyên nhân điều kiện để có thể nãy sinh những hành vi tiêu cực.
Những người nhận thức hạn chế về đạo đức, về văn hóa, về pháp luật thì thường coi trọng cái tôi của mình, tính ích kỷ cao nên có thể tranh đoạt các giá trị vật chất, tinh thần với người khác bằng mọi thủ đoạn, mọi cách thức.
Thời điểm xảy ra án mạng thường là thời điểm chia tay, khi đó đối tượng nghĩ rằng mình sẽ mất tất cả, sẽ không kiểm soát được người mà mình yêu thương dẫn đến suy nghĩ “không ăn được thì đạp đổ”. Hoặc khi mâu thuẫn trong tình yêu lên đến đỉnh điểm, đối tượng có suy nghĩ tiêu cực, muốn khẳng định tình yêu của mình bằng cách xâm hại đến cơ thể mình và người khác giống như trong các phim kịch, tiểu thuyết...
Phân tích ở góc độ tâm lý tội phạm những hành vi giết người yêu thường xảy ra ở thời điểm bùng nổ cảm xúc sau một quá trình tích tụ những suy nghĩ tiêu cực, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, những đối tượng thực hiện hành vi giết người lúc chia tay thường là những đối tượng ích kỷ, sống thiếu trách nhiệm, nóng nảy và hay ghen tuông.
Khi mâu thuẫn thì đối tượng thường có những ý nghĩ, hành động tiêu cực. Mâu thuẫn càng kéo dài thì những suy nghĩ tiêu cực càng nhiều, dẫn đến bế tắc, không lối thoát. Những hờn giận, ghen tuông khiến những suy nghĩ ngày càng tăng tiến, tăng cấp độ và thêm vào đó là nhận thức hạn chế, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội nên đối tượng sẽ nghĩ đến chuyện dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, sẽ sát hại người mình yêu thương rồi tự sát (bởi nghĩ rằng không còn gì giá trị và có ý nghĩa hơn tình cảm đôi lứa), thậm chí khi không kiểm soát được hành vi sẽ sát hại cả những người xung quanh dù họ không liên quan gì đến mâu thuẫn tình cảm của hai người.
Những suy nghĩ tiêu cực như vậy cứ âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm chia tay hoặc thời điểm đối phương thách thức, bày tỏ thái độ thì đối tượng mất kiểm soát về lí trí, bùng nổ cảm xúc dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội điên cuồng rồi thực hiện hành động tự sát.
Để giảm thiểu những vụ sát hại người tình yêu một cách đau lòng như vậy thì cần nâng cao nhận thức và hiệu quả trong công tác giáo dục. Sao cho thanh thiếu niên luôn nhận thức được trách nhiệm của mình với gia đình, với cộng đồng xã hội, giảm bớt những người sống ích kỷ, hưởng thụ.
Với những đối tượng nóng nảy, hung hãn coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác thì cần phải giáo dục, quản lý chặt chẽ. Cũng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết cho giới trẻ để họ biết cách kiểm soát cảm xúc, biết cách xử lý các tình huống khi xảy ra mâu thuẫn trong tình yêu, hôn nhân.
Việt Nam hiện đã có rất nhiều các chuyên gia tâm lý, những trung tâm tư vấn về tâm lý, tình yêu, về pháp luật rất nhiều, khóa đào tạo về kỹ năng sống... họ sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ các bạn trẻ khi gặp những rắc rối trong tình yêu, hôn nhân để tìm hướng giải quyết tốt nhất theo quy định pháp luật, đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe và giữ gìn những giá trị tích cực trong các mối quan hệ. Bởi vậy, có tiếp cận những tri thức, những giá trị tốt đẹp của xã hội thì giới trẻ mới bớt được những suy nghĩ và hành động tiêu cực, bớt đi những vụ việc đau lòng như vụ cuồng sát 2 nữ sinh tại phòng trọ.
>>> Xem thêm video: Khởi tố kẻ hiếp dâm cô bé 9 tuổi
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)