Từng bước kết nối với cuộc sống bên ngoài
Hơn 4 năm kể từ khi vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc khiến 20 thành viên tham gia chuyến bay hy sinh, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng Thượng úy Đinh Văn Dương (36 tuổi, chiến sĩ duy nhất sống sót trong vụ tai nạn thảm khốc ngày 7/7/2014). Trải qua 29 tháng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia với 24 cuộc phẫu thuật, anh Dương đã chiến thắng tử thần và trở lại với cuộc sống. Tuy nhiên, vụ tai nạn cũng lấy đi của anh đôi chân, hai bàn tay, khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn, thị lực giảm và sức khỏe suy yếu. Anh mất đi vĩnh viễn 99% khả năng lao động.
|
Bà Đông luôn dõi theo con trai và vui mừng khi nhìn thấy con có cánh tay giả. Ảnh: NVCC |
Mở đầu cuộc trò chuyện, anh Dương tâm sự về những ngày đầu nhập ngũ. Đó là quãng thời gian anh cùng đơn vị đi dân vận ở xã An Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội). Lúc đó, Đinh Văn Dương mới chỉ là một chàng trai độ tuổi đôi mươi với căng đầy nhiệt huyết cống hiến sức trẻ cho đất nước… Câu chuyện của anh bỗng ngắt quãng như nhắc đến vợ con. Đôi mắt sáng lên, rồi anh dùng cùi tay vuốt vuốt màn hình chiếc máy tính bảng khoe ảnh các con mình. Ngày anh gặp tai nạn là lúc vợ chuẩn bị sinh con. Anh kể: “Tôi vẫn nhớ như in thời điểm ấy là gần cuối tuần. Tôi đã xin phép đơn vị về chơi với vợ con. Đồ đạc sắp sẵn rồi mà không ngờ sáng hôm sau thì xảy ra tai nạn máy bay rơi”.
Anh Dương không còn hai bàn tay, hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt co lại. Ông trời vẫn thương, khi trí não anh hoàn toàn bình thường; thính giác, khứu giác, khả năng ngôn ngữ của anh đã trở lại ổn định. Một bên mắt của anh thị lực còn 1/10, một bên 7/10, nhưng đó vẫn là điều quá may mắn với người từng tưởng đã về bên kia thế giới.
Trở về cuộc sống đời thường, anh sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng để kết nối với bên ngoài. Để có thể làm những việc tưởng chừng đơn giản như đọc báo, lướt web, uống trà… anh phải trải qua quá trình tập luyện phục hồi chức năng gian khổ với sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Những việc khác, anh phải nhờ sự giúp đỡ từ mẹ già hoặc vợ con.
Anh tâm sự với chúng tôi rất nhiều chuyện xoay quanh cuộc sống thường nhật của mình kể từ ngày xuất viện. Chiều chiều, anh thường lăn xe ra ngoài hít thở bầu không khí trong lành. Những người dân tại khu chung cư quân đội Thạch Bàn quý mến thường chuẩn bị trà, thuốc để anh xuống hàn huyên, sẻ chia nỗi niềm cuộc sống…
Trong cuộc trò chuyện, Thượng úy Đinh Văn Dương nhiều lần nhắc đến tấm lòng của đồng đội - những người luôn ở bên khích lệ, động viên anh tiếp tục “cuộc sống thứ hai”. Rồi anh cho chúng tôi xem những món quà có giá trị và đầy ý nghĩa của những nhà hảo tâm: Đó là cặp chân giả, đôi tay giả và những vật dụng thiết yếu hàng ngày dành cho một người tàn tật như anh.
Từ ngày anh xuất viện, đồng đội và bạn bè vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, trò chuyện cùng anh. Ấn tượng nhất là những người bạn thuở thiếu thời ở quê nhà Kim Bảng (Hà Nam). Họ mang cho anh con gà, chục trứng hay nải chuối. Đó là tình cảm chân thành và bất biến mà qua biến cố càng bền chặt giúp anh thêm niềm tin với “cuộc sống thứ hai”…
“Qua cơn bĩ cực, đến ngày thái lai”
|
Đôi tay giả được điều khiển bằng chip và cơ bắp của tay giúp anh Dương có thể tự sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: NVCC |
Lúc chúng tôi đến thăm, bà Trịnh Thị Đông (61 tuổi, mẹ anh Dương) đang ở nhà. Gia cảnh neo người, nên bà là người đồng hành với con trai ngay từ những ngày đầu tiên nhập viện. Kể lại quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với gia đình, bà không kìm được cảm xúc. Khi hay tin chiếc máy bay chở 21 chiến sĩ gặp nạn trong đó có con trai mình, cả thế giới dường như sụp đổ đối với bà. Sau vụ tai nạn, chỉ 3 chiến sĩ có dấu hiệu của sự sống và được đưa vào điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Rồi những ngày sau đó, 2 chiến sĩ cũng lần lượt ra đi mãi mãi, chỉ còn lại con trai bà trong tình trạng nguy kịch. Bà chỉ biết lặng lẽ khóc và nguyện ước những gì tốt đẹp nhất sẽ đến…
“Hơn 100 ngày nằm trong phòng cấp cứu với tình trạng nguy kịch, đã có tới 3 lần tim con tôi ngừng đập. Trong 2 lần đầu, nhờ sự cứu chữa nhanh chóng của đội ngũ y, bác sĩ cùng trang thiết bị y học hiện đại, trái tim con tôi đập trở lại. Nhưng tới lần thứ ba thì đành phải trông chờ vào số mệnh. Tất cả mọi người đều đã chuẩn bị tâm lý cho những gì xấu nhất có thể xảy ra”, bà nghẹn lời.
Và rồi điều kì diệu cũng đã đến, nhịp tim của anh Dương đập trở lại sau một đêm. Hay tin con trai trở về từ cõi chết, những giọt nước mắt của bà Đông lã chã rơi. Niềm hạnh phúc của người mẹ suốt bao ngày đêm khắc khoải giành giật con trai thoát khỏi bàn tay tử thần.
Quãng thời gian nhiều biến cố buồn của gia đình dường như chưa dừng lại ở đó khi con gái lớn của anh Dương là bé Hải Yến bị ngã gãy tay, phải bó bột. Tuy nhiên, niềm an ủi lớn nhất và cũng là món quà ý nghĩa nhất đến với gia đình chính là việc vợ anh Dương sinh hạ thành công bé Hải Anh chỉ 2 ngày sau khi anh gặp nạn. Bé Hải Anh chào đời như thắp lên niềm hi vọng, đem theo những trông đợi về một viễn cảnh “qua cơn bĩ cực, đến ngày thái lai” sẽ đến với gia đình.
Tết năm nay sẽ về thăm cả hai bên nội ngoại
Anh Dương kể về cái Tết đầu tiên ở bệnh viện khi anh vẫn còn phải điều trị cách li đặc biệt và rất ít người được vào thăm. “Tết năm 2015, tôi còn ở khoa Liền vết thương (Viện Bỏng Quốc gia). Khi đó thật sự tôi rất buồn vì phải nằm một chỗ, vợ lại mới sinh nên không có nhiều thời gian ở bên cạnh. Tôi phải dần hồi phục âm thanh, giọng nói rồi việc cử động. Tất cả với tôi đều rất khó khăn, lật người cũng phải tập luyện mất 3 tháng, tập ngồi mất 6 tháng... Năm ấy là cái Tết đáng nhớ và buồn vô cùng đối với tôi”, anh Dương nhớ lại.
Thế rồi, những ngày Tết đáng buồn ở bệnh viện cũng qua đi. Cả năm 2015, anh nỗ lực cố gắng để vượt qua những khó khăn, vất vả. Đền đáp lại những cố gắng của bản thân, đến Tết năm 2016, dù vẫn phải ăn Tết ở bệnh viện nhưng anh đã có thể ngồi trên xe lăn và đi lại được. Niềm vui lớn nhất đối với anh Dương năm đó chính là được cùng vợ con ăn Tết trong viện.
“Năm đó, tôi đi chúc Tết tất cả các khoa phòng tại bệnh viện và cũng chỉ duy nhất gia đình tôi ở đây đón Tết. Các trường hợp nhẹ hơn họ về nhà đón Tết cùng gia đình. Đón xong Tết cùng tôi tại bệnh viện, vợ phải đưa con về nhà nhờ người trông để đi làm”, anh Dương kể lại.
Năm 2017 - 2018, niềm vui của anh Dương được nhân lên gấp bội khi được về đón Tết cùng đại gia đình và hàng xóm làng giềng sau nhiều năm xa cách. “Lúc đó tôi vui lắm. Tôi được gặp mọi người trong gia đình, được sum vầy sau bao năm xa cách, được gặp lại những người bạn cũ mà khi gặp nạn họ cũng đã tìm đến thăm động viên mình”, anh tâm sự.
Xuân Kỷ Hợi 2019, gia đình Thượng úy Đinh Văn Dương sẽ đón Tết ở cả quê nội (Kim Bảng, Hà Nam) và quê ngoại (Thanh Chương, Nghệ An). Tết là dịp đoàn viên nên anh muốn dành trọn thời gian cho người thân. Chia tay chúng tôi, anh xúc động gửi lời chúc Tết an lành, hạnh phúc đến tất cả bạn đọc trên mọi miền cả nước - những người luôn đồng hành, sẻ chia giúp anh trở về từ cõi chết…
“Việc anh Dương tỉnh táo trở lại, ăn uống và nói chuyện là một kỳ tích, bởi đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một nạn nhân bị bỏng nặng, bỏng sâu, suy đa tạng được chữa trị hồi phục. Ở anh Dương có nghị lực sống phi thường, ý chí chiến đấu và chiến thắng nỗi đau. Chính nghị lực của anh được tiếp thêm sức mạnh từ nguồn động viên lớn lao của gia đình là sự kết hợp với những phác đồ chữa trị giúp anh mau bình phục”
BS Lê Quang Thảo (khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia), người trực tiếp tham gia điều trị cho Thượng úy Đinh Văn Dương