Cụ thể, ông Vi Kiến Thành khẳng định trong số 291 phim này có 13 phim còn lại do Hãng phim truyện tự hợp tác sản xuất bên ngoài, 278 phim do Nhà nước đặt hàng hãng làm. Vì vậy 278 bộ phim này đều có bản gốc được lưu trữ và bảo quản tại Viện phim Việt Nam.
"Hiện nay các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị," Cục trưởng khẳng định.
|
Những cuốn phim bị mốc, hỏng do bảo quản ẩu ở Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh Vân.
|
Thông tin thêm, Cục trưởng cho biết: Khi xưa, sau quá trình sản xuất phim nhựa hoàn tất sẽ cho ra bản positive hoàn chỉnh (đã được định sáng, lên màu, ghép tiếng...). Bản positive này được gửi lưu chiểu tại Cục Điện ảnh. Viện phim giữ bản negative hình và negative "xông". Negative là phim âm bản, negative "xông" (sound) là phim âm bản đã có đường tiếng đi kèm.
Sau khi hết thời gian lưu chiểu thì bản của Cục điện ảnh tiếp tục được gửi về Viện phim. Như vậy theo quy trình, Viện phim giữ 3 bản: 1 positive, 2 negative (hình và tiếng).
|
Bản gốc "Em bé Hà Nội" - một trong những tác phẩm kinh điển do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, được lưu trữ tại Viện phim Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn.
|
Theo Cục trưởng, mỗi phim đặt hàng đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan để gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Còn bản lưu tại Hãng có nhiệm vụ sản xuất phim và phát hàng, giới thiệu phim.
Bản positive tại Hãng phim truyện Việt Nam là một trong hai bản hoàn chỉnh hiếm hoi, song đã hỏng. Đây là điều khiến tập thể nghệ sỹ và cán bộ Hãng phim quan ngại, gửi đơn đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương án để nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) phải in đền bù theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Về việc này, Cục trưởng Vi Kiến Thành bày tỏ sự đồng cảm với các nghệ sỹ, tập thể người làm đơn của Hãng song khẳng định: "Đây là vấn đề chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay, cũng như không phù hợp theo quy định của Luật Điện ảnh".