Cử nhân sư phạm đi làm giám thị, bảo vệ
Năm 2002, anh Lê Thanh Long tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chuyên ngành Sư phạm Địa lí.
Tuy nhiên, một “chân” trên bục giảng với anh ở thời điểm đó là chuyện quá xa vời vì không có hộ khẩu ở TP.HCM.
Qua giới thiệu của người quen, anh Long được nhận vào làm giám thị tại Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp). Gia cảnh khó khăn, vừa làm giám thị, anh Long vừa nhận làm thêm công việc bảo vệ trường.
|
Thầy giáo Lê Thanh Long.
|
Trải lòng, anh Long cho biết khi đó anh xin làm giám thị mới mong muốn khi nào thiếu giáo viên trường sẽ tạo điều kiện cho đứng lớp.
“Do cơ chế khi đó, trường chỉ nhận biên chế nên mình chấp nhận công việc này. Cũng có lúc tủi thân lắm vì khi đó hầu hết bạn bè cùng lớp đại học đã được đứng lớp. Tuy nhiên, dù không đứng lớp nhưng mình cũng góp phần hỗ trợ nhà trường quản lí nề nếp học sinh, rèn luyện tác phong, giáo dục các em khi mắc phải sai trái”.
Để không quên kiến thức, anh Long tranh thủ lúc rảnh tự học. Đồng lương giám thị, bảo vệ ngày mới ra trường khi đó không nhiều lại phải dành dụm gửi về quê đỡ đần ba mẹ ở Châu Đốc (An Giang), nhưng hàng tháng, anh Long đều đặn trích một phần để mua sách chuyên môn về nghiên cứu.
Anh cũng không bỏ lỡ những cơ hội để hoàn chỉnh bộ hồ sơ của mình. Khi thầy cô ở trường đi học tin học, anh cũng xin đăng ký học.
Khi Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tập huấn chương trình thay sách giáo khoa cấp THPT, anh Long tiếp tục làm đơn xin hiệu trưởng tạo điều kiện cho đi tập huấn để cập nhật kiến thức mới.
Năm 2007, TP.HCM có cơ chế tuyển giáo viên có hộ khẩu diện KT3. Khi đó, với đầy đủ các chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ..., anh Long đã trúng tuyển. Vậy là sau 5 năm cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trên tay, anh Long mới chính thức trở thành giáo viên và bắt đầu những bài giảng đầu tiên.
Vượt qua định kiến môn phụ
Năm 2007, thầy giáo Lê Thanh Long được Sở GD-ĐT phân công về dạy ở Trường THCS Trường Sơn (quận Gò Vấp).
“Ở trường này, khi đó lực học đa số các em còn yếu. Bài kiểm tra một tiết đầu tiên phát ra chỉ đạt tỉ lệ 17%, tôi muốn rơi nước mắt vì nghĩ sự cố gắng của mình đã không đem lại hiệu quả” - thầy Long nhớ lại.
Nhận thấy đa số do các em lười, không tập trung học, thầy Long đã xin Ban giám hiệu rồi hàng ngày ở lại phụ đạo cho những học sinh này. Chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả kiểm tra đã thay đổi hẳn.
Từ đó đến năm 2012, thầy Long tiếp tục làm giáo viên dạy Địa lí tại Trường THCS Trường Sơn (Q.Gò Vấp) và THCS Tân Xuân (huyện Hóc Môn). Và từ năm 2012, thầy Long về công tác tại Trường THPT Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn) khi đó mới vừa thành lập và được phân công làm tổ trưởng chuyên môn.
Liên tiếp những năm gần đây, thầy Long có một loạt sáng kiến được Sở GD-ĐT TP.HCM xếp loại xuất sắc như: Vận dụng phương pháp xây dựng và sử dụng biểu đồ trong dạy học Địa lí 12 THPT, Tổ chức dạy học chủ đề Nhật Bản cho học sinh lớp 12 theo định hướng giáo dục STEM, Tổ chức dạy học chủ đề: Em yêu biển đảo quê em cho học sinh lớp 12 theo định hướng giáo dục STEM, Tổ chức dạy học chủ đề: “Quê hương tôi – hòn ngọc viễn đông” cho học sinh lớp 12 theo định hướng giáo dục STEM, Tổ chức dạy học một số chủ đề Địa lí cho học sinh lớp 12 theo định hướng giáo dục STEM…
|
Học sinh của thầy Long học môn Địa lý.
|
Điều gì khiến anh có hứng thú triển khai các phương pháp dạy học mới cho học sinh? Trả lời câu hỏi này, thầy Long cho biết vì có xuất phát điểm chậm hơn so với các giáo viên khác nên luôn ý thức tự học, đổi mới, học hỏi từ đồng nghiệp. Ngoài việc tham dự các khóa tập huấn do Sở tổ chức, thầy Long còn học thêm các khóa học về đổi mới phương pháp giảng dạy, tham gia vào các nhóm giáo viên đổi mới sáng tạo trong bộ môn.
Trong quá trình đó, thầy đã dần vận dụng những gì đã học để áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện và đối tượng học sinh.
“Dạy học dự án đã được tổ chức từ lâu và ở nhiều trường trong TP.HCM, tuy nhiên, với những lớp tôi dạy thì còn rất mới đối với các em học sinh.
Khi thực hiện dự án, các em có thể mất thêm nhiều thời gian để sưu tầm, nghiên cứu tài liệu, tổng hợp, xử lý thông tin trong quá trình thực hiện sản phẩm.
Tuy nhiên, đó là cách làm việc khoa học khi các em học lên những lớp trên. Các em phải vận dụng kiến thức đã học, có thể là liên môn nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn mà giáo viên đã khéo léo dẫn dắt thông qua bộ câu hỏi định hướng. Ngoài nắm chắc kiến thức bài học thì thông qua dự án, các em có thêm những kiến thức, kỹ năng mà một bài học bình thường trên lớp ít có điều kiện trải nghiệm được như kỹ năng lập kế hoạch, làm việc nhóm...” - thầy Long nói về lý do kiên trì áp dụng những phương pháp mới trong dạy học.
“Điều tôi thấy vui nhất là những nỗ lực của mình đã dần xóa đi được tư duy Địa lí chỉ là môn phụ trong học sinh, phụ huynh”.
Nói về áp lực của nghề giáo, thầy Long cho rằng đã chọn nghề thì phải "biết thế nào là đủ".
“Từ khi chọn học bộ môn này là tôi xác định mình ít có điều kiện dạy thêm như một số môn khác. Nhưng tôi thấy được ý nghĩa của môn mình sẽ dạy góp phần hình thành và phát triển phẩm chất năng lực các em. Nếu đi dạy mà lương không đủ trang trải thì sẽ phụ thêm việc gì đó để nuôi nghề".
Thầy Long cũng khẳng định sẽ tiếp tục trau dồi về kiến thức, kỹ năng để đem đến cho học sinh những bài học hay, tổ chức lớp học sao cho các em có điều kiện phát huy thế mạnh của bản thân, có kỹ năng tự học, tìm kiếm thông tin hỗ trợ trong học tập. Bên cạnh đó, hướng học sinh đến những những giá trị sống, đạo đức, trí tuệ và nghị lực.
“Bởi ngoài những kiến thức, kỹ năng cần trang bị thì các em phải biết là một người con có trách nhiệm, có đủ nghị lực và trí tuệ để sau cống hiến công sức của mình phục vụ cho quê hương, đất nước” – thầy Long bày tỏ.