Thang máy liên tục “nhốt” cư dân
Theo phản ánh của một số cư dân tòa nhà A2, A3, chung cư Thăng Long Garden (250 đường Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Cty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư, thang máy của tòa nhà thường xuyên bị kẹt, rơi tự do khiến người dân hoảng sợ.
Cụ thể, dù mới về ở từ tháng 12/2014 nhưng tới nay đã có hơn 50 lần người dân bị kẹt thang máy, thang máy rơi tự do, sập điện thang máy. Hệ thống thang máy không có bộ lưu điện để đưa người dân về tầng gần nhất khi xẩy ra sự cố, thang máy không có hệ thống chống quá tải, không có máy phát điện dự phòng cho thang máy. Thang máy không được kiểm định, dán tem kiểm định theo quy định.
|
Cư dân tòa nhà A2, A3 tập trung phản đối chủ đầu tư không hợp tác giải thích về các vấn đề người dân khiếu nại.
|
Chị Trương Mỹ Dung (32 tuổi, ở phòng 1901, nhà A3) cho biết: “Ngày 14/3/2015, tôi có sử dụng thang máy để di chuyển từ tầng hầm B1 lên tầng 19. Vừa bước vào chưa kịp bấm nút chọn tầng, thang máy đột ngột đóng lại, trên bảng điện tử (thang máy – PV) báo “Full load” nhấp nháy và không thể mở cửa được. Hoảng sợ, tôi có bấm chuông cứu hộ, nhưng tiếng rất nhỏ, người trực không có, bấm biểu tượng điện thoại thì nút bấm không hoạt động. Khoảng 30 phút sau, tôi mới được bảo vệ cùng cư dân giải cứu".
Trước đó, chị Dung từng bị tụt thang máy và rơi tự do tới bốn lần.
Clip chị Mỹ Dung bị mắc kẹt trong thang máy tòa nhà A3, được người dân cùng các bảo vệ tòa nhà giải cứu:
Chị Phương Thảo (ở phòng 1009, nhà A3) cũng từng "mất vía" khi bị thang máy nhốt hơn 1 tiếng đồng hồ. “Lúc đó khoảng 20h50 ngày 13/3, tôi sử dụng thang máy của tòa nhà A3, để di chuyển từ tầng 10 xuống tầng hầm B1, nhưng khi xuống đến giữa tầng 8 và 9 thì thang bỗng dưng ngừng hoạt động. Tôi liên tục bấm chuông để gọi cứu hộ, nhưng không nhận được sự giúp đỡ nào từ bên ngoài. Sau hơn 1 tiếng bị nhốt bên trong, tôi mới được cư dân và nhân viên bảo vệ cùng 2 nhân viên trực đến cạy cửa đưa ra ngoài”, chị Thảo rùng mình nhớ lại.
Thang máy ở chung cư Thăng Long Garden cũng là nỗi khiếp sợ với chị Nguyên Linh (38 tuổi, ở phòng 2402, nhà A3, đang mang bầu). “Bị thang máy nhốt nhiều lần nên bây giờ tôi không dám về nhà một mình, vì sợ kẹt trong thang. Đi một mình, nếu bị kẹt thì không biết phải xử lý thế nào, nên tôi chấp nhận đứng chờ dưới chân tòa nhà đến khi có người thân về đưa lên nhà mới dám lên”.
Nhận được phản ánh của cư dân, ngày 18/3, PV Kiến Thức có tới chung cư Thăng Long Garden mục sở thị thì thấy tòa nhà A3 có bốn thang máy, nhưng chỉ vận hành hai thang. Thang vận chuyển rác cũng chưa sử dụng được, nên việc vận chuyển rác thải vẫn phải đi chung với 2 thang máy đi lại của cư dân.
|
Chung cư Thăng Long Garden.
|
Hàng loạt sai phạm tại Thăng Long Garden
Không chỉ thang máy làm cư dân khiếp sợ mà theo phản ánh, chung cư Thăng Long Garden còn tồn tại hàng loạt vấn đề “lùm xùm” khác như biến diện tích trồng cây xanh thành bãi xe, chia nhỏ căn hộ để bán, chậm bàn giao, lấy tiền khống của cư dân, hệ thống phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được nghiệm thu...
Ông Đỗ Quang Bình – Trưởng ban đại diện lâm thời của tòa nhà A2, A3 cho biết: “Dù đã đi vào hoạt động nhiều tháng nay nhưng hệ thống PCCC của hai tòa nhà A2, A3 vẫn chưa được nghiệm thu, kiểm định khiến chúng tôi rất lo lắng. Bên cạnh đó, đường ống nước sinh hoạt liên tục bục, thấm vào nhà, chưa kể hệ sinh môi trường quanh hai tòa nhà cực bẩn. Phòng cộng đồng của cư dân, chưa được bàn giao... Hàng loạt những khuất tất kể trên, cư dân chúng tôi muốn đối thoại với chủ đầu tư để có câu trả lời thỏa đáng, nhưng họ không hợp tác…”.
Liên quan đến những lùm xùm tại chung cư Thăng Long Garden, trao đổi với Kiến Thức, ông Đỗ Đình Nguyên - Phó Ban quản lý Dự án Thăng Long Garden - Công ty CP May Thăng Long thừa nhận việc cư dân bị mắc kẹt trong thang máy là có thật nhưng... thi thoảng mới xảy ra và ông Nguyên cho rằng: "Việc kẹt thang máy thì ở đâu cũng vậy cả do đang trong quá trình hoàn thiện".
Liên quan đến hệ thống PCCC của tòa nhà, ông Nguyên khẳng định: “Hệ thống PCCC của tòa nhà A2, A3 và thang thoát hiểm đã được Cục PCCC nghiệm thu, kiểm định, nên rất an toàn. Cư dân không hiểu gì về PCCC, nên mới phản ánh như vây".
Tuy nhiên, khi PV yêu cầu được xem giấy nghiệm thu đủ điều kiện an toàn PCCC, ông Nguyên nói có đầy đủ nhưng chưa thể đưa ngay vì còn phải sắp xếp.
Về việc chủ đầu tư chia nhỏ căn hộ để bán, ông Nguyên trần tình: "Theo thiết kế ban đầu là căn hộ cao cấp nhưng không bán được, nên chúng tôi mới phải thay đổi, chia nhỏ ra để bán. Việc làm này, chủ đầu tư đã được UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng phê duyệt đồng ý". Nhưng khi được hỏi về các văn bản thể hiện việc các cơ quan chức năng đã phê duyệt, ông Nguyên nói: "Cái này, không được đưa ra ngoài, nên không cung cấp... ".
Vị Phó Ban quản lý cũng khẳng định việc biến vườn hoa, cây cảnh thành bãi trông giữ xe, xây nhà như cư dân phản ánh là không đúng. "Ngôi nhà 3 tầng hiện nay mà cư dân phản ánh theo thiết kế là vườn hoa là không đúng. Đây là đất trạm biến áp điện của quận Hai Bà Trưng, không liên quan gì đến đất dự án. Còn bãi xe thì chủ đầu tư xây dựng nhà 1 tầng, phía trên làm sân tenis, nhằm phục vụ cho cư dân. Còn lý do chưa bàn giao phòng cộng đồng cho cư dân, vì họ mới về ở được 35% và phòng cộng đồng đang hoàn thiện. Khi cư dân đến ở hơn 60%, chủ đầu tư sẽ bàn giao phòng cộng đồng cho cư dân", ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, thang máy của 2 tòa nhà A2, A3 tới đây sẽ được khắc phục.