Mới đây, trên báo Thanh Niên đưa tin, hai CSGT tên Hồ Minh Xuân (SN 1981) và Đỗ Ngọc Long (SN 1990) cùng mang hàm thượng úy và công tác tại Trạm CSGT Tân Túc, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP HCM) bị tố mượn tiền 500 triệu đồng của một người phụ nữ tên Bảy nhưng sau đó trốn nợ và chặn liên lạc với người này.
|
Hai CSGT TP.HCM bị tố trốn nợ. (Ảnh: Thanhnien)
|
Sau khi xảy ra sự việc trên, bà Bảy đã đến Trạm CSGT Tân Túc để tìm gặp Xuân và Long nhưng không được. Ngoài ra, người trực cổng trạm CSGT luôn nói không có hai người này ở trong trụ sở.
Trao đổi thông tin liên quan đến sự việc trên, đại tá Dương Văn Phóng - Phó giám đốc công an TP HCM cho biết, công an TP đã nhận được đơn xin xuất ngũ 2 CSGT là Hồ Minh Xuân và Đỗ Ngọc Long, tạm thời cho Long và Xuân nghỉ việc để chờ quyết định chính thức. Còn chuyện hai CSGT này thiếu nợ 500 triệu ra sao, còn ai liên quan nữa không chúng tôi sẽ nắm lại rồi thông tin sau.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, vay mượn là quan hệ dân sự phổ biến trong đời sống xã hội, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Tuy nhiên, trong các giao dịch về tài sản thì quan hệ dân sự vay tài sản là giao dịch dân sự nhiều rủi ro nhất kể cả trường hợp vay có biện pháp đảm bảo như cầm cố, thế chấp...
|
Luật sư Đặng Văn Cường.
|
Theo phản ánh của báo chí dư luận thì bà bảy cho biết, gia đình đã cho 2 chiến sĩ của trạm
CSGT Tân Túc tên Hồ Minh Xuân và Đỗ Ngọc Long mượn 500 triệu đồng nhưng đến nay không đòi lại được. Đến nay, gia đình cũng không thể liên lạc được với hai người này....
Với nội dung sự việc như vậy thì đây lại là câu chuyện bất thường, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, khi có đơn trình báo, tố giác của người cho vay tiền hoặc có thông tin dấu hiệu sai phạm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông thì cơ quan quản lý hai chiến sĩ cảnh sát giao thông này và cơ quan điều tra có thể vào cuộc xác minh làm rõ sự việc và có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật
Trước tiên cần làm rõ số tiền vay thể hiện qua giấy tờ, tài liệu nào, làm rõ mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất và biện pháp đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Cần làm rõ vì sao người phụ nữ này lại nhiều lần cho hai cảnh sát giao thông vay tiền, số tiền vay đã được sử dụng vào việc gì, vợ con, gia đình là chiến sĩ này có biết hay không, người cho vay đòi tiền từ khi nào, vì sao người vay tiền từ chối trả tiền hoặc trì hoãn việc cho tiền.
Thời gian gần đây, vụ việc của Tuấn "khỉ" là một cán bộ công an nhưng đã sa đà vào nợ nần rồi trở thành tội phạm giết người khiến dư luận không khỏi hoang mang, từ đó việc quản lý cán bộ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức của cán bộ là câu chuyện cần phải được quan tâm nhiều hơn để đảm bảo duy trì kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ.
Trong vụ việc nêu trên, quá trình kiểm tra xác minh nếu có căn cứ cho thấy hai cảnh sát giao thông trên đã vay tiền của người dân rồi sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp như lô đề, cờ bạc, buôn lậu dẫn đến mất khả năng trả lại tài sản thì những người này sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân và bị xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và các tội danh khác có liên quan...
Ngoài ra, nếu có căn cứ cho thấy những người vay tiền này đã gian dối hoặc bỏ trốn nhầm chiếm đoạt tài sản hoặc có tài sản, có điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ thì hành vi này có thể xử lý hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy việc vay mượn tiền là sử dụng vào mục đích hợp pháp, nhằm phục vụ cho nhu cầu công việc hoặc chi tiêu trong gia đình, có sự bàn bạc, thống nhất của vợ con, gia đình, vay mượn tiền là bởi cuộc sống khó khăn.
Những người này không gian dối, không bỏ trốn, không sử dụng tiền và mục đích bất hợp pháp, hiện nay hoàn cảnh đang khó khăn chưa có khả năng trả nợ... Bản thân hai chiến sĩ cảnh sát giao thông này vẫn hoàn thành nhiệm vụ, thể hiện đạo đức lối sống trong sạch, lành mạnh thì đây là hoàn cảnh đáng thương cần phải có sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan, chính quyền địa phương và người cho vay cũng tạo điều kiện để những người này có thời gian trả nợ.
Còn trường hợp những người vay nợ do cờ bạc, cá độ, suy thoái về đạo đức, lối sống thì cần phải có những ngăn chặn, xử lý kịp thời tránh trường hợp sa ngã, trở thành những tội phạm nguy hiểm như Tuấn "khỉ" trong vụ án vừa qua.
Để kết luận chính xác nội dung vụ việc, làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật thì cơ quan nơi hai cảnh sát giao thông này công tác hoặc cơ quan điều tra nơi người cho vay có đơn tố cáo cần phải xác minh làm rõ những nội dung nêu trên, cần phải có những chứng cứ cụ thể để có những kết luận chính xác và có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong hàng ngũ công an nhân dân.
Mời quý vị độc giả xem video: 2 CSGT TP HCM bị tố trốn nợ.