Thông tin mới nhất về việc hai ông Trương Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La và ông Phan Tiến Diện - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cùng nhiều cán bộ khác bị bắt giữ để điều tra về các vi phạm liên quan đến công tác đền bù, di dân tái định cư thủy điện Sơn La (tại huyện Mường La), vào lúc 16h hơn chiều 19/11, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La đã có cuộc họp thông tin về vụ việc nghiêm trọng này.
Buổi họp báo được tổ chức tại trụ sở Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La do Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Sơn La – bà Mai Thu Hương chủ trì. Ngoài ra buổi họp báo cũng có sự tham dự của đại diện Công an tỉnh Sơn La, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La.
|
Quang cảnh buổi họp báo. |
Tại buổi họp báo, Thượng tá Trần Thanh Sơn – Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Sơn La cho biết, qua công tác nghiệp vụ, công an tỉnh Sơn La phát hiện một số dấu hiệu vi phạm trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La (Công tác giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy bắt đầu từ 2003 đến 2010).
Ban giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh được một số đối tượng có sai phạm với các hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi sai phạm của từng đối tượng ở các khâu đo đạc, lập bản đồ địa chính, thẩm định, thu hồi và bồi thường hỗ trợ không đúng quy định… gây thiệt hại cho Nhà nước.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã họp, đánh giá chứng cứ thu thập được, hành vi cụ thể của từng đối tượng và mối quan hệ giữa hành vi thực hiện và hậu quả thiệt hại đã xảy ra. Qua đó, khẳng định hành vi của 17 đối tượng đã cấu thành tội phạm, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Đại diện Công an tỉnh Sơn La thông tin về vụ việc trên. |
“Ngày 15/11, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, bị can với 17 đối tượng (15 Đảng viên) và bắt giam 15 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 2 bị can. Các quyết định này được VKSND tỉnh phê chuẩn đúng quy định” - , Thượng tá Trần Thanh Sơn – Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Sơn La cho biết.
Theo đại diện Công an tỉnh Sơn La, công an tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch thi hành công tác bắt bị can tạm giam, khám xét nơi làm việc, nơi ở… của các bị can. Ban chỉ đạo do Giám đốc Công an tỉnh Sơn La làm trưởng ban trực tiếp chỉ đạo.
Trong 3 ngày từ 16 đến 18/11, cơ quan An ninh điều tra chủ trì, cùng VKSND tỉnh đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét 14 bị can; tống đạt quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cứ trú với 2 bị can.
“Các trường hợp là đảng viên bị khởi tố, tạm giam được thực hiện đúng các quy định của Điều lệ Đảng. Các trường hợp là cán bộ bị khởi tố hình sự nhưng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Hiện cơ quan an ninh điều tra đang khẩn trương thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật”, đại diện Công an tỉnh Sơn La thông tin.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố hai phó giám đốc Sở cùng các cán bộ Trưởng, Phó các phòng, ban chuyên môn liên quan đến công tác đền bù, di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La đã tiến hành bắt giữ các ông Trương Tuấn Dũng - Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Sơn La, ông Phan Tiến Diện - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cùng 12 đối tượng khác. Tất cả hai Phó giám đốc Sở và các các bộ bị bắt giữ đều có sai phạm liên quan đến công tác đền bù, di dân tái định cư khi Nhà máy thủy điện Sơn La được xây dựng tại huyện Mường La.
Thời điểm xảy ra sai phạm, ông Trương Tuấn Dũng giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Mường La còn ông Phan Tiến Diện giữ chức vụ Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La.
Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La – thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á (công xuất lắp đặt 2.400MW) có chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhà máy được đặt tại huyện Mường La (Sơn La), hồ chứa trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Việc di dân, tái định cư lòng hồ bắt đầu được triển khai năm 2003 và hoàn thành năm 2010. Năm 2012, Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức khánh thành.
Tính đến 2015, chi phí xây dựng nhà máy ở mức gần 35.000 tỷ đồng (giữ nguyên so với dự toán); xây dựng công trình giao thông 4.400 tỷ đồng (giảm 662 tỷ đồng). Tuy nhiên, hạng mục di dân tái định cư lại tăng hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Sơn La được duyệt khoảng 11.100 tỷ nhưng tăng lên 16.300 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên tăng từ 6.000 lên 6.700 tỷ đồng; tỉnh Lai Châu tăng khoảng 300 tỷ đồng, lên mức 3.430 tỷ đồng.
Tổng cộng, có 20.340 hộ dân với 92.301 nhân khẩu phải di dời khỏi vùng ngập lụt. Riêng tỉnh Sơn La chiếm hơn 50% với hơn 12.500 hộ, 60.000 nhân khẩu đã di chuyển tới 70 khu, 276 điểm tái định cư; gần 16.000 hộ, 75.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.