Sau khi Phó chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải (TP.HCM) cùng lực lượng chức năng cho phá bỏ bậc thềm trước rạp Công Nhân (Nhà hát kịch thành phố) nằm trên đường Trần Hưng Đạo, đã có không ý kiến trái chiều được đưa ra xung quanh quyết định cứng rắn này.
|
Theo như bức ảnh so sánh được đưa lên mạng này, đây là ảnh năm 1960 nhà hát này có 3 bậc, nhà hát hiện tại (trước khi bị phá) có nhiều hơn 3 bậc... Ảnh Vitalk |
Nhiều bình luận cho rằng đây là công trình lịch sử, có ý nghĩa văn hóa thì không nên đập bậc thềm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người ủng hộ ông Hải xử lý triệt để những sai phạm về lấn chiếm vỉa hè. Bạn đọc đã truyền nhau hình ảnh trên mạng so sánh rạp hát này trong quá khứ để chứng minh những việc mà đoàn kiểm tra của ông Hải đã làm.
"Trước khi cho đập bỏ những công trình có lịch sử ông Hải đã xem hình ảnh tư liệu và giấy phép xây dựng thời đó của công trình đó ra sao rồi mới quyết định nhé. Chứ không phải đập bừa đâu"-một bạn đọc bình luận.
Một bạn đọc khác viết: "Dân tình đang sôi sục vì anh Hải đập phá bậc lên xuống của nhà hát 100 tuổi, nhưng xem lại ảnh Sài Gòn những năm 1960 thì có lẽ là anh Hải vẫn đúng cũng nên. Hôm nay đi về mà thấy đường thông hè thoáng, hết hẳn chen lấn, hở ra là tắc đường như mọi khi...".
Tuy nhiên, vẫn có bạn đọc phân vân: "Trẻ con bây giờ bước lên nhà hát đó thế nào? Công trình xây hàng trăm năm rồi, tại sao không cấm ngay từ lúc xây?"...
|
Nhà hát thành phố trong quá khứ (bên trái, ảnh của tạp chí Life) và hiện tại. Ảnh VNE |
Trước đó, tối 22.3, ông Đoàn Ngọc Hải đã yêu cầu tháo dỡ bậc thềm Nhà hát kịch thành phố trên đường Trần Hưng Đạo vì lấn chiếm vỉa hè. Đây là nhà hát đã có tuổi đời gần một thế kỷ, từng là tài sản của một vị đại gia nổi tiếng Sài Gòn.
Trao đổi với VNN, Phó chủ tịch Hải cho biết: Trước khi xử lý chúng tôi đã đo đạc lộ giới đường Trần Hưng Đạo thì phát hiện công trình bậc tam cấp của nhà hát Công Nhân lấn chiếm vỉa hè.
"Tôi làm đúng theo quy định và phía nhà hát cũng không có ý kiến gì”- ông Hải khẳng định.
Theo vị lãnh đạo UBND quận 1, trừ công trình nằm trong diện bảo tồn, còn các công trình không thuộc diện này đều phải tháo dỡ để trả cho Nhà nước, cho nhân dân.
"Việc tháo dỡ công trình lấn chiếm vỉa hè nhằm bảo vệ an toàn cho người đi bộ, góp phần cùng TP chỉnh trang diện mạo đô thị”- ông Hải nói và cho biết tinh thần trong xử lý vi phạm vỉa hè của quận là “lấn một tấc cũng phải đập" nhằm trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Được biết, hiện chủ quản công trình nhà hát Công Nhân đã tự khắc phục xong. Cơ quan chuyên môn của quận và phường đã đối chiếu ranh quy hoạch với ranh chủ quyền và xác định công trình bậc thềm trước rạp Công Nhân chiếm vỉa hè một số bậc. Hiện phía Nhà hát đã cho người láng lại bậc tam cấp bị phá dỡ trước đó để đảm bảo mỹ quan đô thị.