Hai số phận, một con đường
Chúng tôi tìm về nhà vợ chồng anh Lê Hữu Phụ (SN 1982) và chị Đặng Thị Luyện (SN 1982) ở xóm xã Hương Giang, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vào một ngày cuối Thu. Ngôi nhà nhỏ rộng chưa đầy 15m2 với bức vách thô sơ, xập xệ càng lộ rõ vẻ tồi tàn khi bên trong không có vật gì quý giá ngoài chiếc xe đạp cũ đặt ở gian giữa.
|
Vợ chồng anh Phụ chị Liệu cùng cô con gái đầu. |
Chị Luyện cho biết, chị sinh ra trong một gia đình đông con ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Khi chào đời, chị bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng càng lớn lên bàn chân trái sưng nổi những khối thịt to, người đầy mụn nhọt. Qua thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị chứng phù chân voi.
Lớn lên với đôi chân không trọn vẹn, cô bé Luyện phải sống khép mình, tự ti dưới ánh mắt của người khác. Khi các bạn vui vẻ đến trường thì cô gái ấy lại dò dẫm từng bước vào rừng chặt củi gánh về để ra chợ bán.
“Tôi sống những ngày tuổi thơ như cực hình. Mọi người cười nhạo, bạn bè xa lánh, tôi chả có lấy một người bạn thân. Do nhà 5 anh em, gia đình lại nghèo nên tôi không có tiền chữa bệnh, đành để như vậy cho tới khi lớn lên. Nhiều lúc buồn quá lại trách mẹ sao sinh ra tôi không giống người vậy?!” chị Luyện ngậm ngùi nhớ lại.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, đến năm 32 tuổi chị quen và đem lòng yêu thương một chàng trai người xứ khác.
Ngày ấy cô gái Luyện thường xuyên lui tới nhà bác họ, sát vách nhà anh Phụ để chơi. Từ cuộc gặp mặt đầu tiên vào 5 năm trước, chị đã đem lòng yêu chàng trai mù lòa. Thế nhưng, tự ti với ngoại hình bản thân, chị lại không đủ dũng khí để thổ lộ tình yêu chỉ cho đến khi hai bên gia đình gán gép họ lại với nhau.
“Thật ra chúng tôi đến được với nhau là do hai bên gia đình gán ghép. Ngày ấy, nghe anh kể rất nhiều về cuộc đời, tôi thấy sao khổ giống mình vậy nên rất thương. Anh Phụ là người đàn ông đầu tiên nghe tôi trải lòng về cuộc sống. Nhưng tôi lại sợ lấy nhau về sẽ sống sao, làm gì để ăn khi anh bị mù mà chân tôi lại nư thế này”, chị Luyện nói.
Ngồi bên góc tường, anh Phụ cho biết, anh là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em ở xã nghèo của huyện Hương Khê. Từ khi sinh ra, đôi mắt anh đã bị mờ, càng lớn lên càng không nhìn rõ mọi vật rồi dần dần mất đi ánh sáng. Kể từ đó, cuộc sống của anh chìm vào bóng tối, giấc mơ tìm con chữ bị gác lại.
“Càng lớn lên tôi mất đi ánh sáng, không thể cùng các bạn đến trường. Rồi đến một ngày quen vợ, tôi không hiểu sao rất mến cô gái ấy. Nhưng lại nghĩ mình mù lòa, bản thân còn không lo nổi nghĩ đến lo tương lai cho vợ con. Chỉ nghĩ đến đấy thôi mà nhiều đêm tôi rơi nước mắt”, anh Phụ kể lại.
“Tôi mong một ngày có thể thấy ánh sáng để bảo vệ vợ con”
Chính vì tình yêu thương, sự đồng cảm về số phận, đầu năm 2014, một đám cưới cổ tích đã diễn ra ở miền quê nghèo. Đám cưới đơn giản chỉ có vài mâm cỗ đặt ở sân nhà nhưng vô cùng ấm cúng, hạnh phúc.
Cưới xong, anh Phụ được bố mẹ dựng cho một căn nhà tạm ở mảnh đất cũ để hai vợ chồng ra ở riêng. Như thương cảm cho số phận bất hạnh của hai vợ chồng, ông trời đã vun vén cho anh chị có hai đứa con Lê Thị Kiều Anh (SN 2014) và cậu con trai Lê Đức Hùng (SN 2017) lớn lên khỏe mạnh, chăm ngoan.
|
Anh Phụ hạnh phúc khi đưa con trai lớn lên khỏe mạnh. |
“Ban đầu đi sinh con ở bệnh viện, mọi người nhìn vợ chồng tôi như người ngoài hành tinh vậy. Nhiều người còn chỉ trỏ, cười nhạo nên tôi rất tủi thân. May mắn con sinh ra không bị gì hết, khỏe mạnh, nhưng thằng bé sau không được bú sữa mẹ vì sợ mắc bệnh giống tôi”, chị Luyện nói trong nghẹn ngào.
Sau nhiều năm vừa làm vợ, vừa làm mẹ, chị Luyện đã chịu biết bao khổ cực. Nhiều hôm anh Phụ lên cơn thần kinh, nói nhiều, thậm chí đánh đập chị, nhưng vì thương chồng, chị còng lưng chịu trận mà không hề oán trách. Ngày ngày, người phụ nữ ấy đạp xe lên phố làm nghề rửa bát thuê, còn anh Phụ ở nhà trông con.
Cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn, cộng với sự mất mát ở đôi chân và đôi mắt không còn nhìn thấy anh sáng. Nhưng hai mảnh đời bất hạnh ấy lại cùng vượt lên số phận để tự chăm sóc nhau ở ngôi nhà rách nát, nơi thung lũng im lìm.
|
Dù cuộc sống khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các con. |
Thấm thoát đã 4 năm trôi qua, dù chưa biết mặt hai con như thế nào, nhưng khi hỏi về các con, anh Phụ không giấu được niềm vui sướng.
“Con tôi đẹp lắm, vợ tôi lại hiền. Tôi thương vợ con, nhưng đôi mắt mù này khiến tôi bất lực trước mọi việc. Tôi mong có thể một ngày nào đó mắt tôi được chữa khỏi, được nhìn thấy ánh sáng để ngắm vợ con và có thể tự kiếm tiền giúp đỡ, chăm sóc gia đình mình”, anh Phụ ngậm ngùi nói.
Trong căn nhà rách nát ở vách núi, tài sản chẳng có gì ngoài tình người là đáng giá. Dù cuộc sống khó khăn bộn bề, nhưng hai người cùng cảnh ngộ ấy vẫn không ngừng hi vọng về một tương lai tươi sáng các con.