Mót vàng để mua… ma túy
“Lọ mọ” - Cách gọi cay nhức nhưng đúng muôn phần về đội quân lay lắt sống bám vào “rốn vàng” Mà Sa Phìn (Văn Bàn – Lào Cai). Hàng ngày, họ vác máng gỗ đi khắp các khe suối, lạch nước, mót lại những vảy vàng sót lại sau sự đào xới, sàng lọc từ những máy móc hiện đại.
Những người “lọ mọ” đầu tiên chúng tôi bắt gặp là Phà A Dế (35 tuổi) và Thào A Chợ (36 tuổi). Chợ quê ở Mù Cang Chải (Yên Bái) đã lang thang trên đỉnh Mà Sa Phìn suốt 2 năm nay mà chưa lần nào về quê.
Ngoài 2 đứa con gái là Thào Thị Sua (6 tuổi) và Thào Thị Di (5 tuổi) đang sống bám bố mẹ, Chợ còn có 2 đứa con lớn sống ở quê và một con nữa vừa chết vì lạnh và thiếu thốn hồi đầu năm khi mới 10 ngày tuổi.
|
Quán tạp hóa của bà Lâm nằm trên đỉnh núi – Đây cũng là nơi thu mua vàng của những người “lọ mọ”. Ảnh: PV |
Túp lều che nắng che mưa của gia đình Chợ nằm trên lưng chừng núi – gần nơi trú ngụ chỉ đủ kê tấm phản của cả nhà Dế. Dế và vợ là Già Thị Chứ đẻ tới 5 con, được chính quyền địa phương liệt vào danh sách đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ gạo, thịt định kì nhưng cũng chả thấm vào đâu. Được cái vợ chồng Dế rất khéo tay đãi. Đều đặn, ngày nào Dế cũng đãi được vàng, hoán đổi ra tiền khi thì dăm ba chục, khi thì cả triệu đồng nhưng có điều số tiền này đều “bay hơi” ngay sau đó.
|
Thào A Chở bên 2 cô con gái mà anh “cắp nách” từ quê ở Mù Cang Chải (Yên Bái) sang đây sinh sống. |
“Cả vợ chồng thằng Dế và vợ chồng thằng Chợ đều “chơi trâu” (ma túy). Giờ chúng chỉ đi mót vàng để đổi tiền mua thuốc phiện thôi. Chỉ tội mấy đứa trẻ”, bà Lâm, chủ quán tạp hóa chuyên bán đồ lặt vặt kiêm thu đổi vàng lẻ cho đám “lọ mọ” chua chát nói.
Chúng tôi bắt chuyện với Chợ. Anh thều thào, ánh mắt đờ đẫn hỏng một bên mắt, trả lời bằng những câu đứt đoạn. Ngồi bên cạnh Chở, Dế kỳ công đãi, gạn, khò, nấu để luyện ra những mẩu vàng. Chính Dế cũng thừa nhận, mót vàng kiếm được rất nhiều tiền nhưng rồi “chơi trâu” hết. “Không có nó giờ không sống được”, Dế chép miệng trả lời.
Hằng ngày, những đứa con của Chợ, của Dế hay của nhiều ông bố bà mẹ trong kiếp “lọ mọ” khác vẫn theo bố mẹ chui sâu vào các hang núi lạnh lẽo hoặc luẩn quẩn trong cái túp lều hôi hám. Chúng sẽ có ăn nếu ngày hôm ấy, bố mẹ chúng dùng chút vảy vàng mua thức ăn trước khi mang tất cả đi đổi ma túy.
|
Anh Phà A Dế đang thực hiện công đoạn khò vàng. |
Anh Triệu Tòn Nhất, một người dân sống gần bãi vàng xác thực thêm vào câu chuyện của chúng tôi: “Ở đây, ai cũng có thể dính vào nghiện. Từ anh bốc vác hàng thuê vào bãi vàng Mà Sa Phìn cho đến chị vợ chỉ ở nhà làm nương, rẫy. Từ mấy đứa thanh niên choai choai cho đến ông bà già 60. Họ nghiện ma túy đơn giản lắm. Có người gánh hàng thuê vào bãi vàng, mệt mỏi quá thấy “hút thuốc phiện vào khỏe” nên nghiện. Có người hay đau bụng, mỗi lần đau lại lấy thuốc phiện ra hút dần quen cũng thành nghiện. Cũng có người, chồng nghiện, thấy vợ làm vất vả, mệt nhọc, “thương vợ” cũng lấy thuốc phiện cho vợ hút. Thế là, cuối cùng tất cả cùng rơi vào con đường nghiện ngập”.
“Siêu thồ” trên đỉnh núi
|
Những thanh niên trẻ tuổi chờ gùi hàng thuê cho quán tạp hóa và các lán vàng trái phép. |
Dọc đường về với rất nhiều đất đá lởm chởm do sạt núi, chúng tôi gặp những thanh niên trẻ tuổi đang đi gùi hàng lên trên núi cho các bưởng vàng và chủ tạp hóa. Giá cả của một chuyến hàng sẽ được tính theo trọng lượng mà một người có thể gùi được.
Quệt mồ hôi chảy trên gò má sau chuyến “vận chuyển” hàng lên đỉnh núi, Thào A Già (SN 1998, ở xã Nậm Xây) hồ hởi kể: “Em gùi hàng được hơn 2 năm nay rồi. Ngày khỏe thì được 3 chuyến, ít hơn thì 2 chuyến. Mỗi chuyến em gùi khoảng 30 kg chứ không được như nhiều anh lớn khác 50 - 60kg là thường”.
Theo Già, các mặt hàng được gùi lên rất đa dạng, từ lương thực, thực phẩm, vật dụng sinh hoạt hay thậm chí cả những máy móc phục vụ cho việc khai thác ở trên các bưởng vàng. Giá của những chuyến hàng được gùi này là 5.000 đồng/kg, tuy nhiên em chỉ được nhận về 3.500 đồng/kg, số còn lại sẽ phải nộp về chủ hàng ở dưới cổng công ty. Giá và những người gùi hàng có thể ăn ngủ trực tiếp ở đây luôn và đóng phí 10.000 đồng/người.
Không chỉ những người gùi hàng vất vả lên núi này, những người chuyên chở xe ôm cũng có những cái khó nhọc riêng, họ cũng chính là những nhân chứng sống của vụ lũ quét năm ngoái gây sạt lở lán khiến gần 20 phu vàng bỏ mạng.
Anh Thắng (39 tuổi, quê ở Thái Bình, đã lên Mà Sa Phìn làm từ năm 2003) rành rọt kể lại: “Trong đợt mưa lũ năm ngoái, tôi được chứng kiến tận mắt những thứ khủng khiếp nhất trong cuộc đời. Hôm đó gần cuối tháng 8/2016, tôi đang trú chân ở một lán vàng do chở hàng lên đây thì mưa to quá không về được. Lúc bắt đầu sạt lở, tôi và những phu vàng ở đây chạy tán loạn để giữ mạng cho mình”.
|
Mẩu vàng này là thành quả một ngày làm việc của đám người “lọ mọ”. |
Theo anh Thắng, đợt đó chết và mất tích không biết bao nhiêu người. Riêng lán vàng nhà Tuấn Kim đã chết 6 người, lán nhà Dũng “sẹo” cũng chết 6 người. Chính anh cũng chứng kiến tận mắt 1 người bị nước lũ cuốn đi nhưng không ai dám cứu. Đến khi chủ bưởng vàng thuê một thanh niên bị nghiện với giá 10 triệu đồng xuống vớt xác thì anh này tìm thấy thêm một thi thể khác nữa.
Cùng cảnh tha phương mưu sinh, anh Duy (40 tuổi) - làm nghề xe ôm ở Văn Bàn đã 6 năm cho biết, có những đợt những bãi vàng trên này làm ăn tốt, một ngày anh chạy xe được 2 - 3 triệu đồng. Tuy nhiên sau vụ mưa lớn và sạt lở năm ngoái, công việc làm ăn của anh đi xuống rất nhiều. Bên cạnh chở người, anh Duy còn nhận chở thêm cả hàng hóa, giá cả thì tính theo cân, thường thì 3.000 đồng/kg. Có những lần chở trứng lên, vì đường xóc và khó đi nên vỡ mất gần nửa số trứng, anh lại phải bỏ tiền ra để bù lại.
Khi chở hàng lên trên bãi, ít khi lấy được tiền ngay, cánh xe ôm toàn bị nợ tiền, một số lán trên này nợ anh Duy hơn 40 triệu đồng. Anh Duy thở dài: “Tôi làm bây giờ chỉ là giữ mối chứ chẳng được bao nhiêu, một chuyến đi là hết 50.000 đồng tiền xăng, 50.000 đồng để dành tiền sửa xe. Số còn lại phải chi tiêu dè dặt và dành dụm gửi về quê cho vợ và 3 con gái đi học”.
Sau nhiều ngày lần mò ở bãi vàng, chúng tôi nhận ra rằng, Mà Sa Phìn chính là nơi tận cùng của khắc nghiệt và cay đắng, nơi luật pháp nằm trong tay các chủ bưởng vàng. Đây cũng là nơi nhiều cái chết bị chôn vùi trong im lặng của người sống. Có lẽ số phận của Hưng - một phu vàng trẻ tuổi, bạn nối khố của Đông “còi” cũng bọt bèo như cuộc đời của những con người ngày tháng đu mình nơi chốn thâm sơn cùng cốc đầy rẫy hiểm nguy.
Rút bó nhang mang theo người, Đông “còi” thắp 3 nén cắm lên vị trí sạt lán vàng năm ngoái. Trước khi rời khỏi bãi vàng chết chóc, Đông cào một nắm đất bỏ vào túi rồi nghẹn ngào: “Coi như phận nó ngắn, phải chôn vùi cả thân xác và tuổi thanh xuân ở chốn rừng thiêng nước độc. Tôi mang nắm đất về cho bố mẹ nó thờ cúng và nhớ ngày giỗ con...”.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn và xã Nậm Xây đều thừa nhận ở khu vực bãi vàng Mà Sa Phìn có nhiều thành phần phức tạp, trong đó có cả tình trạng nghiện hút. Mới đây, lực lượng chức năng đã thành lập Ban chỉ đạo truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép đồng thời vận động người dân đi cai nghiện và cho con trẻ đến trường.