Lãnh đạo Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức cho biết đến ngày 5-10, BV này đã lấy tổng cộng 17.979 mẫu xét nghiệm, trong đó phát hiện 34 mẫu dương tính bao gồm cả người trong BV, người đã xuất viện và người dân ở khu vực nguy cơ cao sống gần BV. Tất cả trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm hai lần.
|
Xe chuyên dụng chở người nghi nhiễm rời BV Hữu nghị Việt Đức đi chữa trị. Ảnh: HOÀNG HIẾU/TTXVN |
Hà Nội: “Ổ dịch BV Hữu nghị Việt Đức rơi vào đúng điểm yếu”
Để giải tỏa và làm sạch, BV Hữu nghị Việt Đức đã liên hệ với BV ĐH Y Hà Nội để chuyển người bệnh đến điều trị tiếp tục, dự kiến khoảng 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà cụ thể; chuyển BV Thanh Nhàn dự kiến 450 người; chuyển BV Đức Giang 350 người. Tối 4-10, công tác đưa các bệnh nhân đi đã được triển khai.
Sở Y tế TP Hà Nội cũng phối hợp với BV đưa hơn 1.000 người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung ngay khi phát hiện ca mắc đầu tiên.
BV Hữu nghị Việt Đức cũng đề nghị quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ về thủ tục đối với những trường hợp là người đã ghép tạng đến khám lại lấy thuốc. Việc này nhằm loại trừ các trường hợp thải ghép đến khám hằng ngày vào đúng thời điểm BV tạm phong tỏa chống dịch hiện đang kẹt tại BV được giải tỏa. Ngoài ra còn có các trường hợp chạy thận chu kỳ được ra/vào để chạy thận. Những trường hợp này đều phải tuyệt đối tuân thủ phòng chống dịch và đã lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV2 cho kết quả hai lần âm tính.
Đối với nhân viên y tế, BV cũng đề nghị người tiêm đủ hai mũi vaccine, xét nghiệm âm tính với virus SAR-CoV-2 khoảng 2-3 lần có thể được giãn cách ra nghỉ ở khách sạn giữa các lớp trực. BV cũng đã triển khai tiêm vaccine cho những bệnh nhân đủ điều kiện tiêm mũi 1 hoặc mũi 2.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ổ dịch tại BV Hữu nghị Việt Đức rơi vào đúng điểm yếu vì ca mắc đầu tiên xuất hiện ở Khoa ung bướu, nơi điều trị những bệnh nhân ung thư, có bệnh nền phức tạp. Mặt khác, các ca mắc ở đây không chỉ ở một khoa mà lan rộng ra nhiều khoa, phòng khác nhau, diện tích phong tỏa đã rộng hơn nhiều.
Chuyên gia cũng đánh giá chùm ca bệnh liên quan đến BV Hữu nghị Việt Đức có dấu hiệu hạ nhiệt khi vài ngày gần đây, chỉ ghi nhận số F0 ở mức thấp, đều đã được cách ly. Tình hình chung, ổ dịch tại BV Hữu nghị Việt Đức cơ bản được kiểm soát, các ca mắc ở tỉnh khác cũng chưa lây nhiễm thứ phát cho bệnh nhân nào.
Đến nay, liên quan đến ổ dịch BV Hữu nghị Việt Đức đã ghi nhận tổng cộng 42 ca mắc, tại Hà Nội 34 ca, ngoại tỉnh tám ca. Trong số này có năm nhân viên y tế, còn lại là người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đang điều trị tại BV.
Bình Dương đồng loạt tiêm vaccine Vero Cell mũi 2 cho người dân
Cùng ngày 5-10, đồng loạt các địa phương trên địa bàn Bình Dương tiếp tục tiêm vaccine Vero Cell cho người dân đã tiêm mũi 1.
Theo ghi nhận, tại các điểm tiêm trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, người dân tới tiêm vaccine rất đông. Trong số này một số người chưa được tiêm mũi 1, còn lại là những người đến tiêm mũi 2.
Phân bổ gần 1 triệu liều vaccine Pfizer
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ 992.160 liều vaccine Pfizer cho các tỉnh, thành, công an, quân đội và BV cả nước.
Số vaccine này được mua từ nguồn ngân sách nhà nước, là đợt phân bổ thứ 55 của Bộ Y tế.
Trong đó, Hà Nội nhận 137.000 liều, TP.HCM nhận 170.820 liều, còn lại phân bổ cho các tỉnh, thành phía Nam.
Trước đó, ngày 4-10, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có công văn khẩn gửi các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh về triển khai tiêm hơn 324.000 liều vaccine Vero Cell.
Trong đó, địa phương được phân bổ vaccine nhiều nhất là TP Dĩ An với 67.000 liều. Thời gian tiêm từ ngày 5 đến hết 8-10.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 4-10, Bình Dương đã tiêm hơn 2.285.000/3.205.850 liều được phân bổ. Trong đó, có 2.027.513 mũi 1 và 258.057 mũi 2.
Trước đó, vào đầu tháng 9, Bình Dương đã nhận gần 800.000 liều vaccine Vero Cell về tiêm cho người dân.
Phú Quốc cần xây dựng phương án chi tiết trước khi mở cửa đón du khách
Sáng 5-10, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, dẫn đầu đã đến làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại TP Phú Quốc (Kiên Giang).
Báo cáo về tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, đại diện UBND TP Phú Quốc cho biết: Tính đến ngày 3-10, Phú Quốc có tổng cộng 276 ca F0, trong đó hai ca phát hiện tại cộng đồng và 274 ca trong khu vực phong tỏa, cách ly.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý dù hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được khống chế nhưng vẫn còn nhiều phức tạp, khó lường, đặc biệt là liên quan đến ổ dịch tại phường An Thới. Do đó, Phú Quốc cần tiếp tục sàng lọc virus SARS-CoV-2 ở phường An Thới và các xã, phường còn lại theo quy định.
Mặt khác, Phú Quốc chuẩn bị thí điểm đón khách du lịch quốc tế nên khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 từ khách du lịch vào đảo có nguy cơ rất cao. Do đó, cần tăng cường các biện pháp để kiểm soát tốt dịch bệnh.
“Do là đảo xa đất liền, điều kiện về y tế còn hạn chế, đặc biệt khi mở cửa đón du khách, Phú Quốc cần xây dựng các phương án chi tiết để kịp thời đối phó và xử lý các tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn” - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.