|
Theo Công ty Thoát Nước Hà Nội, đoạn sông đang xử lý ô nhiễm theo Nano – Bioreactor vừa được đơn vị nạo vét bùn, khai thông dòng chảy |
Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JEV) - đơn vị triển khai, và đại diện chuyên gia Nhật Bản cho biết: Sau 3 tuần công nghệ này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi đã giảm đáng kể và khớp với chỉ số dự kiến trước đó. Dẫn chứng cho nhận định này, chuyên gia Nhật lần lượt lấy 4 mẫu nước, bùn, theo chuyên gia Nhật là lấy ở 2 khu vực trước và sau xử lý, được đặt lên bàn để làm mẫu so sánh cho phóng viên quan sát. Hai tiêu chí được chuyên gia Nhật đề cập là độ trong của nước lớp mặt và độ dày của lớp bùn tầng đáy sông Tô Lịch.
Nhật xét về việc này, chuyên gia Nhật Bản cho biết, nước ở lớp mặt của sông đã trong hơn rõ rệt. Những gì chúng ta nhìn thấy màu đen là lớp bùn dưới đáy vẫn gồm cát, sỏi chưa phân hủy được do không phải chất hữu cơ. Còn lớp bùn ở những khu vực không đặt máy xử lý thì vẫn còn mùi và có độ nhớt, chứa nhiều chất thải hữu cơ…
Riêng về mùi hôi, chuyên gia Nhật thông tin, khi đưa lên mũi ngửi không còn thấy nhiều mùi, một phần là do khả năng xử lý chất thải hữu cơ của máy Bioreactor và một phần là do các tấm vật liệu Nano đặt xuống sông trước đó xử lý có hiệu quả.
Đại diện JVE cho biết, sau 3 tuần triển khai thí điểm, mùi của nước sông đã giảm đáng kể dựa trên các chỉ số nồng độ NH3 và H2S. Tuy nhiên, sau 2 tháng sẽ biết kết quả rõ ràng hơn.
Tại buổi công bố, các phóng viên đã đặt câu hỏi về công nghệ, chế phẩm xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch; chi phí của mỗi thiết bị đặt xuống sông, ước tính kinh phí sau 3 tuần và cả đợt 2 tháng cụ thể là bao nhiêu? Tuy nhiên cả đại diện JEV và chuyên gia Nhật đều từ chối trả lời và hẹn sẽ thông tin trong một thời gian thuận tiện.
Trong khi đó, chiều 6/6, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội (đơn vị xử lý các vấn đề về nước thải trên địa bàn Hà Nội) cho hay: Sông Tô Lịch có lượng bùn thải lắng đọng dày từ 1 đến hơn 1,5 mét so với cốt lòng sông. Vừa qua để chuẩn bị cho mùa mưa năm 2019, Công ty đã triển khai nạo vét theo kế hoạch thành phố giao đoạn từ Bưởi đến Láng với khối lượng bùn thải được nạo vét trên 10.000 m3. Với đoạn từ Láng đến Ngã Tư Sở, đơn vị đang phấn đấu nạo xong trước mùa mưa năm nay.
Đánh giá về kết quả sau nạo vét, đại diện Cty Thoát nước cho biết, sau nạo vét lòng sông gần như hết lượng bùn thải lắng đọng, khai thông dòng chảy, nhờ đó nước sông cũng đỡ đen hơn so với trước.