Xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một trong những nhiệm vụ sống còn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ, một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này là tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống với xây
Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 17/5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận “đã có nhiều đổi mới rất tích cực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
“Đến nay, có thể khẳng định, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
|
Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ảnh: Nhật Bắc |
Nhờ vậy, tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Kết quả này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 – 2022: “Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây”.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa "phòng, chống với xây".
Điều này được thể hiện rõ trên hai phương diện: Công tác hoàn thiện thể chế và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam) đánh giá: “Gần 3 năm vừa qua, có thể nói là đỉnh cao của quá trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Kim cho rằng, trước hết phải nói đến các văn bản quy phạm pháp luật và những quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đầy đủ hơn.
Điều này đã tạo ra một hành lang pháp lý và cơ sở chính trị để giải quyết những vấn đề mà lâu nay còn ách tắc, không giải quyết được.
|
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà |
Hàng loạt quy định liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ban hành. Trong đó phải kể đến Quy định số 32 ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Liều “vắc xin” giúp cán bộ, đảng viên tăng sức đề kháng
Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã được Hội nghị Trung ương 5 thống nhất rất cao cũng là một điểm nhấn trong nửa nhiệm kỳ qua.
Ngày 2/6/2022, Ban Bí thư ban hành Quy định 67 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngay sau đó, các tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Theo ông Vũ Trọng Kim, nhờ vào các quy định này mà bộ máy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Chia sẻ với PV VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chính là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương, thể hiện tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" từ Trung ương đến địa phương.
Bí thư Thái Nguyên cho rằng, phải đặc biệt chú trọng khâu "phòng" tham nhũng, làm sao phải kịp thời phát hiện khi những hành vi tham nhũng, tiêu cực vừa mới manh nha, ở mức độ nhỏ lẻ được xử lý ngay. Điều này tránh gây hậu quả rồi mới xử lý, không để vừa mất tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, lại vừa mất cán bộ.
Cho nên, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thể hiện tính nhân văn theo phương châm "phòng" hơn "chống".
"Đây sẽ như những liều vắc xin giúp cán bộ, đảng viên tăng sức đề kháng trước những cám dỗ vật chất và các thủ đoạn mua chuộc tinh vi", bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
|
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Hoàng Hà |
Bí thư Thái Nguyên đánh giá, các kết quả đạt được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nửa nhiệm kỳ qua đã tạo niềm tin cho nhân dân và có sức răn đe, cảnh tỉnh, giúp mọi cán bộ, đảng viên và kể cả người dân, doanh nghiệp đều tự giác và có ý thức cao trong việc áp dụng đúng, đầy đủ và đồng bộ quy định của pháp luật.
Việc một số cán bộ sai phạm bị xử lý thời gian qua là bài học xương máu, mang ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh với mọi cán bộ, đảng viên.
Cơ chế bí thư tỉnh ủy đồng thời là trưởng ban chỉ đạo không những đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà còn tạo thuận lợi nhiều hơn trong công tác phát hiện, xác minh, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Qua đó giúp cho quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác, công bằng, bớt thủ tục rườm rà qua nhiều cấp.
2 Ủy viên Bộ Chính trị, 5 Ủy viên Trung ương thôi chức
Một điểm đột phá nữa trong công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kể đến đó là kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Trong đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Chủ trương này sau đó được thể chế hóa và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Tại hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định cho 3 Ủy viên Trung ương thôi tham gia Ban Chấp hành gồm các ông: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang.
Sau đó, Trung ương tiếp tục đồng ý cho các ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị; ông Vũ Đức Đam và Nguyễn Phú Cường thôi Ủy viên Trung ương.
Các địa phương cũng xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có trường hợp là Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (Ninh Bình, Phú Yên, Bình Thuận,…).
“Chính những quy định này đã đi đầu, mở ra hành lang pháp lý rất quan trọng trên cả lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều sâu”, ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Ngày 19/6/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng với hơn 300 đại biểu và 2.200 đại biểu tại các điểm cầu địa phương tham dự.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả việc thành lập và triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo Quy định số 67, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư.
Ngoài ra, hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Đồng thời, xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chỉ sau 2 tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương 5, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập, trong đó có 3 địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.
Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo sau 1 năm đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.
Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam ta được hoàn thiện thêm một bước mới.