Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 3, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.
Thay mặt Chính phủ báo cáo tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Thống kê gồm 9 chương, 72 điều và 01 Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Đến nay, các điều theo quy định của Luật Thống kê vẫn giữ nguyên giá trị, phù hợp với các quy định hiện hành, không cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế số, xã hội số và sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thì Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cá nhân ông thấy cần sửa luật chứ không chỉ sửa danh mục
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua đã giao Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo, đồng thời lấy ý kiến chuyên gia độc lập. “Đến nay cá nhân tôi thấy có 7 lý do chính để sửa luật chứ không chỉ sửa danh mục” – ông Vương Đình Huệ nói.
Đầu tiên, luật hiện hành chưa quy định rõ chế độ kiểm toán nhà nước với thống kê nhà nước và kiểm toán với các dịch vụ thống kê ngoài nhà nước; chế độ giám sát của Quốc hội về số liệu thống kê quốc gia.
Hai là chưa có quy định cụ thể về dịch vụ thống kê, hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê, trong khi thông lệ quốc tế quy định cái này rất phổ biến.
Ba là chưa có cơ chế Nhà nước đặt hàng cho các tổ chức do Đảng, Nhà nước thành lập và giao nhiệm vụ thực hiện thống kê, như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Chưa có quy chế ủy thác đặt hàng các tổ chức này cung cấp các số liệu thống kê.
Bốn là cơ quan thống kê Nhà nước chưa phát triển dịch vụ cung cấp thông tin thống kê. “Tức là gia tăng giá trị thông tin thống kê còn rất hạn chế. Số liệu phải biết nói. Các báo cáo thống kê, cung cấp dịch vụ thống kê, cung cấp thông tin thống kê trong luật còn vắng bóng” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Điểm thứ năm, theo Chủ tịch Quốc hội là chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương là Tổng cục Thống kê và các cục thống kê địa phương, cũng như trách nhiệm phối hợp của cơ quan thống kê bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp các thông tin thống kê trọng yếu cũng như điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê.
“Bây giờ ở địa phương điều hành vĩ mô, điều hành kinh tế rất khó, Bí thư và Chủ tịch không có thông tin. Trước đây, chúng ta tính GDP địa phương, Trung ương công bố có tình trạng GDP dưới địa phương rất to, nhưng lên Trung ương tổng hợp lại thì nhỏ. Sau này tất cả các cục thống kê ở địa phương chỉ có mỗi vai trò cung cấp số liệu lên Tổng cục Thống kê. Cũng không biết hằng tháng, hằng quý thì ai cung cấp thông tin thống kê địa phương cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, vì các cục thống kê không có quyền” – ông Vương Đình Huệ nói và đặt vấn đề không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ?
Ngoài ra, việc điều chỉnh tổng GDP của cả nước thêm khoảng 25%, tức là cỡ hơn 1 triệu tỷ đồng là rất đúng với nguyên lý và thông lệ quốc tế nhưng thẩm quyền ai được phép điều chỉnh GDP cũng như các cả chỉ tiêu vĩ mô đi theo như nợ công, thu nhập bình quân đầu người vì đều căn cứ theo GDP…
Lý do thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay trong phụ lục thống kê chưa hề có chỉ tiêu phản ánh liên kết kinh tế vùng và liên kết ngành. Trách nhiệm cung cấp thông tin thống kê này như thế nào vì “hiện các nhà quản lý phân tích, nghiên cứu phải tự dò lấy nên có tình trạng số cứ vênh nhau”.
Điểm cuối cùng mà ông Vương Đình Huệ đề cập là điều tra thống kê trong điều kiện công nghệ thông tin và khoa học 4.0 đang phát triển như vũ bão như ngày nay. “Số liệu doanh nghiệp thành lập và hoạt động không có cái nào chính xác bằng cái của Tổng cục Thuế. Người ta chả cần phải điều tra thống kê gì, dữ liệu được cập nhật từng ngày. Hay số liệu xuất-nhập khẩu việc gì phải đi điều tra khi hệ thống VNACCS/VCIS đã cập nhật hằng đầy đủ. Rất vô lý khi các đồng chí tính ước số vênh cả tỷ đô la, đương nhiên sau đó có điều chỉnh lại đúng nhưng cho thấy bất cập. Hay 10 năm chúng ta có một cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở thì sắp tới có điều tra lại không khi dữ liệu dân cư của Bộ Công an “đúng, đủ, sống, sạch” cập nhật chi tiết đến từng tỉnh, huyện, xã”.
Đề xuất điều sửa đổi, bổ sung rộng hơn
Báo cáo giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia căn cứ vào Điều 18 của Luật Thống kê chứ “chưa nghĩ đến sửa toàn diện luật” và quá trình làm đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan cũng như nhận được thống nhất cao trình xin ý kiến.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Cho rằng các nội dung được Chủ tịch Quốc hội đặt ra là rất đúng và chính xác, ông Nguyễn Chí Dũng đồng tình nếu đánh giá kỹ, sửa toàn diện luật là căn cơ và đáp ứng yêu cầu tốt nhất, tránh việc sửa liên tục. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, phức tạp cần có tổng kết đánh giá tác động nghiêm túc mới làm được.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiến hành sửa sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia cùng một số vấn đề lớn được đặt ra trong phiên làm việc hôm nay cho thấy đã chín, đã rõ, có thể thực hiện luôn và tác động ngay phục vụ công tác điều hành.
“Nếu như vậy thì cần sửa Nghị quyết 17 của Quốc hội về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2021 cũng như tên gọi và phạm vi sửa đổi nội dung này theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và Phụ lục thay vì chỉ sửa mình Phụ lục” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ KH-ĐT khẩn trương báo cáo Chính phủ, phối hợp làm rõ các vấn đề đặt ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10.
“Nếu nội dung chuẩn bị tốt thì trình Quốc hội xét thông qua tại 1 kỳ họp hoặc 2 kỳ họp cũng như tiến hành điều chỉnh Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Nếu chưa chuẩn bị được thì báo cáo để trình vào thời điểm thích hợp” – ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh./.