Chó tấn công người dã man, thú cưng thành hung thần

Google News

Hàng loạt vụ trẻ em bị chó tấn công người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần. 

Trên thực tế, nhiều người vẫn nhắm mắt mua, để cho có vẻ “khoe sang”, khi nghe rao bán chó ngoại, nhưng thực chất đó là loại chó ngoại đã lai giống.
Chó nhà tấn công chủ
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, thời gian gần đây, hầu hết các trường hợp bị chó cắn tại các tỉnh, thành phía Nam đa phần là đối tượng trẻ em. Có những trường hợp chỉ vì sơ ý mà các em nhỏ bị chó tấn công người nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Gần đây nhất, là trường hợp bị chó cắn thương tâm của cháu bé Liêu Lệ Thanh (8 tuổi, quê Bình Phước) xảy ra vào ngày 26/10. Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Duyên Muội (mẹ bé Thanh) cho biết, chị và chồng đang làm việc sau nhà thì nghe tiếng hét của bé, chạy lên thấy bé đang bị chó cắn xé vùng mặt. Chị và chồng vội đưa bé lên bệnh viện huyện sơ cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu trao đổi với PV. 
Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, nạn nhân nhập viện trong tình trạng toàn bộ khuôn mặt bị dập nát. Đặc biệt vết thương rách dài 12cm chia môi làm 2 phần cắt đứt toàn bộ má, hở xương hàm răng, lòi xương mặt, vùng thái dương bị lộ xương sọ, vết thương tạo thành nhiều đường song song trên gương mặt. Các bác sĩ phải sử dụng đến 7,5m chỉ khâu để khâu các vết thương của bệnh nhi lại.
Tin tức từ bác sĩ Hằng, con chó được gia đình chị Muội nuôi hơn 1 năm và đã có chích ngừa. Từ trước đến giờ con chó này chưa hề cắn ai và vẫn vui chơi với các bé trong nhà bình thường. “Đây là loài chó Cỏ, con chó nặng 20 kg (trong khi bé chỉ nặng 22 kg). Trước đó con chó này có cắn nhau với chó hàng xóm và bị thương ở chân. Khi bé ôm chó vô tình đụng phải vết thương của chó nên bị nó quay đầu cắn vào mặt”, bác sĩ Hằng nói.
Tương tự, trường hợp của bé Nguyễn Hữu Nhân (3 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng bị chính chó nhà cắn đến nguy kịch. Chị Phạm Thị Hồng (mẹ của Nhân) kể lại giây phút kinh hoàng: “Sáng 6/10, trong lúc chuẩn bị đi học, bé Nhân có đứng nói chuyện với ông ngoại ở nhà trên. Khi ông ngoại vào trong, bé Nhân có cầm cây vợt muỗi quơ qua quơ lại hù con chó. Tôi nghe cháu khóc thét nên chạy lên, thì thấy con trai cầm cây vợt muỗi với khuôn mặt máu me chảy ròng, còn con chó đang chồm lên người con trai tôi”.
Cháu bé Liêu Lệ Thanh bị cắn nát vùng mặt. 
Sau khi giải cứu con khỏi hàm răng sắt bén của con chó dữ, chị Hồng tức tốc sơ cứu cho con. “Lúc này tôi lấy bông băng sơ cứu, rồi nhanh chóng đưa con đến bệnh viện Đa khoa Củ Chi. Do thấy vết thương quá nặng nên bệnh viện này chỉ sơ cứu, rồi kêu tôi chuyển bé Nhân lên bệnh viện tuyến trên. Sau đó, tôi chở cháu đến Viện Pasteur tiêm ngừa bệnh dại. Lúc này, bác sỹ nói phải để ba ngày sau mới khâu vết thương được. Không thể để con bị đau đớn thêm ngày giờ nào nữa, gia đình tôi quyết định chở cháu qua thẳng bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu”, chị Hồng kể tiếp.
Tin nhanh với PV, bác sỹ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Bé Nhân được gia đình chuyển đến trong tình trạng nhiều vết thương chằng chịt, nham nhở tập trung chủ yếu trên vùng mặt trái. Qua kiểm tra ghi nhận, trên mặt bệnh nhi có tới 19 vết rách nham nhở. Trong đó, vết cắn của chó khiến môi cháu bị rách toạc, một vết thương khác gây lộ xương gò má, nặng nhất là vết thương xuyên thấu ngang mặt đến mang tai. Sau gần 2h phẫu thuật, các bác sỹ đã phải khâu vết thương sâu thành nhiều tầng. Tổng số mũi khâu chúng tôi phải thực hiện trên mặt bệnh nhi là 200 mũi”.
Được biết, con chó gây nên thương tích cho bé Nhân, được chị Hồng nuôi tại nhà hơn ba năm. Chị Hồng cho biết, đây là giống chó Phú Quốc, được mua từ một cửa hàng bán thú nuôi ở quận 5. “Trong thời gian nuôi, tôi luôn chích ngừa đầy đủ cho nó. Không hiểu sao thời gian gần đây, con chó này trở nên cộc tính”, chị Hồng cho biết thêm.
Bác sĩ Đẩu cho biết thêm, cách đây khoảng 2 tháng, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu một bé gái 8 tuổi tên Hồ Thị Thúy An (quê tỉnh Tây Ninh) chuyển đến trong tình trạng mặt bị nhiều vết thương do chó cắn. Khám thấy toàn bộ vùng mặt bên trái của bé có nhiều vết rách lớn nhỏ, có chỗ lòi cơ nham nhở, đặc biệt vành tai trái gần như đứt, vết thương đang chảy nhiều máu.
Theo bác sĩ Đẩu, trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận cấp cứu bé trai Trần Nhật Thanh (13 tháng tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) do bị chó cắn. Người nhà cho biết, vào chiều 11/8, bé Thanh chơi loanh quanh con chó đang ngủ trong nhà. Bất ngờ bé lấy cây chọc chó, lập tức bị chó lao vào cắn nát vùng mặt.
“Vào đầu năm 2015, khoa cấp cứu cũng tiếp nhận bé gái 7 tuổi tên Lê Thị Thanh Thúy (ngụ huyện Hóc Môn) bị chó cắn mất gần hết một bên má. Các bác sĩ rất vất vả mới có thể vạt da thịt ở vùng khác đắp vào, nhưng em vẫn bị biến dạng gương mặt”, bác sỹ Đẩu cho hay.
“Treo đầu dê bán thịt chó”
Theo tìm hiểu thực tế của PV, khi cuộc sống được nâng cao, nhu cầu nuôi chó làm cảnh càng cao. Nhiều gia đình giàu có không tiếc bỏ hàng chục triệu để sở hữu một chú chó to, cao, giống ngoại về nuôi. Nhưng trên thực tế, thị trường bán các giống chó ngoại không nhiều. Đa số đều buôn bán kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, dùng chó ngoại đã được lai mang rao bán đầy đường. Nhiều tuyến đường tại TP.HCM cũng thường xuyên bày bán chó con kêu giống ngoại như đường Mạc Đỉnh Chi (quận 1, TP.HCM), đường Hương Lộ 3 (quận Tân Phú, TP.HCM)… Ông Lê Hải Sơn (Chi Cục Thú y TP. HCM) nhận định, nếu giống chó ngoại to mà lai với một giống chó nội hung dữ, thì dễ sản sinh ra một giống chó ngoại lai hung dữ.
Là người trực tiếp thực hiện những ca phẫu thuật, khâu vá vết thương cho một số bệnh nhi bị chó cắn gần đây, bác sĩ Đẩu cho biết: “Chó là động vật gần gũi với con người, nhưng bản năng hoang dã của chúng luôn tồn tại. Đặc biệt khi cảm thấy nguy hiểm chúng sẽ tấn công lại. Đa số nạn nhân bị chó cắn gây thương tích nặng đều là trẻ nhỏ do chiều cao của chó thông thường ngang tầm với trẻ nhỏ, nên vết cắn thường ở mặt trẻ để lại di chứng nghiêm trọng”.
“Vết thương do chó cắn thường rất nham nhở. Bộ răng của chó có cấu tạo thích hợp với việc ăn thịt nên những vết cấu vào da thịt thường để lại những vết hổng nên khó trong phẫu thuật tạo thẩm mỹ. Một nguy cơ khác đó là việc móng vuốt của chó thường rất bẩn, khi tiếp xúc với vết thương rất dễ gây ra nhiễm trùng uốn ván”, bác sĩ Đẩu cho biết thêm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lãng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam cho biết: “Thời buổi hiện đại người ta nuôi chó không chỉ nhằm mục đích giữ nhà mà còn làm cảnh. Do đó, nhiều giống cho nhập từ nước ngoài được đưa về Việt Nam nuôi. Trên thế giới một số giống chó dữ như Bulldog, Bully, Bullmastiff, Doberman, Boxer… hiện cũng đang được nhiều gia đình nuôi”.
“Người nuôi chó, đặc biệt là giống chó Bully của Mỹ phải cẩn trọng. Bởi, giống chó này rất dữ, được xem như “hung thần”, lịch sử ghi nhận chúng từng cắn chết nhiều người. Ở Mỹ, một số bang người ta đã cấm người dân nuôi loại chó này vì nguy cơ bị chúng tấn công rất cao. Ngoài ra một số giống chó ngoại đã được lai cũng khá phổ biến ở Việt Nam, nhưng về nguồn gốc lai, giống lai thì lại không rõ, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đó là loại chó hung dữ”, ông Lãng cho biết thêm.
Vấn đề gần đây những em nhỏ liên tục bị chó cắn khiến dư luận không khỏi xôn xao. Trước tình trạng này, ông Lãng khuyến cáo: “Là người nuôi chó giống lâu năm nên tôi biết, không dễ gì chó lại cắn chủ. Một số trường hợp có thể bị cắn là do chọc phá, làm đau chó khi nó đang ăn, đang ngủ hay đang nuôi con. Chó chỉ tấn công người khi nó cảm thấy có mối nguy hiểm. Những bậc cha mẹ không nên cho con nhỏ chơi một mình với chó, vì có những hành động của trẻ vô tình làm đau chó, sẽ khiến chúng phản kháng, tấn công lại rất nguy hiểm”.
Khi bị chó cắn thì làm thế nào?
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân (Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1) khuyến cáo: “Đối với những gia đình có con nhỏ không nên nuôi chó trong nhà, nếu có nuôi cần phải xích và tiêm phòng. Khi bị chó cắn cần phải làm sạch vết thương bằng nước sạch, nước muối sinh lý và xà phòng. Sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục xử lý làm sạch. Ngay sau đó cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục điều trị, cắt rửa, khâu vá vết thương và tiêm phòng nhiễm khuẩn”.

 

* Tên các nạn nhân đã được thay đổi.
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)