Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều nay (15/1) Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi gồm nhiều nội dung.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo Tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi. |
Một nội dung đáng chú ý là về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý (Điều 113), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ HồngThanh cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN)”.
Đây là nội dung trước đó đã có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định: "Không cho phép các tổ chức tín dụng liên kết với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm".
Có ý kiến đề nghị cần phải luật hóa việc xử lý đối với các hành vi vi phạm với nhân viên của các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Đối với quy định về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.
Tiếp thu ý kiến đối với quy định về dự phòng rủi ro (Điều 147), UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do các nội dung này có liên quan đến các quy định về chế độ kế toán, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Vì vậy, cần có ý kiến tham gia của các bộ, ngành khác; đối với việc phân loại tài sản là nội dung chuyên môn của lĩnh vực ngân hàng thì thực hiện theo quy định của Thống đốc NHNN.
UBTVQH cũng giải trình, tiếp thu quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X), theo đó trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao thẩm quyền cho NHNN xem xét, quyết định đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt khi thuộc các trường hợp được quy định cụ thể trong dự thảo luật.
Đồng thời, để có cơ sở xử lý các tình huống đặc biệt có thể phát sinh, kế thừa Luật Các TCTD hiện hành, dự thảo Luật quy định: “Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Về chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng (Chương XIII), tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, UBTVQH xin tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định: “NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 207.
Đồng thời, UBTVQH đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Tài chính) tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các TCTD hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của Luật khi ban hành.
Đối với quy định về Điều khoản thi hành (Chương XV), dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 quy định Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.
Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng dự thảo Luật có nhiều nội dung giao hướng dẫn, quy định chi tiết, cụ thể Chính phủ: 09 nội dung, Thủ tướng Chính phủ: 01 nội dung, NHNN: 28 nội dung.
Đồng thời, để các TCTD có thời gian chuẩn bị các nội dung về quản trị, điều hành, hoạt động phù hợp với quy định của Luật này sau khi được ban hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của một số luật liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản (tại Điều 200, 210), UBTVQH xin chỉnh lý theo hướng hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/01/2025.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) góp ý bên lề về Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV:
Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.