Từ giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2
Ngày 10/8, Công an tỉnh Bắc Ninh đã tạm giữ Phan Đình Hải (25 tuổi, ở xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, Bắc Ninh) – kẻ cầm đầu đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Vốn là lái xe tải chở hàng đi các tỉnh và cần có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 để đi qua các chốt kiểm dịch, Hải đã nghĩ cách làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ ở phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.
|
Phan Đình Hải (áo phông trắng) - kẻ cầm đầu đường dây làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. |
Sau khi làm giả, Hải không chỉ sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm giả để qua các chốt kiểm dịch mà còn bán cho nhiều người, trong đó có Nguyễn Bá Tú, 34 tuổi, ở xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh với giá 180.000đ đối với phiếu xét nghiệm nhanh và 500.000đ đối với phiếu xét nghiệm PCR, thu lời bất chính khoảng 20 triệu đồng.
Tú tiếp tục bán lại cho các tài xế ô tô với giá 200.000đ đối với phiếu xét nghiệm nhanh và từ 600.000đ đến 650.000 đối với phiếu xét nghiệm PCR. Các tài xế ô tô đã sử dụng phiếu xét nghiệm giả mua của Hải và Tú để đi qua các chốt kiểm dịch.
Đây không phải là vụ việc làm giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đầu tiên bị bắt giữ. Khoảng 13h50 ngày 31/7, chốt kiểm dịch QL5, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương đã kiểm tra xe ô tô BKS 98C-187.96 do chị Đặng Thị Cúc (SN 1979, Lục Ngạn, Bắc Giang) điều khiển. Kiểm tra, chị Cúc xuất trình 2 phiếu trả lời kết quả xét nghiệm COVID-19 của một trung tâm y tế trên địa bàn TP Chí Linh cấp ngày 29/7 cho kết quả âm tính, tuy nhiên kết quả xác minh của lực lượng chức năng cho thấy giấy kết quả có dấu hiệu là giả. Chị Cúc khai nhận 2 giấy xét nghiệm trên được chồng chị làm giả để đưa cho chị tham gia giao thông qua các chốt.
Trước đó, cuối tháng 6/2021, Công an thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đã tạm giữ Nguyễn Tùng Lâm – cán bộ CDC Hải Dương về hành vi “làm giả giấy tờ cơ quan tổ chức”. Lâm đã đến nhà hoặc ở một địa điểm hẹn trước để lấy mẫu xét nghiệm cho những ai có nhu cầu, sau đó tự làm giả chữ ký của lãnh đạo (bắn chữ ký), đóng dấu cấp giấy xét nghiệm nhằm mục đích thu lời bất chính. Sự việc được phát hiện vào tối 26/6, khi chốt kiểm soát dịch tại BOT cầu Bạch Đằng phát hiện 1 xe ô tô cứu thương chở 5 người qua chốt. Những người này khai nhận, được Lâm tiến hành xét nghiệm và cấp giấy kết quả để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch.
Thuê xe cứu thương chở người thông chốt
Nhằm tránh sự phát hiện của chốt kiểm soát dịch COVID-19, một số đối tượng còn thuê xe cứu thương để thông chốt COVID-19.
Điển hình, mới đây, Công an huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đang phối hợp xử lý một nhóm người thuê xe cấp cứu tư nhân từ huyện Mỹ Xuyên thông chốt kiểm soát dịch COVID-19 để sang huyện Trần Đề.
Khoảng 17h ngày 7/8, tổ giám sát phòng, chống dịch COVID-19 xã Viên An (huyện Trần Đề), phát hiện xe cứu thương tư nhân BKS 83A-057.xx, trong xe có 9 người và 1 tài xế, cùng ngụ huyện Mỹ Xuyên. Những người này sau đó khai nhận đã thuê xe cấp cứu từ Mỹ Xuyên về xã Viên An để thông chốt.
|
Thuê xe cứu thương thông chốt kiểm dịch ở Sóc Trăng. |
Ngày 2/8, Công an phường Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đang xử lý vụ việc hai nam, nữ thanh niên thuê xe cứu thương "thông chốt" kiểm soát vào Hà Nội để kịp làm thủ tục đi du học tại Hàn Quốc. Sự việc được phát hiện vào rạng sáng cùng ngày khi tổ công tác phát hiện xe cứu thương BKS 37B-029.58 có nhiều nghi vấn. Lái xe khai nhận, chiều 1/8 đã nhận chở đôi nam nữ trên từ thành phố Vinh ra Hà Nội với giá 3 triệu đồng.
Không chỉ xe cứu thương, mà ngay ở Hà Nội cũng có tình trạng thuê hẳn xe cứu hộ giao thông để "thông chốt" kiểm soát y tế.
Sử dụng cả tem QR Luồng xanh giả
Việc cấp Tem QR “Luồng xanh” là một trong các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, một số cá nhân đã lợi dụng làm giả, sử dụng sai mục đích để qua chốt kiểm dịch.
Ngày 4/8, tại chốt kiểm soát liên ngành QL37, phường Ái Quốc (TP Hải Dương), tổ công tác đã phát hiện xe ôtô tải, BKS 88C- 067.13 do anh Nguyễn Văn Thủy (SN 1983, thị trấn Xuân Hoà, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển chở hàng tre nứa, sử dụng tem Luồng xanh có mã QR Code cấp cho xe ôtô tải BKS 90C-027.29, nhưng tên tem ghi BKS 88C-067.13 để đi qua chốt kiểm dịch. Khi quét mã Code QR, kết quả được cấp không đúng tên lái xe và không đúng với BKS xe đang điều khiển.
Tổ công tác sau đó đã báo cáo Ban chỉ đạo và giao toàn bộ xe phương tiện, giấy tờ liên quan và người cho CATP Hải Dương tiếp nhận, xử lý theo thẩm quyền.
|
Phương tiện vi phạm về việc sử dụng tem QR Luồng xanh giả.
|
Dùng chiêu trò “bẩn” thông chốt, xử lý thế nào?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về hành vi giả phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 chỉ được cấp khi cá nhân có tiến hành xét nghiệm theo quy định của pháp luật và phải do các đơn vị có chuyên môn, thẩm quyền như bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện và ban hành.
Do đó, các đối tượng không có thẩm quyền nhưng lại tiến hành tự thiết kế ra các phiếu kết quả này là hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu cơ quan tổ chức.
Cơ quan cảnh sát điều tra cần phải xác minh, điều tra rõ ràng về thủ đoạn, hành vi cụ thể. Khi xác định có dấu hiệu của tội phạm cần phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo quy định để thực hiện xử lý hành vi phạm tội.
Đối với hành vi của các đối tượng nêu trên thì có dấu hiệu vi phạm quy định của BLHS tại điều 341 về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Mức phạt từ phạt tiền 30 đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất lên tới 5 năm và phải nộp lại khoản lợi bất hợp pháp thu được từ hành vi vi phạm nêu trên.
Nói về hành vi thuê xe cứu thương để qua chốt kiểm dịch, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi trên do ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật kém, cố tình vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật. Nguyên nhân cũng xuất phát từ thực trạng, nhu cầu cuộc sống (mất việc làm, thất nghiệp, kinh tế khó khăn) khiến họ phải bất chấp pháp luật.
Hành vi trên đã vi phạm khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bện truyền nhiễm 2007: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu theo Nghị định 117. Trường hợp có hành vi không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A, có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Trường hợp cố tình vận chuyển người từ vùng dịch về hoặc đến vùng dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh COVID-19, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với các chủ xe cứu thương, cứu hộ, nếu bên cho thuê xe biết rõ người thuê xe sử dụng xe để chở người từ vùng dịch về, vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh, có thể bị xử lý về các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch COVID-19