Quản tài viên có trách nhiệm làm việc với nơi bị tuyên bố phá sản để đơn vị bảo vệ tiến hành niêm phong. Nếu hoạt động niêm phong bị chống đối, bảo vệ phải báo cho quản tài viên.
Liên quan đến vụ nhóm bảo vệ chĩa súng, còng tay bà Đoàn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, chủ Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên (Bình Thuận), ngày 25/3, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận đã có công văn yêu cầu Thành ủy Phan Thiết và công an tỉnh phải làm rõ vụ việc.
Trước đó, TAND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định cho phá sản đối với Công ty TNHH Thanh Nguyên. Sau khi có quyết định của tòa, Chi cục Thi hành án TP Phan Thiết thực hiện việc thanh lý tài sản. Quản tài viên Trần Đăng Minh (thuộc Công ty Luật Bảo Ngọc, quận Ba Đình, Hà Nội) là người thực hiện việc thanh lý tài sản của Công ty TNHH Thanh Nguyên trả cho chủ nợ.
Vào chiều 23/3, Quản tài viên Trần Đăng Minh đã đi cùng lực lượng bảo vệ đến Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên, rồi xảy ra sự việc còng tay bà Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên và chĩa súng đe dọa giáo viên ngay trong sân trường.
|
Nhóm bảo vệ chĩa súng trong sân trường. Ảnh: NVCC. |
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sự TP.HCM), một trong những quản tài viên đầu tiên ở TP.HCM, có nhiều năm làm việc cho Công ty Hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Sài Gòn, cho rằng vai trò của quản tài viên trong vụ án phá sản là lớn và quan trọng.
Đầu tiên, quản tài viên được lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, người mắc nợ. Quản tài viên có trách nhiệm bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản.
Quản tài viên giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật. Và quản tài viên được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Phát, trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, quản tài viên được phân công có trách nhiệm quản lý, niêm phong tài sản của đơn vị đang bị làm thủ tục phá sản, nhằm không làm suy giảm giá trị tài sản.
Luật sư Phát cho rằng, việc quản tài viên phải đợi đến sau khi có quyết định tuyên bố phá sản mới tiến hành niêm phong tài sản là chưa làm tròn trách nhiệm của mình, có sự chậm trễ trong việc triển khai công việc.
Bên cạnh đó, quản tài viên được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật. Vì thế để đảm bảo việc bảo quản tài sản không bị thất thu, quản tài viên được thuê đơn vị bảo vệ tài sản.
Những người được thuê bảo vệ tài sản có trách nhiệm không làm thất thoát tài sản đã nằm trong “bảng kê tài sản”, là các tài sản bị niêm phong. Nếu làm mất, họ phải có trách nhiệm bồi thường và thực tế, quản tài viên sẽ phải ký hợp đồng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ bảo vệ để làm việc này.
Lúc này, quản tài viên có trách nhiệm làm việc với nơi bị tuyên bố phá sản để đơn vị bảo vệ tiến hành niêm phong. Nếu hoạt động niêm phong bị chống đối từ đơn vị bị phá sản, bảo vệ phải báo cáo ngay cho quản tài viên để kịp thời xử lý. Bảo vệ không có thẩm quyền đứng ra giải quyết khi có sự chống đối, bởi họ chỉ là người giúp việc cho quản tài viên trong trường hợp này.
Trong vụ nhóm bảo vệ chĩa súng, còng tay bà Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên, luật sư Phát cho rằng, cần phải xem xét đến người được trang bị súng có đúng quy định hay không. Nếu vi phạm, thì căn cứ vào nghị định 167/2013 tại điểm Đ, khoản 3 Điều 10, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2-4 triệu đồng.