Người xây dựng, phát triển Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm
Trưa ngày 21/12, tại trụ sở Bộ Tài chính (số 28 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) xảy ra sự việc ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm ngã từ cầu thang bộ và tử vong.
Cùng ngày, Bộ Tài chính xác nhận thông tin vụ việc trên và cho biết, nguyên nhân của vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Bộ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin khi có kết luận điều tra của cơ quan chức năng.
Thông tin từ website của Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh sinh ngày 1/9/1962 tại Hà Nội, có học hàm thạc sĩ Quản trị Kinh doanh.
|
Trụ sở Bộ Tài chính nơi xảy ra sự việc. |
Ông được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm từ ngày 20/5/2014. Trước đó ông Khánh giữ chức Phó Cục trưởng phụ trách. Ngoài ra, ông Khánh còn giữ cương vị Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm (từ 2017).
Theo lĩnh vực phụ trách, ông Khánh chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc tổ chức chỉ đạo, thực hiện và kết quả hoạt động của toàn bộ công việc thuộc chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo chung và toàn diện các nhiệm vụ công tác của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.
Ngoài Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm có 4 cục phó, gồm các ông, bà: Doãn Thanh Tuấn (48 tuổi), Ngô Việt Trung (46 tuổi), Nguyễn Quang Huyền (55 tuổi) và Phạm Thu Phương (43 tuổi).
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm là đơn vị thuộc bộ máy quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Ông Phùng Ngọc Khánh là một trong 6 cán bộ đầu tiên kể từ khi thành lập phòng Bảo hiểm (thuộc Bộ Tài Chính), đã góp phần xây dựng, phát triển trở thành Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm.
Người chỉ ra thủ tục bảo hiểm xe máy rườm rà, gây khó cho dân
Tại cuộc họp báo về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới do bộ Tài chính tổ chức ngày 22/5/2020, ông Phùng Ngọc Khánh đã từng có những phát ngôn gây chú ý dư luận.
Cụ thể, khi đó, ông Khánh chỉ ra rằng, hồ sơ bồi thường đối với bảo hiểm xe máy gây khó khăn cho người mua bảo hiểm do thủ tục rườm rà. Đặc biệt, đó là việc thu thập các tài liệu liên quan đến tai nạn giao thông từ các cơ quan có thẩm quyền như cơ quan công an.
Ông Phùng Ngọc Khánh thời điểm đó cho hay, trên thực tế khi xảy ra tai nạn, có trường hợp gọi cơ quan chức năng thì được trả lời hai bên nên tự thỏa thuận. Cũng có tình trạng chủ xe báo có tai nạn nhưng người của công ty bảo hiểm không đến ngay.
"Thủ tục bồi thường bảo hiểm xe máy đúng là có vấn đề và cần sửa đổi bổ sung. Thực tế việc mua và bồi thường bảo hiểm có khó khăn nên người dân mới phản ảnh" - ông Khánh khi đó nói.
|
Ông Phùng Ngọc Khánh trước thời điểm xảy ra vụ việc. |
Để khắc phục căn cơ tình trạng này, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 và sửa đổi Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.
Theo đó, sẽ quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Mặt khác, căn cứ vào mức phí bồi thường để quy định thủ tục. Không nhất thiết tất cả các vụ việc phải đủ 5 loại giấy tờ, nhất là biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn của cơ quan chức năng, biên bản xác minh vụ tai nạn giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe…
Tháng 7/2020, khi nói về dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với chủ xe cơ giới mà Bộ Tài chính trình Chính phủ, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết, theo đề xuất của Bộ Tài chính, thủ tục bồi thường đơn giản, tạo thuận lợi cho việc chi trả cho người được bồi thường. Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám định cũng như bồi thường cho khách hàng.
“Chỉ trong trường hợp tai nạn gây tử vong thì hồ sơ bồi thường mới cần có các tài liệu liên quan của các cơ quan có thẩm quyền, như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm xe và kết luận điều tra. Nhưng những tài liệu này cũng do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập chứ không phải do những người tham gia giao thông thu thập”- ông Phùng Ngọc Khánh khi đó nói.
Cơ quan chức năng sẽ sớm làm rõ nguyên nhân ông Khánh tử vong
Trao đổi với PV Kiến Thức về sự việc ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm ngã từ cầu thang bộ và tử vong, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là một vụ việc nghiêm trọng, bởi vậy cơ quan chức năng sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân để có kết luận chính thức làm cơ sở giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc, khẩn trương phong tỏa hiện trường, thu thập các dấu vết có trên hiện trường, có thể sẽ khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của nhân chứng để xác định nguyên nhân sự việc.
Trong những vụ việc như thế này, hoàn cảnh gia đình, những mâu thuẫn áp lực trong công việc là những tình tiết quan trọng cần phải làm rõ. Ngoài ra cũng phải làm rõ ở vị trí mà nạn nhân ngã rơi xuống thì có thể xảy ra một cách dễ dàng hay không.
Với những người có chức vụ quyền hạn, gia đình hạnh phúc, kinh tế ổn định thì ít khi xảy ra những vụ việc tự tử, trừ trường hợp người đó bị trầm cảm đến mức mất khả năng nhận thức. Đối với hiện trường của vụ tai nạn là cơ quan nhà nước, nơi hoạt động thường xuyên của rất nhiều người thì tai nạn cũng ít có thể xảy ra.
Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, tình huống nạn nhân tự tử hoặc tai nạn vẫn có thể đặt ra. Ngoài ra, một tình huống cũng có thể xảy ra là bạn nhân bị sát hại, tuy nhiên đây là tình huống nghiêm trọng cần phải rất thận trọng trong việc xem xét đánh giá.
“Cơ quan điều tra sẽ xác minh với gia đình, người thân của nạn nhân để xác định tâm lý, sức khỏe, đời sống, tình cảm của nạn nhân trước khi sự việc xảy ra, làm rõ những mâu thuẫn nếu có trong đời sống cũng như trong công việc để tìm hiểu nguyên nhân sự việc. Đồng thời xem xét làm rõ các dấu vết ở hiện trường để xem với tình huống như vậy thì có dễ dàng rơi, ngã từ tầng cao hay không” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Ông Cường nhận định, nguyên nhân sự việc là yếu tố quan trọng để quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không. Trường hợp kết quả điều tra xác minh cho thấy nạn nhân tử vong là do tự tử hoặc do tai nạn, cơ quan điều tra sẽ quyết định không khởi tố vụ án hình sự, việc khởi tố vụ án hình sự chỉ xảy ra nếu như nạn nhân bị tác động ngoại lực bởi người khác.
Tại thời điểm này, chưa thể kết luận được điều gì, những người biết được thông tin về vụ việc này cần cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để cơ quan này phân tích, đánh giá và có kết luận chính thức về vụ việc. Dù kết quả giải quyết vụ việc có như thế nào chăng nữa thì người mất đã mất rồi, bởi vậy những vụ việc này được làm rõ cũng sẽ là cơ sở để tăng cường công tác phòng ngừa, tránh những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra đối với bất kỳ ai
>>> Mời độc giả xem thêm video 1 cục trưởng tử vong tại trụ sở Bộ Tài chính do ngã cầu thang