Bất ngờ đến với nghề quản giáo
Nhắc đến cán bộ công tác ở trại giam, người ta thường nghĩ đến hình ảnh của những chiến sỹ cán bộ đa phần là nam với sự mạnh mẽ, dày dạn, gai góc. Tôi cũng có cùng suy nghĩ đó.
Cho đến khi giữa trại giam Cái Tàu (thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp, Bộ Công an đóng tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), tôi gặp nữ cán bộ quản giáo còn rất trẻ, Thiếu úy Võ Thị Thùy Trang.
|
Thiếu úy Võ Thị Thùy Trang làm cán bộ quản giáo khi còn rất trẻ. |
Thiếu úy Trang - nay 24 tuổi, đang là cán bộ quản giáo tại Phân trại K1, Trại giam Cái Tàu. Khi gặp được Trang, trước mặt chúng tôi là một thiếu nữ dáng vẻ mảnh mai, dịu dàng, nói nhẹ cười duyên, đưa chúng tôi đi hết thú vị này đến thú vị khác. Có lẽ nếu không khoác trên mình bộ trang phục ngành, chẳng mấy ai đoán được công việc Trang đang làm.
Trang quê gốc Bạc Liêu nhưng sinh ra, lớn lên ở Cà Mau, ngay gần đơn vị công tác. Gia đình giàu truyền thống, bố công tác tại Trại giam Cái Tàu, chị gái hiện tại đang là giảng viên Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy.
Thế nhưng, trước đây Trang đến với ngành như một điều bất bất ngờ, bởi trước đó không hề có ý định sẽ theo nghề cảnh sát.
Khi còn là học sinh cấp 2, Trang là một cô bé mơ mộng, yêu văn chương và sống tình cảm. Say đắm thơ văn nên hồi cuối cấp 2, Trang đã có cả một tủ sách tập hợp tác phẩm của những nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên…
Tình yêu ấy cứ thế lớn lên, Trang ước mơ sau này mình sẽ trở thành phóng viên hay nhà văn để được đi nhiều, được sống với niềm yêu thích của mình.
Tuy nhiên, gia đình Trang khi ấy hoàn cảnh khó khăn, chị gái lập nghiệp ở xa, bố thì đã về hưu, nhà lại còn cậu em trai cũng đang đèn sách. Theo mong muốn của gia đình, Trang gác lại giấc mơ để theo ngành công an.
Nhưng đường đi cũng không suôn sẻ, thi vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân bị thiếu nửa điểm, Trang khóc suốt 3 tháng trời. Rồi đi học trung cấp, rồi bao nhiêu chuyện nữa dần dần đưa bước chân của cô gái trẻ theo ngả đường đời mới.
“Từ năm mươi mấy ký mà giờ còn có bốn mươi mấy ký à”, là lời tâm sự của Trang khi được về nỗi nhọc nhằn công việc tại trại giam. Con gái công tác ở trại giam đã thấy khổ, với Trang lại vất vả, áp lực hơn khi ngay từ đầu về đơn vị đã làm nhiệm vụ quản giáo. Và ngay trong ngày đầu nhận đội, Trang đã gặp sự cố mà đến bây giờ khi kể lại bản thân vẫn còn run.
Hôm đó Trang tiếp nhận bàn giao đội phạm nhân từ một cán bộ tiền bối. Sau khi ký bàn giao xong, chị cán bộ quản giáo cũ vừa đi khỏi, một nữ phạm nhân vốn phạm tội giết người, khi bị bạn tù khiêu khích đã cầm dụng cụ lao động đánh phạm nhân đó ngay trước mặt cô cán bộ quản giáo vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ mới.
Chứng kiến cảnh đó, Trang thật sự sốc bởi dù đã chuẩn bị tâm lý vẫn không nghĩ ngày đầu tiên nhận đội đã có tình huống nghiêm trọng vậy. May mắn vụ ẩu đả được ngăn chặn kịp thời, Trang sau đó cũng thực hiện lập biên bản đúng người, đúng hành vi. Trong đội cũng chỉ mỗi người nữ phạm nhân này là thuộc diện cá biệt, còn lại có tinh thần cải tạo tốt.
Bắt đầu công việc với một ấn tượng chẳng mấy vui vẻ nhưng trái với suy nghĩ của mọi người Trang sẽ chán nản, bỏ cuộc, xin chuyển nhiệm vụ, cô cán bộ quản giáo trẻ lại kiên trì đối mặt, vượt qua từng khó khăn thử thách.
Đến đầu năm 2016, nữ thiếu úy lại tiếp tục nhận nhiệm vụ quản lý đội B đặc biệt, gồm những nữ phạm nhân có mức án “nặng”, đa phần trên 15 năm.
Hơn ai hết, Trang ý thức được sự vất vả, áp lực khi phải trực tiếp giáo dục, cải tạo những phạm nhân đa phần có học thức, sẵn sàng bắt bẻ lời ăn tiếng nói của cán bộ quản giáo nếu không chuẩn xác. Thêm nữa, nhiều phạm nhân tâm lý không ổn định, luôn có ý định chống đối nếu không được giám sát kịp thời.
Công việc qua lời kể của Trang, chỉ toàn những bận rộn, vất vả nhọc nhằn nhưng sau những câu chuyện, Trang lúc nào cũng rạng rỡ ánh cười hiền dịu. Trang bảo chẳng biết từ bao giờ, bản thân đã say mê với công việc quản giáo. Làm việc với đội phạm nhân đặc biệt lại là điều thích thú vì nó cho Trang nhiều bài học, nhiều trải nghiệm.
Trăn trở cho những ngày mai
Gắn bó với đội phạm nhân gồm những phạm nhân mức án nặng, hoàn cảnh nhiều đặc biệt, Thiếu uý Trang mất nhiều thời gian, tâm trí để nghĩ về từng cá nhân trong đội. Đồng cảm bằng con tim chân thành, Trang thấy rằng, phạm nhân của mình dù là trí thức cán bộ hay dân anh chị, nông dân, dù là có tội nhưng cũng đều rất đáng thương ở số phận.
Trong số nhiều phạm nhân, người khiến Trang suy nghĩ nhiều nhất có lẽ là trường hợp phạm nhân Cao Bích T. (quê Kiên Giang), phạm tội khi làm cán bộ bưu chính viễn thông huyện. “Thường người ta phạm tội tham ô là do tham lam, muốn chiếm tài sản chung làm giàu cho bản thân, nhưng với chị T thì nguyên nhân sâu xa là do bi kịch gia đình”, Trang giải thích nguyên do khi nói về chị T.
T xinh đẹp, học hành công việc đàng hoàng, có gia đình con cái đủ nếp lẫn tẻ. Hai vợ chồng cuộc sống hạnh phúc ai thấy cũng thèm thì bất ngờ anh chồng sinh ra đổ đốn, ăn chơi nợ nần.
Dần dần, T thay chồng trở thành trụ cột gia đình, để có tiền lo cho cuộc sống và trả nợ cho chồng, T đã nghĩ đến cách làm sai trái, chiếm đoạt tiền của cơ quan suốt nhiều năm trời, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Chị T bị mức án 7 năm tù, đến tháng 11 tới này là chị được về nhưng hoàn cảnh gia đình có nhiều chuyện buồn. Trong thời gian chị chấp hành án, chồng chị bên ngoài đã không một lòng một dạ, khiến chị buồn, mỗi lần chồng vào thăm chị lại khóc. Nay mai trở về, không biết chuyện vợ chồng con cái sẽ thế nào…”, Trang bùi ngùi.
Chuyện T đã buồn vậy, câu chuyện của phạm nhân Trần Thị Mỹ V cũng khiến Trang cứ suy nghĩ. V sinh năm 1974, quê Bạc Liêu, biệt danh “V não”, vốn không biết chữ, trực tính, nghĩ gì là nói nấy, nhiều phen khiến các phạm nhân và cán bộ quản giáo phải đau đầu. Đặc biệt, V “não” được biết đến với “kỷ lục” tại trại giam là 5 tiền án 6 tiền sự.
V “não” bắt đầu vào trại giam từ năm 1997 vì tội trộm cắp tài sản, sau đó cứ vài ba năm lại tái phạm một lần, đa phần đều là trộm cắp. Tháng 11/2015, khi vừa chấp hành hình phạt 8 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản, chưa được xoá án tích, V “não” lại tiếp tục ăn trộm, bị tuyên phạt mức án 1 năm cũng vẫn tội trộm cắp tài sản.
Thiếu úy Trang kể, “Chị V đã nhiều lần vào trại giam, nhiều lần được giáo dục, cải tạo nhưng đâu vào đấy, không phải vì họ không ý thức được mình phải sống tử tế, không tái phạm, mà là do hoàn cảnh khiến họ tái phạm.
Chị V có 3 đứa con nhỏ nhưng vợ chồng ly hôn, bản thân không có công việc ổn định, cái ăn cũng phải chạy qua ngày. Muốn chị V không tái phạm thì phải cần xã hội giúp đỡ”.
Vẫn còn nhiều lắm những cảnh đời, những số phận khiến cô quản giáo trẻ đau đáu mỗi khi nhắc đến. Công việc vốn nhiều áp lực mà Trang như có chút già trước tuổi, thế nhưng Trang không lấy làm buồn, mỗi lần ai đó trêu lại cười, cô bảo: “Già trước tuổi mà được nhiều cái kinh nghiệm”.
Khi chúng tôi hỏi nếu được lựa chọn lại... Không cần đợi tôi nói hết câu, Trang trả lời ngay, vẫn chọn ngành trại giam để làm quản giáo.
“Biết làm công việc khác nhẹ nhàng hơn nhưng em không thích. Làm quản giáo vất vả nhưng nhiều thú vị. Nhiều lúc chia sẻ với phạm nhân mọi điều trong cuộc sống cũng như câu chuyện của họ nhưng cũng có lúc, em coi họ như người chị, người bạn của mình, thậm chí nổi nóng tranh luận với nhau. Một ngày mà không gặp, em sẽ rất buồn…”, Trang tâm sự.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):