Chấm thi môn Văn lâu nhất
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm nay, công tác chấm thi THPT Quốc gia 2017 nhẹ nhàng hơn mọi năm bởi chỉ có môn Văn là tự luận, các môn còn lại trắc nghiệm. “Tuy nhiên, môn Văn lại là môn chấm lâu nhất và phức tạp nhất. Với hơn 100 ngàn bài thi vừa tự luận, vừa trắc nghiệm, dự kiến thời gian chấm sẽ kéo dài từ 10 - 12 ngày”, ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, ngay sau khi kết thúc kỳ thi, bài thi đã được công an áp tải đưa về trường THPT Marie Curie, quận 3 để chấm thi. Tại đây, các chiến sĩ công an, bảo vệ sẽ túc trực ngày đêm với 2 vòng, đảm bảo an toàn cho bài thi trong suốt quá trình chấm. Sở đã huy động khoảng 1.000 cán bộ tham gia công tác chấm thi, bắt đầu từ 25/6. “Trong số đó, có 500 giáo viên tham gia chấm thi tự luận, còn lại là đội ngũ tham gia công tác chấm trắc nghiệm. Môn trắc nghiệm được chấm bằng máy, ngoài cán bộ kỹ thuật thì còn có sự giám sát của cán bộ an ninh và thanh tra của các trường đại học”, ông Đạt cho biết.
|
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2017 tại TPHCM. |
Ông Lê Tuấn Tứ, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, do lượng bài thi trong toàn tỉnh không nhiều nên trong hôm nay (27/6), Sở mới tiến hành họp và triển khai công tác chấm thi. “Đối với môn Văn, Sở huy động khoảng 70 giáo viên phổ thông thuộc loại khá giỏi của các trường, đảm bảo công bằng cho các thí sinh trong quá trình chấm thi. Còn với trắc nghiệm, tuy chấm bằng máy nhưng Sở cũng thận trọng, huy động khoảng 10 giáo viên giỏi công nghệ thông tin để tránh sai sót”, ông Tứ nói.
Ông Tứ cho biết thêm, với bài thi trắc nghiệm, Sở huy động 4 máy chấm và 2 máy dự phòng. “Mỗi máy sẽ có cán bộ chấm thi, 2 chiến sĩ công an và 1 thanh tra Sở giám sát. Xung quanh khu vực thi được bảo vệ bởi 2 vòng gồm công an và dân quân tự vệ, túc trực ngày đêm, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở khu vực này”, vị Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắc Nông cho biết, công tác rọc phách cho các bài thi đã hoàn tất và trong hôm nay (27/6), Sở sẽ tiến hành họp hội đồng chấm thi, triển khai quy chế, chấm thử, chấm chung để xác định độ vênh. “Công tác chấm thi được bảo vệ tối đa nhờ sự giám sát và bảo vệ từ phía công an. Quy trình chấm cũng được thiết kế chặt chẽ nhằm đảm bảo công bằng, khách quan cho thí sinh. Dự kiến, ngày 7/7 sẽ công bố điểm thi cho thí sinh theo đúng kế hoạch của Bộ GD&ĐT”, ông Toàn nói.
Ông Nguyễn Văn Tuế, phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, hôm qua, 26/6, Sở đã tiến hành làm phách. Hôm nay, bắt đầu chấm thi. Dự kiến ngày 4/7 sẽ hoàn tất công tác chấm thi cho trên 13.000 thí sinh tham gia dự thi THPT quốc gia 2017 của tỉnh. Ông Tuế cũng cho biết, môn Ngữ văn Sở có 92 giáo viên chấm và 6 giáo viên chấm kiểm tra. Chấm trắc nghiệm có 13 giáo viên.
Còn tại Sở GD&ĐT Hòa Bình, ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng Thi và Khảo thí cho biết hôm nay, Sở tiến hành chấm trắc nghiệm, ngày mai, 28/6 sẽ chấm tự luận (môn Ngữ văn). Ông Vinh cho hay, năm nay, bài thi tự luận ít, chỉ trên 7.500 bài nên Sở cử gần 60 giáo viên chấm thi. Còn với môn trắc nghiệm, Sở đã có hai máy quét nên công tác chấm thi sẽ đảm bảo theo đúng kế hoạch mà Bộ GD&ĐT quy định.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết số cán bộ chấm thi tự luận là 136 người. Tổ xử lý bài trắc nghiệm có 11 người (trong đó có 01 công an PA83, 01 cán bộ ĐH). Tổ làm phách bài thi Ngữ văn có 6 người. Thanh tra công tác chấm thi là 11 người trong đó có 5 cán bộ của trường ĐH. Hôm qua khai mạc hội đồng làm phách, sáng nay khai mạc hội đồng chấm thi.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã thuê ĐH Thủy lợi chấm thi toàn bộ các bài thi trắc nghiệm. Bài thi cũng đã được chuyển về ĐH Thủy lợi ngay sau kỳ thi THPT quốc gia kết thúc.
Công bố điểm thi tại 63 sở
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các sở GD&ĐT đã bắt đầu công tác chấm thi. Bộ chỉ lưu ý các sở thực hiện theo đúng quy chế, đúng nguyên tắc đã được quy định. Về phía Bộ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, Ban chỉ đạo thi Quốc gia cũng sẽ đi kiểm tra một số hội đồng chấm thi ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, trong ban lãnh đạo chấm thi, thanh tra chấm thi, giám sát chấm thi đều có sự tham gia của các trường ĐH. Bộ đã có công văn chỉ đạo hướng dẫn, phân công nhiệm vụ cho các trường ĐH cử cán bộ tham gia. “Đối với bài thi tự luận, môn Ngữ văn, thực hiện nghiêm túc chấm hai vòng độc lập. Song song với đó là chấm kiểm tra tối thiểu là 5% số bài thi. Trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành chấm thẩm định”- ông Trinh nói.
Còn đối với chấm trắc nghiệm khách quan thì theo quy trình chặt chẽ và bằng phần mềm máy tính. Khi các hội đồng thi chấm xong, chuẩn chỉnh dữ liệu gửi về ban chỉ đạo thi quốc gia, Ban chỉ đạo thi sẽ thực hiện công tác đối sánh. Sau khi dữ liệu hoàn toàn chính xác, các sở sẽ công bố kết quả thi, theo lịch trình năm nay dự kiến ngày 7/7 thí sinh sẽ biết điểm thi của mình. Việc công bố kết quả năm nay sẽ được phân tải cho 63 hội đồng thi như năm 2016.
Hôm nay, Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã hoàn tất công tác chấm thi vào lớp 10 THPT. Hôm nay, 27/6, các trường THPT trên toàn thành phố sẽ công bố điểm trúng tuyển lớp 10 THPT năm học 2017-2018. Trước đó, các trường THPT chuyên và trường THPT có lớp chuyên đã công bố điểm chuẩn vào các lớp chuyên.
Năm nay, Hà Nội có hơn 76.000 thí sinh thi vào lớp 10 THPT. Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội thì chỉ tiêu vào các trường THPT công lập (kể cả 2 trường chuyên và 2 trường có lớp chuyên cùng với 7 trường THPT tự chủ tài chính của thành phố) là 54.660. Chỉ tiêu vào 92 trường ngoài công lập là 15.760. Như vậy, sẽ có khoảng 71% học sinh của Hà Nội có cơ hội học tại các trường THPT công lập, 20% học tại các trường ngoài công lập. Chỉ còn chưa đến 10% học tại các loại hình đào tạo khác.