Cha dùng đũa đâm con tử vong do bỏ thi: Áp lực thi cử hay lý do gì?

Google News

Chỉ vì người con bỏ thi mà ông bố ở Hải Phòng dùng đũa đâm thấu ngực, khiến con tử vong. Hành vi người cha đáng lên án và sẽ bị pháp luật trừng trị. Dưới phân tích của chuyên gia tâm lý, hành vi người cha được giải mã thế nào?

Ngày 24/3, Công an TP Hải Phòng cho biết đang tạm giữ Nguyễn Hùng Cường (SN 1982, trú tại số nhà 14/389 Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) để điều tra vì đã gây ra cái chết cho con trai mình là cháu N.H.A.K (2006, học sinh lớp 9).
Nguyên nhân vụ án bố dùng đũa đâm con tử vong được Cường khai nhận tại cơ quan điều tra do bực tức con bỏ thi giữa kỳ. 
Cha dung dua dam con tu vong do bo thi: Ap luc thi cu hay ly do gi?
 Hiện trường vụ án mạng.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc sẽ được điều tra, làm rõ, song, nhiều ý kiến cho rằng, trong đó xuất phát từ sự kỳ vọng quá lớn của người cha vào việc học hành của con cái dẫn đến tự tạo áp lực cho mình. Đồng thời sử dụng phương pháp dạy dỗ con cái bạo lực dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, tâm lý chung của những bậc làm cha mẹ đều muốn con học hành đến nơi đến chốn, thậm chí đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc học hành của con cái. Tuy nhiên, sự kỳ vọng ấy cũng đã tạo áp lực cho chính các bậc cha mẹ. Khi con cái học hành chểnh mảng, bỏ kỳ thi giữa kỳ năm cuối cấp rất quan trọng nên đã nảy sinh sự bực tức, thất vọng và gây ra sự việc đau lòng.
“Đa số phụ huynh đều rất mong muốn con cái chăm ngoan, học giỏi nhưng thường có 2 loại như người bố tri thức muốn con cái học giỏi nối dòng dõi, danh giá nhà mình và người bố không thành đạt trong cuộc sống nên mong muốn con cái phải học tập để thành đạt. Dù hoàn cảnh nào bố mẹ đều yêu cầu rất cao ở con cái, muốn con cái mình thành đạt “con hơn cha là nhà có phúc” nhưng khi con cái không làm được như mong đợi, họ thất vọng đổ tại cho con” – chuyên gia Lê Thị Túy nêu ý kiến.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, đó cũng là một bi kịch trong cuộc sống. Bởi để con cái đạt được yêu cầu của cha mẹ là cả một công trình, công phu rất lớn trong việc dạy dỗ con chứ không phải dễ dàng.
“Muốn con lên người, bản thân cha mẹ phải gương mẫu trong lao động, cư xử, lối sống để con thấy muốn thành đạt phải như cha mẹ mình, từ đó cố gắng chăm ngoan, học tập chứ không thể lười biếng, trông chờ vào may rủi là có được. Nhưng khi dạy con trong lòng sôi sục, muốn con đủ thứ nhưng không phải cứ bắt ép là được mà phải có phương pháp dạy con, từng ly, từng tí một để trở thành một nếp sống, ước ao, khát vọng trong con cái” – bà Lê Thị Túy cho hay.
Bà Túy cho rằng, nếu cứ theo mong muốn của mình, muốn bắt con phải thế này, phải thế khác, khi con nói lại không hiểu con nên con phản ứng lại dẫn đến mâu thuẫn.
Cha dung dua dam con tu vong do bo thi: Ap luc thi cu hay ly do gi?-Hinh-2
 Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.
Theo thông tin từ vụ án trên, nạn nhân mới lớp 9 đang trong độ tuổi thể hiện cá tính nên nhiều khi cha mẹ nói không nghe, nếu cứ suốt ngày bắt ép, trói buộc nên vùng lên, vỡ ra, cuối cùng con cái không thể theo được.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, lẽ ra cha mẹ có một ý thức hơn nữa thì nên tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân, từ đó đưa ra cách thức hợp lý để dạy dỗ, giáo dục con hoặc là chấp nhận thực tế con mình như vậy, động viên con học hành.
“Bản thân mình chỉ mong mà không tạo điều kiện, chỉ mong mà không có phương pháp, chỉ mong mà không thông cảm với con thì thành độc đoán. Con cái cũng vì thế mà uất ức. Trước đây, nhiều học sinh đã uất ức khi phụ huynh so sánh với “con nhà người ta”.
Nhiều phụ huynh quên mất rằng, con nhà người ta để đạt được thành tích học tập là sự công phu, cố gắng, học tập cùng với sự rèn luyện, giáo dục, làm mẫu, chăm lo của “nhà người ta” mới được như thế. Nên nếu so sánh sẽ dẫn đến học sinh ức chế.
Trong gia đình ứng xử với con cái, cha mẹ cần tìm nguyên nhân ở đâu và tự hỏi mình làm gì, hỏi kinh nghiệm để dạy dỗ động viên con” – bà  Lê Thị Túy đưa ra ý kiến dựa trên thực tế cuộc sống.
Nói về vụ án trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, việc người cha đã dùng đũa đâm con để thỏa được cơn giận nhưng đã mất con mình vĩnh viễn và bản thân người cha này cũng phải đối mặt với án tù. Tương lai bản thân cũng mất, con cái cũng mất mà gia đình lại tan nát.
Dù biết rằng, hành động đó xuất phát từ việc mong muốn, khát vọng về con cái nhưng hành động dại dột như vậy đã kết thúc tất cả theo hướng tiêu cực. Đồng thời mang tiếng xấu không thể gột rửa được khi lấy đi mạng sống của con mình, bản án lương tâm sẽ theo người cha này đến hết cả cuộc đời dù bản án pháp luật có thế nào đi nữa.
Từ vụ việc trên cũng là bài học đắt giá cho nhiều cha mẹ khác. Cha mẹ muốn con tốt bản thân mình phải gương mẫu, muốn kỳ vọng vào con phải tạo điều kiện cho con và hiểu con, cho con cơ hội để sửa chữa sai lầm chứ không thể như người cha này hoàn toàn sai về phương pháp dạy con, dẫn đến như hậu quả vô cùng đáng tiếc và đớn đau.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, đối với vụ án trên, hậu quả được xác định là cái chết của nam sinh lớp 9. Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là mạng sống của một người chưa đủ 18 tuổi. Đáng buồn thay là người tước mạng sống của cháu bé lại chính là cha ruột của cháu.
Cha dung dua dam con tu vong do bo thi: Ap luc thi cu hay ly do gi?-Hinh-3
 Luật sư Hoàng Tùng.
Theo luật sư Hoàng Tùng, hành vi dùng đũa đâm vào ngực con mình của ông Nguyễn Hùng Cường là hành vi cố ý dùng vũ lực tước đi mạng sống của cháu. Vùng ngực là vùng trọng yếu trên cơ thể người, đây là vùng dễ gây ra tử vong khi tác động vũ lực, đặc biệt là hành vi dùng hung khí đâm trực tiếp. Do đó, hành vi của Cường có dấu hiệu của tội Cố ý giết người tại Khoản 1 Điều 123 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Đối với vụ việc trên, cơ quan điều tra cần tiến hành làm rõ hành vi của Cường để tiến hành xử lý theo quy định. Tuy rằng việc xử lý là điều cần thiết, nhưng đối với sự việc này vẫn không thể nói trả giá bằng bản án của pháp luật là xong. Bởi đó là sự ân hận cả đời của một người bố, sự tan vỡ của một gia đình” – luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) rằng, vụ việc xảy ra rất đau xót trong quan hệ gia đình khi người cha dạy dỗ con đã thiếu kiềm chế, sử dụng vũ lực quá mức cần cần thiết gây ra cái chết cho con.
“Pháp luật đã nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, dù là quan hệ nuôi dưỡng dạy dỗ giữa các thành viên trong gia đình. Nếu gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tính mạng, sức khỏe con người là khách thể cao nhất được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm”, luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Thơm cho biết, Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP đã xác định phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
Cha dung dua dam con tu vong do bo thi: Ap luc thi cu hay ly do gi?-Hinh-4
 Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
Như vậy, pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi sử dụng đũa là phương tiện nguy hiểm đâm vào ngực là vùng trọng yếu trên cơ thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng người khác. Thực tế là cháu bé đã bị tử vong do vết thương quá nặng, dù đã được các bác sĩ hết lòng cứu chữa.
Do đó, xét hành vi của người bố do thiếu kiềm chế trong việc dạy dỗ con, sử dụng đũa ăn đâm trúng ngực con tử vong khi con chưa đủ 16 tuổi đã cấu thành tội Giết người. Tội danh và hình phạt được quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
“Vụ án là bài học cảnh báo cha mẹ trong việc dạy dỗ con bằng vũ lực quá mức cần thiết sẽ dẫn tới những hậu quả rất tiêu cực không những ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em mà còn gây ảnh hướng đến cả tính mạng, sức khỏe của các con” – luật sư Nguyễn Anh Thơm nêu ý kiến. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Thực nghiệm hiện trường vụ giết người giấu xác trong bê tông

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)