Thông tin nóng thu hút dư luận nhất trong hàng vạn thông tin tràn mặt báo trong ngày 15 và 16/8 chính là tiết lộ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về chi phí cho việc cắt cỏ tỉa hoa lên đến hơn 700 tỷ đồng mỗi năm và riêng tiền cắt cỏ, chăm sóc một ít trúc đào, một ít hoa dâm bụt cho 24km đại lộ Thăng Long mỗi năm tiêu tốn 53 tỉ đồng.
Xin trích dẫn nguyên văn lời Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sau kỳ họp HĐND TP Hà Nội tổ chức ngày 15/8: “Thời gian qua TP Hà Nội quyết định dừng lại toàn bộ việc cắt tỉa và trồng cây hoa cảnh tại các vườn hoa trên địa bàn, chỉ duy trì việc cắt cỏ, trồng tỉa hoa ở một số vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số điểm quan trọng. Quyết sách này giúp TP tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng mỗi năm” và “Tôi chỉ nêu một điểm có lẽ khiến nhiều người giật mình, đó là chỉ 24km ở đại lộ Thăng Long riêng tiền cắt cỏ và chăm sóc một ít trúc đào, một ít hoa dâm bụt mỗi năm tiêu tốn 53 tỷ đồng thì không thể chấp
nhận được”.
|
Với chi phí lên đến 53 tỷ cho việc cắt cỏ, tỉa hoa ở Đại lộ Thăng Long, nhiều người mơ ước được làm công việc này. |
Với số tiền khủng mà Hà Nội chi cho việc cắt cỏ, tỉa hoa như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã dẫn chứng ở trên thì không chỉ bản thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội thấy giật mình và không thể chấp nhận được. Hàng triệu người dân khi tiếp nhận thông tin trên cũng "không thể chấp nhận được". Trên các diễn đàn mạng hay bình luận ở ngoài xã hội, nhiều ý kiến cho rằng số tiền vài trăm tỷ mà Hà Nội chi cho riêng việc cắt cỏ, tỉa hoa là một sự "vung tay quá trán", lãng phí tiền ngân sách nhà nước. Bởi theo lời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khi nói về những bất cập trong quản lý cây xanh, cắt tỉa, duy tu thảm cỏ: "Mấy năm trở lại đây, TP Hà Nội thực hiện xã hội hóa việc trồng cây xanh nhưng bản chất không phải là tiền của tư nhân bỏ ra, mà vẫn lấy tiền từ ngân sách TP để đặt hàng các doanh nghiệp trồng cây xanh". Mà đa số các doanh nghiệp tham gia trồng cây xanh sau đó thực hiện luôn việc cắt cỏ, trồng tỉa cây, hoa trên các tuyến phố.
Số tiền 700 tỷ đồng mà Chủ tịch Chung nhắc đến là chưa tính chi phí cho việc duy trì cắt cỏ, trồng tỉa hoa ở một số vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số điểm quan trọng khác. Số tiền "khổng lồ" này tất nhiên được chia thành nhiều gói nhỏ nhưng nhỏ như chi phí cho việc duy trì cây xanh thảm cỏ tuyến đường Văn Cao -Liễu Giai -Nguyễn Chí Thanh mà một tờ báo đã chỉ rõ tổng chi phí gói thầu chi cho nhà thầu lên tới 26 tỉ/45 tháng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khi trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên đã cười lớn: "Tôi vừa mới đọc thông tin sáng nay và cũng giống như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, tôi cũng "giật mình' và "không thể chấp nhận được".
Ông Vũ Vinh Phú dẫn giải: "Hiện nay ở Hà Nội nhiều dự án dân sinh đang cần kinh phí để đầu tư. Trong khi trường học, bệnh viện, hồ ô nhiễm, làng nghề ô nhiễm, đường xá chật chội ách tắc thường xuyên thì chưa được đầu tư kinh phí để giải quyết triệt để, việc TP Hà Nội chi một số tiền lớn lên đến gần nghìn tỷ như thế cho việc cắt cỏ tỉa hoa mỗi năm là "không thể chấp nhận được". Bởi đó là một sự lãng phí mà sự lãng phí này không có ai quyết toán được. Hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho môi trường cây xanh Hà Nội mà không có đấu thầu như vệ sinh, quét rác, cắt cỏ tỉa hoa... Có ý kiến nói rằng "tiền ngân sách như tiền chùa" quả là cũng không sai. Người dân đóng góp từng đồng thuế, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cũng đã nói:"Chi một đồng tiền của dân phải cân nhắc".
Nêu ý kiến việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo dừng việc cắt tỉa cây hoa cảnh và cỏ từ 1/7/2016 vì chi phí quá lớn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay: "Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho dừng việc cắt cỏ, tỉa hoa trên nhiều tuyến phố là động thái tốt, đổi mới. Và đây là việc làm cần thiết để dành kinh phí cho những dự án cần thiết hơn".
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, nhìn từ chi phí "khủng" cho cắt cỏ, tỉa hoa, Hà Nội phải xem lại tất cả các khoản chi công bởi không chỉ cắt cỏ tỉa hoa, nhiều dự án khác cũng cần rà soát xem có lãng phí không. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ những việc chi công của TP Hà Nội cho các công việc như vườn hoa, cây xanh, nhà vệ sinh. Hàng nghìn nhà vệ sinh công cộng xã hội hóa là thế nào? Trong phần nhân dân đóng góp, còn lại nhà nước, thu chi bao nhiêu ai giám sát được?".
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. |
"Tôi là đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội 2 khóa, ngân sách này HĐND phải giám sát rất chặt chẽ việc chi tiêu. Bởi có cả Ủy ban kinh tế ngân sách của Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội. Khi chi tiêu tiền ngân sách "Phải tiêu tiền của người dân như tiêu tiền cho gia đình nhà mình". Chứ chi tiêu lên đến gần ngàn tỷ đồng chỉ cho việc duy trì cắt cỏ, trồng tỉa hoa là chi tiêu vô tội vạ trong khi kinh phí chi tiêu cho các dự án dân sinh khác lại rất hạn chế. Ở TP HCM, họ có những công viên như Đầm Sen, Suối Tiên rất đẹp nhưng thử nhìn ở Hà Nội, công viên như Thống Nhất, Thủ Lệ xem thế nào? Hãy cổ phần hóa các doanh nghiệp thương mại dịch vụ nhà nước. Hà Nội còn nhiều việc phải làm, phải tiêu tiền đúng chỗ, phải chi tiêu tiết kiệm, giám sát từng đồng một. Vấn đề chính là con người, yếu tố con người lãnh đạo và người thực thi mới quan trọng", ông Phú cho biết.
"Ở Singapore có hai đũa thần kỳ mà ông Lý Quang Diệu đã nói "nuôi cán bộ tương đối đủ nhưng đủ thì không biết thế nào là đủ và thứ hai là kỷ luật nghiêm". Vì thế bên cạnh quan tâm đời sống người lao động, cần phải kỷ luật nghiêm những sai phạm (nếu có)", chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhìn nhận.
Đã đến lúc TP Hà Nội cần rà soát các dự án chi tiêu công bắt nguồn từ số tiền hơn 700 tỷ cho việc cắt cỏ, tỉa hoa được thực hiện thế nào, chi tiêu ra sao? Nếu phát hiện những sai phạm liên quan cần xử lý nghiêm bởi "chi một đồng tiền của dân phải cân nhắc".