Dự án đường cao tốc Thái Bình – Hà Nam đi qua xã Thái Phương (Hưng Hà – Thái Bình) đến thời điểm hiện tại phải đi vào thời gian hoàn thiện nhưng chưa thể hoàn thiện vì người dân trong xã phản đối, không cho giải tỏa mặt bằng ở hai công trình phúc lợi xã hội là Trưởng tiểu học và Trạm Y tế xã Thái Phương.
Học sinh vào Trung tâm thương mại học, trạm y tế gộp
Trước đó, ngày 29/6/2015, UBND xã Thái Phương, UBND huyện Hưng Hà phối hợp với Ban giám hiệu Trường tiểu học Thái phương tổ chức họp mặt phụ huynh để thực hiện nghị quyết chuyển toàn bộ Trường tiểu học Thái Phương đến Trung tâm thương mại Hương Sen để học tập. Riêng Trạm Y tế chuyển sang Cơ sở 2 tại thôn Phương La (Đây là Công trình do Ngân hàng xây dựng tặng cho thôn Phương La - PV).
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh học sinh không đồng ý chuyển trường học đến học tại Trung tâm thương mại học, bởi nơi đây không đủ điều kiện cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến việc học của các cháu. Quá bức xúc với sự việc trên, các bậc phụ huynh đã không cho Ban quản lý dự án giải tỏa trường, trạm y tế. Phụ huynh yêu cầu phải có mặt bằng trường học cho các cháu trước khi thực hiện việc giải phóng mặt bằng.
|
Các cháu học sinh trường tiểu học Thái Phương trước nguy cơ phải chuyển sang học tại Trung tâm thương mai để nhường trường cho con đường. |
Chị Nguyễn Thị H., phụ huynh học sinh của trường bức xúc: “Khu Trung tâm thương mại dù sao vẫn là cái chợ. Việc chuyển các cháu đến học tại đây là không ổn vì ở đây quá ồn ào. Hơn nữa, chợ không có cây xanh, thiếu bóng mát, khu vui chơi cho các cháu cũng không có”.
Đồng quan điểm với chị H., anh Lê Văn L. cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng đóng góp thêm để xây trường mới cho các cháu nhưng trước hết phải cho chúng tôi biết mặt bằng ấy ở đâu? Tại sao đến sát ngày đầu năm học mới phá trường của các cháu, rồi trạm y tế nữa. Con em chúng tôi chuyển đến học ở chợ thì ồn ào học sao nổi?”
Chia sẻ với PV báo Kiến Thức về việc trạm y tế chuyển đi, ông Bùi Văn A (91 tuổi) bày tỏ lo ngại: "Tôi tuổi cao, sức yếu rồi. Ngày trước, tôi thường xuyên đến trạm y tế để khám, chữa bệnh. Giờ trạm y tế chuyển xuống cuối trung tâm, đi lại gặp rất nhiều khó khăn nên cũng hạn chế. Chưa kể, trạm y tế mới là trạm gộp của 2 cơ sở, số người sẽ đông hơn và gần khu công nghiệp, mật độ giao thông đi lại đông nên dễ xảy ra tai nạn".
|
Trạm Y tế cũng không thoát khỏi việc gộp cơ sở để nhường đất cho đường. |
Dự án 3 năm, 5 năm chưa giải phóng xong mặt bằng
Theo tìm hiểu của PV, dự án trên được khởi công từ cuối năm 2010, chạy qua 3 huyện thuộc tỉnh Thái Bình là Hưng Hà (20,2 km); Đông Hưng (1,2 km) và Quỳnh Phụ (4,8 km) do UBND tỉnh Thái Bình quản lý. Dự án được làm theo hình thức BT, do Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Thương mại Phương Anh là nhà đầu tư. Theo dự kiến, 3 năm hoàn thành dự án nhưng không hiểu sao đã 5 năm trôi qua, việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong.
Để làm rõ vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Hà, Phó chủ tịch xã Thái Phương. Ông Hà cho hay, nguyên nhân dẫn đến việc người dân phản đối việc chuyển trường, trạm y tế là do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa xong.
|
Những ki ốt của Trung tâm thương mại Hương Sen sẽ trở thành lớp học tạm cho các cháu học sinh?! |
Theo ông Trần Trung Dũng, Phó chủ tịch huyện Hưng Hà, hiện vẫn còn 3 điểm chưa giải phóng xong mặt bằng là Trường tiểu học, Trạm y tế xã Thái Phương và Cụm công nghiệp Đồng Tu. “Việc chuyển các cháu đến Trung tâm thương mại học tạm sẽ còn phải vận động thêm người dân. Trước tiên, chúng tôi sẽ mượn tạm Trung tâm thương mại cho các cháu học trong vòng từ 3- 6 tháng khi có trường mới sẽ chuyển về” – ông Dũng nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề mặt bằng để xây dựng trường mới, ông Dũng cho biết, đã có mặt bằng trường mới, nhưng qua hai lần đấu thầu vẫn chưa xong?!
“Quan điểm của tôi không đồng tình với cách làm trên của chính quyền địa phương. Giờ cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, chính quyền địa phương hay chủ đầu tư mà lại để dự án 5 năm nay vẫn chưa hoàn thành. UBND tỉnh đã bàn giao cho UBND các huyện phụ trách GPMB để thi công dự án. Vì vậy trách nhiệm GPMB thuộc về UBND huyện, trong đó, chính quyền địa phương phải có phương án rồi cân nhắc, bố trí mặt bằng, sau đó nhà đầu tư phải bố trí tiền để phá dỡ trường cũ xây trường mới theo tiến độ dự án”, ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Ban QLDA Giao thông (Sở GTVT tỉnh Thái Bình) bày tỏ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc sự việc trên...