Dân oằn mình vì phí cầu đường giá cắt cổ ở quốc lộ

Google News

Từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ chỉ 75km nhưng dân phải nộp phí cầu đường đến 3 lần, với mức thu vượt quy định của Nhà nước gần gấp đôi. 

Dan oan minh vi nop phi cau duong gia cat co o quoc lo
Hầm đèo Cả dự kiến hoàn thành vào năm 2016, nhưng trạm thu phí Ninh An thuộc dự án này đã thu phí từ năm 2012. Ảnh: Thanh Hải 
Sau khi Nhà nước thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, các trạm thu phí trên quốc lộ (QL) thực hiện bằng ngân sách trước đây đã được xóa bỏ hoàn toàn. Tuy vậy, doanh nghiệp vận tải, người dân chưa kịp mừng thì đã phải nộp phí cầu đường nhiều hơn khi hàng loạt các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, chia cắt QL thành nhiều đoạn ngắn để nâng cấp, bán vé thu tiền. Đáng nói, chính sách xã hội hóa nâng cấp QL đã bị lợi dụng, tước đi quyền lựa chọn tối thiểu của dân được đi trên con đường của quốc gia, việc đặt trạm thu phí tùy tiện, thực hiện bán vé lấy tiền trái quy trình ở khắp nơi...
BOT (Built-Operation-Transfer), nghĩa là: Xây dựng - vận hành - chuyển giao. Chính phủ có thể kêu gọi các Cty bỏ vốn xây dựng trước, sau đó khai thác vận hành một thời gian và sau cùng là chuyển giao lại cho Nhà nước. Hệ thống pháp luật VN cũng có nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ về hình thức đầu tư này. Tuy vậy, thực trạng BOT trên các QL trên thực tế đang bị biến thể, nhập nhằng, khiến người dân bị đóng tiền oan, phí chồng lên phí...
Làm 1, thu 10
Thống kê của Cục Quản lý đường bộ 5, trong số hơn 600km QL 1A do đơn vị này quản lý đoạn qua miền Trung hiện không còn trạm thu phí của Nhà nước. Tuy nhiên, có đến 6 trạm BOT. Trong đó, riêng đoạn từ TP. Đà Nẵng đi Tam Kỳ (75km), có đến 3 trạm thu phí BOT.
Trung bình chưa quá 30km/trạm, vượt mức quy định của Nhà nước gần gấp 2 lần (quy định 70km/trạm BOT). Cá biệt, cả 3 trạm thu phí này đều lạm thu. Với dự án đầu tư gần 560 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng 8,2km QL 1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, Cty CP 545 (CIENCO5) đã được ưu ái cho đặt đến 2 trạm thu phí trên suốt đoạn đường hơn 20km.
Đặc biệt, trạm nam hầm đường bộ Hải Vân nằm hoàn toàn ngoài dự án mà đơn vị này thực hiện hình thức BOT. Nghĩa là những phương tiện từ phía Bắc ra vào TP.Đà Nẵng, từ Đà Nẵng ra Bắc trên QL 1A, dù không đi trên đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, vẫn phải chịu phí cho dự án BOT này. Nhiều DN vận tải có 20 đầu xe thì thiệt hại oan uổng 120-150 triệu đồng phí mỗi tháng.
Đây nguyên là trạm thu phí, hoàn vốn cho dự án XD hầm đường bộ Hải Vân, được Nhà nước xóa bỏ sau khi thu phí bảo trì đường bộ (2012), nhưng sau đó được giao cho Cty 545 tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT ở cách trạm này hơn 10km. Điều này khiến người dân phải gánh phí chồng phí.
Tương tự, trạm thu phí dự án đường tránh TP.Tam Kỳ, Quảng Nam (do CIENCO5 đầu tư, sau đó bán quyền khai thác lại cho DN Hiệp Phước) lại được ưu ái đặt ngay trên QL 1A. Nghĩa là phương tiện dù không đi qua đường tránh vẫn không thoát được việc đóng phí. Người dân bị tước quyền lựa chọn, phương tiện đi đường tránh thì ít, nhưng DN vẫn thu được nhiều tiền.
Ứng trước tiền của dân
Tại dự án BOT xây dựng hầm đèo Cả, (Phú Yên), công trình khởi công tháng 11.2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Điều trớ trêu là nhà nước đã cho phép Cty CP Đèo Cả được thu phí hoàn vốn cho dự án này từ tháng 7.2012 tại 2 trạm Bàn Thạch (Phú Yên) và Ninh An (Khánh Hòa).
Phương tiện lưu thông bắc nam trên QL 1A đã phải đóng phí khi chưa được sử dụng sản phẩm dịch vụ. Dự án này còn được ưu ái thái quá khi đặt trạm cách xa cả 2 miệng hầm. Nghĩa là các phương tiện chọn đi đường đèo như ôtô du lịch, hoặc buộc đi đèo (như vận tải xăng dầu, chất lỏng, vật liệu dễ cháy nổ...) vẫn bị thu phí dù họ không được dùng sản phẩm BOT.
Chuyên gia cầu đường - ông Trần Dân, Chủ tịch Hội Cầu đường TP.Đà Nẵng bức xúc: “Sự ưu ái bất thường của Nhà nước tại các dự án này đã làm biến thái hình thức BOT, trái quy trình đầu tư, vi phạm thông lệ quốc tế và luật pháp VN. Không ai lại được phép làm một đường, thu phí một nẻo, làm một đoạn ngắn hoặc chỉ một phần phần mở rộng lại được thu phí cả con đường.
Trên thế giới, nhà nước có ít nhất một con đường quốc gia để đảm bảo đi lại cho dân. BOT chỉ là sản phẩm dịch vụ, là lựa chọn thứ 2, làm đường hoàn toàn mới và hoàn chỉnh thì mới được thu phí. Còn ở VN, người dân bị tước quyền lựa chọn tối thiểu. Thu tiền trước khi chưa có sản phẩm dịch vụ sản phẩm, đặt sai vị trí trạm như Cty Đèo Cả là cũng trái luật. Việc này nhất thiết Bộ GTVT, Chính phủ phải xem lại.
Theo Lao Động

Bình luận(2)

Minh Hiền

Nhà nước thì tăng thuế, chủ đầu tư dung vốn nhà nước th tận thu. Chết dân thôi.

Minh Hiền

Hai

Xã hội hoá như bộ Gtvt là đang bóc lột tàn tệ người dân, hãy đồng thanh đứng lên phản đối đi bà con ơi.