Cảnh báo giả mạo nhân viên y tế để lừa đảo

Google News

Công an TP HCM vừa có thông tin cảnh báo về việc nhiều đối tượng xấu có thể lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp để thực hiện hành vi trộm, cướp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
 

Cụ thể, Công an TP HCM cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn có thể xảy ra như: giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát "thuốc diệt khuẩn" để lừa đảo thu tiền của người dân; hoặc giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin Covid-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc-xin Covid-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng nhưng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc-xin Covid-19 giả.
Các đối tượng xấu còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản. Ngoài ra, các đối tượng gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân. Thủ đoạn khác là gửi các tin nhắn văn bản hoặc tin nhắn đa phương tiện có chứa đường link liên kết đến trang website giả mạo có tên, địa chỉ truy cập và hình thức gần giống website chính thức của các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán yêu cầu người nhận cung cấp thông tin trên website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Canh bao gia mao nhan vien y te de lua dao
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân chỉ tiêm vắc-xin ở cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp phép 
Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng cảnh báo một số đối tượng giả dạng thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của địa phương hoặc cán bộ y tế xã, phường đến từng nhà để phát khẩu trang miễn phí. Khẩu trang này được bọn chúng tẩm thuốc mê nhằm dễ bề thực hiện hành vi trộm, cướp tài sản.
Về việc này, đại tá Dương Thị Thu Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế - Bộ Công an, cho biết hiện vắc-xin được tiêm chủng miễn phí cho người dân, chưa triển khai tiêm vắc-xin dịch vụ. "Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn và các hình thức quảng cáo khác. Khi nhận được thông tin về việc có cán bộ y tế đến tận nhà hỗ trợ phòng chống dịch, người dân cần phải xác minh, kiểm chứng để không bị lừa đảo.
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an khẳng định các hành vi trên là phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Khi có người tự xưng là cán bộ nhà nước đến kiểm tra cần thận trọng xác minh, tuyệt đối không tự tiện mở cửa cho người lạ vào nhà; đồng thời báo ngay cho cơ quan công an gần nhất khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nghi vấn.
Ngoài ra, không công khai các thông tin cá nhân như ngày sinh, số CMND, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng lên các mạng xã hội. Chỉ đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng trên các website chính thức của ngân hàng có uy tín, đồng thời không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi đến điện thoại cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng…
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội), hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh nhân viên y tế để chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hành chính, theo khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền đến 2 triệu đồng. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu lừa đảo số tiền từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng. Mức hình phạt sẽ tăng, từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Theo Nguyễn Hưởng/Người lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)