Tên đầu tiên là Châu Đình Dũng - kẻ cầm lựu đạn rút chốt và bị chính quả lựu đạn đó văng ngược lại nổ khiến hắn chết ngay tại chỗ.
|
Cầu Cẩm Lệ hiện nay, nơi trước đây hai tên không tặc nhảy xuống và thiệt mạng - Ảnh: MY LĂNG |
Kết cục của kẻ không tặc
Khi máy bay về gần đến sân bay và chuẩn bị hạ cánh, thấy việc cướp máy bay không thành, hai tên Trần Văn Thảo và Chênh Sênh Công chạy về phía sau phá cửa lên xuống máy bay, liều lĩnh nhảy ra ngoài, có lẽ định nhảy xuống sông Cẩm Lệ nhưng lại rơi xuống phía nam cầu Cẩm Lệ, chết ngay tại chỗ.
Tên không tặc Châu Đình Kính thì nhảy xuống lúc máy bay chuẩn bị hạ cánh và chết ở đầu đường băng sân bay Đà Nẵng.
Trong khi đó dưới mặt đất, ngay từ lúc nhận được tin báo có không tặc và xin quay lại hạ cánh khẩn cấp, lực lượng chiến đấu đã bao vây sân bay chờ sẵn. Công an TP Đà Nẵng cũng nhanh chóng điều lực lượng và đưa chó nghiệp vụ đến.
Máy bay vừa dừng, đội ứng cứu nhanh chóng áp sát. Loa phóng thanh vang lên: "Bọn không tặc! Muốn sống hãy hạ vũ khí đầu hàng! Giơ hai tay lên và đi xuống từng người".
Những tên không tặc còn sống lầm lũi giơ hai tay, mặt cúi gầm lần lượt bước xuống. Những người bị thương được đưa đi cấp cứu trong khi cơ quan an ninh tiến hành thu thập tang chứng vụ án.
"Trong nhóm không tặc có một tên là khách quen, đã đi máy bay rất nhiều lần để quan sát, theo dõi tổ bay, biết cả ai là cảnh vệ trên không. Chính hắn là người cầm dao gí vào cổ tôi" - nữ tiếp viên Huỳnh Thu Cúc nói.
Khi ngã xuống sàn máy bay rồi giả vờ ngất xỉu, Thu Cúc nghe giọng nói ra lệnh của một người đàn ông giấu mặt nãy giờ mới vang lên: "Nó xỉu rồi lôi ra làm gì. Lôi con kia kìa". Giọng nói bí ẩn đó là của kẻ chủ mưu, đến giây phút đó mới chịu cất lên.
Kẻ chủ mưu giấu mặt đó là ai?
Truy tìm
Đại tá Nam Hà, 89 tuổi, nguyên phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đã Nẵng, nhớ lại: "Năm đó tôi phụ trách mảng gián điệp của Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trực tiếp chỉ đạo anh em điều tra phá vụ án này. Đó là vụ án gây chấn động Quảng Nam - Đà Nẵng lúc ấy vì lần đầu tiên xảy ra ở đây".
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: ngoài bốn tên đã chết, bọn không tặc còn những ai? Tại sao chúng mang được vũ khí lên máy bay? Mang bằng cách nào?...
|
Đại tá Nam Hà kể lại chuyện điều tra phá vụ án không tặc - Ảnh: MY LĂNG |
Manh mối bắt nguồn từ bức tượng Bác Hồ bằng thạch cao. Ai là người đã mang tượng lên máy bay? Tất cả hành khách đều chối bỏ. Có một cháu bé khoảng 7-8 tuổi thừa nhận: "Bức tượng đó là của con".
Từ lời khai này, mọi câu hỏi bắt đầu có được câu trả lời. Cậu bé ấy là con của Nguyễn Văn An - một đại úy công binh chế độ cũ ở Khuê Trung, Cẩm Lệ.
"Chúng tôi rà soát danh sách toàn bộ hành khách đi chuyến bay hôm đó thì phát hiện có một khách tên Lý Quảng ở Hòa Vang nhưng chuyến đó anh Quảng... ở nhà vì bị mất hết giấy tờ. Như vậy, nhất định đã có người dùng giấy tờ của anh Quảng để đi trên chuyến bay này và kẻ đó chính là Nguyễn Văn An" - đại tá Nam Hà nói.
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ XEM VIDEO Kinh hoàng cảnh máy bay xuyên vòi rồng để hạ cánh (Nguồn VTC14):
Nguyễn Văn An chính là người cất tiếng bí ẩn ra lệnh đồng bọn lôi Kim Thanh đến buồng lái ép gõ cửa khi thấy Thu Cúc đã ngất xỉu. Hắn cũng là người ra lệnh đồng bọn quăng lựu đạn phá cửa buồng lái.
Khi lựu đạn phát nổ, một số hành khách bị thương, trong đó có An và ba đứa con của An. Từ An, lực lượng điều tra phát hiện thêm những đồng bọn khác là Sương (vợ An), Huệ, Mai, Sơn.
"Nguyễn Văn An khai nhận ý định cướp máy bay, ép tổ lái bay đi Hong Kong tị nạn. Đầu tháng 6-1978, An gặp Châu Đình Kính dọ ý và biết Kính cũng có ý định trốn đi nước ngoài, cả hai chốt phương án cướp máy bay đi Hong Kong.
Kính rủ thêm Châu Đình Dũng, Trần Văn Thảo, Chênh Sênh Công. Nguyễn Văn An lôi kéo thêm được vợ mình, Huệ, Mai, Sơn" - đại tá Nam Hà nói.
Để ngụy trang vũ khí, An đã cưa bức tượng Bác Hồ bằng thạch cao, đặt một khẩu súng nhỏ chuyên dùng để ám sát và một quả lựu đạn vào trong, trát lại bằng thạch cao và ghi dòng chữ bên ngoài: "Xin nhẹ tay, dễ bể - Ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng kính tặng phòng học vụ Thành phố Hồ Chí Minh".
An giao cho con trai khoảng 7 - 8 tuổi mang bức tượng lên máy bay.
"Hồi đó ngành hàng không dân dụng còn sơ khai. Thấy tượng Bác Hồ nên nhân viên an ninh chỉ kiểm tra qua loa rồi cho qua" - bà Thu Cúc cho biết.
Ngày 9-9-1978, Viện Kiểm sát quân sự trung ương truy tố Nguyễn Văn An cùng đồng bọn ra tòa. Ngày 4-10-1978, Tòa án quân sự xử phạt An mức án tử hình. Những đồng phạm còn lại bị xử phạt từ 2-8 năm tù.
|
Sự dũng cảm, kiên cường của tổ bay đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công. Trong ảnh là huân chương chiến công của bà Huỳnh Thu Cúc - Ảnh: MY LĂNG |
Trùng hợp kỳ lạ
"Số phận của chiếc máy bay DC4 số hiệu 501 rất kỳ lạ. Đúng ngày xử tử hình Nguyễn Văn An thì nó bị bốc cháy. Đó là sự trùng hợp mà chúng tôi không giải thích được" - ông Phạm Đức Nam, thành viên tổ lái chiếc máy bay này, nói.
Ông Nam kể: "Ngày tên cầm đầu bị xử tử hình, chúng tôi lái chiếc máy bay đó chở lúa viện trợ cho người dân Lào ở Pakse (thủ phủ tỉnh Champasak).
Khi chúng tôi bay qua gần biên giới Việt - Lào thì máy bay tự nhiên bốc cháy. Tổ lái phải xin quay lại hạ cánh ở Đà Nẵng với thời gian bay về khoảng 15 phút. Khi đó mùa nước nổi, sông Thu Bồn ngập trắng.
Nhận thấy tình hình không thể kịp hạ cánh ở sân bay Đà Nẵng, tổ lái quyết định hạ cánh khẩn cấp trên cồn nổi sông Thu Bồn. Đó là bãi dâu ở đoạn Ba Khe. Máy bay không thả càng được mà buộc phải hạ cánh bằng bụng.
Khi nó vừa chạm đất, chúng tôi thoát ra khỏi máy bay ngay. Chiếc máy bay sau đó được chính quyền cho dân "xẻ thịt".
Có một chuyện rất đau lòng mà một ngày sau chúng tôi mới biết. Đó là khi đáp xuống bãi dâu, chúng tôi không nhìn thấy có một bà mẹ và cậu con trai đang ở trong bãi. Máy bay đã đè chết người mẹ, người con may mắn sống sót, sau này lớn lên đi bộ đội và hi sinh.
Đó là chuyện khiến chúng tôi ray rứt mãi đến bây giờ".