Các bị cáo khai gì trong phần xét hỏi vụ án chạy thận 8 người tử vong?

Google News

(Kiến Thức) - Khi trả lời HĐXX, các bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong liên tục phủ nhận lời khai của nhau...

Các bị cáo tại phiên xét xử. 
Nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh khai gì tại tòa?
Chiều ngày 15/5, trong phần xét hỏi, bị cáo Bùi Minh Quốc - Nguyên giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh khai rằng, ngày 28/5 bị cáo nhận được yêu cầu từ phía Công ty Thiên Sơn về việc lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình để thực hiện thay thế bảo dưỡng hệ thống lọc RO tại đơn nguyên thận nhân tạo. Thời điểm xảy ra vụ việc, Công ty Trâm Anh và công ty Thiên Sơn chưa ký kết hợp đồng mà chỉ là thỏa thuận báo giá công việc theo yêu cầu từ phía Thiên Sơn. Bị cáo cho biết, không hề hay biết giữa công ty Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có thỏa thuận về việc sửa chữa hay không?
Cụ thể, tháng 4/2017, công ty Thiên Sơn yêu cầu phía Công ty Trâm Anh báo giá các hạng mục trên, đến ngày 28/5 thì yêu cầu đến BV thay thế các hạng mục.
Theo lời khai của bị cáo Bùi Minh Quốc, bị cáo đã đến BV đa khoa tỉnh Hòa Bình rất nhiều lần từ năm 2013, ít nhất 2 lần/năm và khi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Quốc chỉ gặp gỡ tiếp xúc với Trần Văn Sơn – cán bộ vật tư bệnh viện, ngoài ra không gặp ai khác. Khi sửa chữa đã gọi Sơn và nói: “Anh đã thay thế và tiệt trùng đường ống số 2 xong rồi, chú xuống khoá cửa sáng mai anh vào lấy mẫu nước sau”. Việc lấy mẫu chậm, Quốc khai rằng do là ngày chủ nhật nên không đủ người chứng kiến, niêm phòng mẫu nước để đi xét nghiệm.
 
Cũng theo lời khai của Quốc,vào 7h30 ngày 29/5, Quốc có đến để lấy mẫu nước tuy nhiên đã thấy máy đã chạy nên hỏi chị Hằng – cán bộ điều dưỡng: “Sao không để em lấy mẫu nước xong mới chạy?”. Khi đó chị Hằng trả lời :“Không thấy ai bảo gì” nên đã gọi điện cho Sơn. Bị cáo Quốc cũng thừa nhận lỗi khi không ngăn cản việc cho máy chạy dù không lấy được mẫu.
Về hợp đồng đề ngày 25/5, Quốc cho biết, không được đọc hợp đồng và khẳng định hợp đồng thực chất được ký ngày 29/5.
Theo lời bị cáo Quốc, bằng kinh nghiệm của bản thân, tất cả những màng RO rút ra để thay thế thì khi lắp vào bắt buộc phải vệ sinh cả trong và ngoài. Thấy màng RO bị đóng két canxi rất dày, Quốc đã dùng hỗn hợp hóa chất HCL và HF (tỉ lệ 5%) để vệ sinh bên ngoài màng. Trước đó 3 tháng, bị cáo đã làm một lần rồi và không xảy ra hậu quả. Số hoá chất này Quốc khai mua tại công ty chuyên kinh doanh hoá chất. Bị cáo Quốc cho biết, không hề biết hai hoá chất trên bị cấm dùng trong y tế.
Tại những lần bảo dưỡng đầu tiên, Quốc đều nhắc nhở cả phía bệnh viện và công ty Thiên Sơn về việc không được chạy hệ thống khi chưa xét nghiệm chất lượng mẫu nước, điều này sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, phía Thiên Sơn có nói lại rằng việc xét nghiệm mất 10-15 ngày thì bệnh nhân chạy ở đâu. Do vậy, ngoài ngày 28/5, bị cáo không biết bệnh viện có đưa vào sử dụng trước khi có kết quả xét nghiệm hay không.
Bị cáo Trần Văn Sơn phủ nhận lời khai của Bùi Minh Quốc
Tuy nhiên, khi trả lời HĐXX, Bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng lời khai của bị cáo Quốc có một số điểm không đúng.
Theo lời khai của bị cáo Sơn, ngày 28/5/2017, khi Sơn đến bệnh viện, bị cáo Quốc đã thực hiện sửa chữa.
“Trước đó, khoảng 9h30 anh Quốc gọi điện cho bị cáo báo là đã đến viện nhưng vì bị cáo chưa đến viện nên bị cáo gọi chị Hằng. Chị Hằng lại gửi số chị Điệp trực, bị cáo thông báo cho chị Điệp là có người của công ty Thiên Sơn đến sửa chữa nhờ chị Điệp mở cửa, sau đó bị cáo đến thì anh Quốc đã thực hiện sửa chữa”, bị cáo Sơn khai.
Theo lời khai của bị cáo Sơn, nhiệm vụ của bị cáo được giao là quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị tại nhiều khoa, trong đó có Khoa hồi sức tích cực và đơn nguyên thận nhân tạo. Trước khi tiến hành sửa chữa bảo dưỡng, việc đề xuất là do khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên lọc máu do người ký BS Hoàng Công Lương và điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hằng đề xuất.
 
Theo lời bị cáo Sơn, trước khi một đơn vị đến bảo dưỡng, quy trình thủ tục hành chính phải đảm bảo. Sau khi có đề xuất, bị cáo sẽ xuống lập biên bản bàn giao tình trạng thiết bị, lấy chữ ký trưởng phòng vật tư, chữ ký đại diện khoa Hồi sức tích cực, cụ thể ngày 28/5 là bác sĩ Lương được giao phụ trách và điều dưỡng Hằng.
Sau khi sửa chữa xong, tất cả mọi lần sửa chữa đều báo cáo lại cho Trưởng phòng vật tư BVĐK tỉnh Hoà Bình là ông Trần Văn Thắng.
Toà hỏi: Có việc bị cáo nói "anh Quốc đã sửa chữa, bảo dưỡng xong ngày mai có thể sử dụng được" có đúng không? Bị cáo Sơn nói là không nhớ.
Bị cáo Sơn cho biết được lãnh đạo giao cho trách nhiệm thực hiện nhận bàn giao các thiết bị từ các đơn vị sửa chữa bảo dưỡng. Trong việc sửa chữa, ở khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên thận nhân tạo, với thiết bị ở đây là có trách nhiệm chứng kiến, kiểm đếm, kiểm tra.
Bị cáo Sơn cho biết, sau khi sửa xong, bị cáo sẽ bàn giao lại cho khoa, trực tiếp cho Đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, ngày 28/5, bị cáo chưa bàn giao lại.
Bị cáo Sơn cũng cho rằng, trong sự việc xảy ra ngày 29/5/2017, rất có lỗi trong trách nhiệm công việc, bị cáo đã không có mặt ở đó để xảy ra. Tuy nhiên, để xảy ra hậu quả khiến 8 người tử vong có phải do lỗi của bị cáo hay không thì xin nhờ HĐXX xem xét.
Đáng chú ý, theo lời bị cáo Sơn khai từ khi công tác đến xảy ra sự cố, bị cáo không được ai hướng dẫn hay có văn bản nào bắt buộc phải lấy mẫu nước để đi xét nghiệm, trong báo giá của các lần trước cũng không nói đến điều này, sau khi sửa chữa xong đều đưa vào sử dụng ngay. Sơn cho biết, không nắm được chuyên môn và không nắm được phải sử dụng hóa chất gì để tiệt trùng.
Sơn tiếp tục khai, sáng 29/5/2017 anh ta xuống Đơn nguyên thận để lấy mẫu nước nhưng hệ thống đã hoạt động.
Bác sĩ Hoàng Công Lương khai gì tại tòa?
Tại tòa, bác sĩ Hoàng Công Lương đã trình bày lại diễn biến hôm xảy ra sự việc (29/5/2017). Theo lời bị cáo Hoàng Công Lương, ban đầu không có hiện tượng gì. Sau đó khoảng 45 phút, một số bệnh nhân đã xuất hiện tình trạng bất thường.
Bị cáo Lương khai, sau khi xử trí đã báo cáo lãnh đạo khoa rồi sang bệnh viện thành phố để chăm sóc bệnh nhân được chuyển viện từ Bệnh viện tỉnh sang.
Theo lời bị cáo Hoàng Công Lương, đơn đề xuất sửa chữa ngày 20/4/2017 xuất phát từ đề xuất của phòng vật tư y tế, anh chỉ ký vào đó theo đề xuất. Bị cáo cùng 2 bác sĩ khác đươc phân công làm điều trị tại đơn nguyên thận còn quản lý máy là do phòng vật tư Đơn nguyên thận chỉ sử dụng. Bác sỹ Lương tiếp tục khai đã được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật lọc máu.
 Bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa.
“ Ngày 28/5/2017, điều dưỡng Điệp là người nhận bàn giao máy. Buổi sáng 29/5/2017 chị Điệp có thông báo với tất cả là phòng vật tư đã bàn giao máy", bác sĩ Lương cho biết.
Bác sỹ Lương khai không được biết về việc có phải lấy mẫu nước xét nghiệm không.
"Việc bàn giao giữa bệnh viện và công ty sửa chữa không phải nhiệm vụ của bị cáo và Đơn nguyên thận. Một khi phòng vật tư đã bàn giao cho đơn nguyên thì đương nhiên phòng vật tư và bên sửa chữa đã bàn giao", bị cáo Lương khẳng định.
Trong phiên xét xử buổi sáng, ngay khi công bố cáo trạng, HĐXX đã hỏi bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương có đồng ý tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà Viện Kiểm sát đã quy kết hay không. Trả lời HĐXX, bác sĩ Lương cho biết: “Bị cáo không đồng ý với quy kết của Viện Kiểm sát đã truy tố bị cáo như trong cáo trạng cáo buộc”.
Trao đổi với báo chí sau phiên xét xử buổi sáng, bác sĩ Hoàng Công Lươngcho biết: “trách nhiệm của những người bác sĩ như chúng tôi là khám và điều trị cho bệnh nhân, không liên quan đến việc sửa chữa thiết bị và chất lượng nguồn nước do đơn vị khác đảm nhận. Bản thân tôi chỉ chịu trách nhiệm về y lệnh của tôi. Nếu bệnh nhân tử vong do tôi làm sai y lệnh thì tôi sẽ chịu trách nhiệm, còn do người ở vị trí khác làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm".
Hải Ninh

Bình luận(0)