Hiện tượng quá tải đã giảm đáng kể
Báo cáo của Bộ Y tế trước Quốc hội khóa XIV nêu rõ: “Giảm quá tải khu vực ngoại trú, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4 – 8 bước tùy theo loại hình khám bệnh; giảm trung bình được 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh. Tại khu vực nội trú, năm 2012, tình trạng nằm ghép ở tuyến Trung ương là 58%, tuyến tỉnh là 47%; sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 3 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 4,4% (tuyến tỉnh), 7,3% (tuyến huyện) và 1,5% (BV tư nhân và y tế các Bộ/ngành).
Thời gian quan, ngành y tế đã xây dựng mới, cải tạo và mở rộng được nhiều bệnh viện, tăng đáng kể tỷ lệ giường bệnh/vạn dân. Cụ thể, 121 bệnh viện đã được xây mới; 1.839 khoa, phòng được xây mới, mở rộng, cải tạo; 5.129 buồng, bàn khám tăng thêm. Tỷ lệ giường bệnh thực kê/vạn dân, đã tăng từ 24,7 năm 2012 lên 28,1 năm 2014, 31,4 năm 2015.
|
Hôm nay, 14/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Bên cạnh đó, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên: 37,5% số bệnh viện trong Đề án bệnh viện vệ tinh đang giảm dần tỷ lệ chuyển tuyến lên tuyến trên đối với các trường hợp bệnh viện tuyến dưới đủ năng lực xử lý; Giảm công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương, tăng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện; Triển khai nhiều phương pháp cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ Khám chữa bệnh; Cải thiện sự hài lòng hơn đối với dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế; Thực hiện hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới; Ứng dụng và phát triển kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khẳng định: “Hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số chuyên khoa Ung bướu, Tim mạch, Nhi khoa, Chấn thương… Trong một số cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến cuối vẫn còn hiện tượng quá tải, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng của thành phố Hồ Chí Minh”.
Vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh
Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập như: Hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh… nên chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng, dẫn đến tình trạng nhiều ngườingười bệnh vượt tuyến đi khám bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên, làm cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương quá tải..
Vẫn còn có nhân viên y tế chưa thực sự tận tình và trách nhiệm đối với người bệnh; Tai biến y khoa xảy ra rải rác tại các bệnh viện cả tuyến dưới và tuyến trên. Tại một số bệnh viện, còn tình trạng lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị. Tình trạng không công nhận, không thừa nhận kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế gây lãng phí nguồn lực của nhân dân và xã hội.
Môi trường bệnh viện ở một số nơi còn chưa đảm bảo. Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tại một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn cao. Nhiều bệnh viện, môi trường còn hạn chế chưa đảm bảo tiêu chuẩn xanh – sạch – đẹp. Tình trạng mất an ninh, trật tự trong bệnh viện thời gian gần đây tại một số bệnh viện đang có xu hướng gia tăng.
Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn còn phiền hà.
Công tác quản trị bệnh viện còn một số hạn chế. Khả năng tự chủ không đồng đều giữa các bệnh viện, các địa phương. Giá dịch vụ y tế chưa phản ánh đúng giá trị của dịch vụ y tế. Tác động mặt trái của cơ chế thị trường ảnh hưởng tới quyết tâm giảm quá tải của các bệnh viện. Cơ chế tài chính và quản lý bệnh viện chưa theo kịp với sự phát triển và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Còn có sự chênh lệch giá trúng thầu của một số mặt hàng thuốc
Về quản lý giá thuốc, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, triển khai quản lý công tác mua sắm thuốc đối với các khu vực bệnh viện công lập, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu thuốc để thực hiện Luật đấu thầu và nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết các khó khăn, bất cập trong công tác đấu thầu thuốc. Với các giải pháp quản lý giá thuốc chặt chẽ,về cơ bản tình hình thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn.
“Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2011 đã khảo sát giá thuốc theo phương pháp của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy: Giá thuốc tên gốc trúng thầu ở Việt Nam ở mức thấp so với mặt bằng chung quốc tế và giá thuốc biệt dược trúng thầu ở Việt Nam ở khoảng trung bình so với số liệu quốc tế. Việc quy định đấu thầu tập trung cấp địa phương đã cơ bản giải quyết việc chênh lệch giá trúng thầu giữa các cơ sở y tế trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố so với trước đây”, báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.
Tuy nhiên, hiện tại trên cả nước có 56 tỉnh, thành phố tổ chức đấu thầu tập trung cấp địa phương và 44 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu vào thời điểm khác nhau, điều kiện giao hàng, khoảng cách địa lý, số lượng mua sắm khác nhau…nên có một số trường hợp giá thuốc trúng thầu khác nhau giữa các cơ sở y tế.
“Có chênh lệch giá trúng thầu ở một số trường hợp nhưng mức chênh lệch không lớn và đã được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả giá thuốc kế hoạch đấu thầu đều không được vượt giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước và giá kê khai do Tổ Công tác liên ngành của Bộ Y tế - Bộ Tài chính – Bộ Công Thương rà soát chặt chẽ và công bố. Giá thuốc trúng thầu đã qua cạnh tranh và cũng không được vượt giá kê khai”, Bộ Y tế cho biết.
Bên cạnh đó, việc giá thuốc biệt dược gốc hết bản quyền chưa được giảm giá hiệu quả; Thặng số bán lẻ của một số nhà thuốc bệnh viện chưa được quản lý chặt chẽ, do tính chất đặc thù của các nhà thuốc bệnh viện..,cũng là một số hạn chế còn tồn tại.