Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) nêu hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em các phiên chợ vùng cao hiện xảy ra tương đối phổ biến.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) |
Theo đại biểu, giờ tới một phiên chợ ở vùng cao, những nét đẹp truyền thống xưa kia hoặc nét đẹp trên phim ảnh hầu như không rõ mà chỉ có trẻ em rất nhỏ biểu diễn, nhảy múa. Thậm chí trời rất lạnh, trời mưa có trẻ em mới chỉ có mấy tháng tuổi đã bị mẹ địu trên lưng để mẹ ra chợ. Còn trẻ em học lớp cấp 1 biểu diễn nhảy múa, nhào lộn ngay cả dưới trời mưa để xin tiền của du khách.
Tìm hiểu thì được biết, mỗi phiên chợ như thế, đồng bào dân tộc thu được vài trăm, và người ta cứ thế đưa trẻ đi chợ, trẻ em ở đây không được đi học. Chính vì thế quyền trẻ em không được bảo vệ.
Đại biểu cho rằng, điều này đã làm mai một và làm biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống ở các phiên chợ. “Quan điểm để làm sao vừa bảo tồn và phát huy được nét đẹp văn hóa nhưng giúp văn hóa truyền thống này hội nhập hiện đại và ở đây hơn hết bảo vệ quyền trẻ em đối với trẻ em vùng cao. Bộ trưởng có quan điểm gì và có một giải pháp căn cơ gì để khắc phục được tình trạng này?”, đại biểu chất vấn.
|
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Thu Dung, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, tại các phiên chợ, việc để trẻ em biểu diễn các loại hình vui chơi, nhảy múa, văn nghệ để thu tiền, để xin tiền của khách như phản ánh của đại biểu Thu Dung là trái luật.
“Trước hết, theo Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, sử dụng lao động trẻ em là không đúng. Thứ hai là tại các địa điểm đấy cũng không phải là nơi để biểu diễn nghệ thuật. Nếu như xảy ra ở vùng nào địa phương ở đấy phải quản lý”, ông Hùng nói.
Tự nhận có một phần trách nhiệm trong việc này, ông Hùng đề nghị các cơ quan có liên quan phải tuyên truyền, giáo dục về Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trẻ em có quyền lợi như thế nào, trẻ em được bảo vệ ra sao và phạm vi lao động nào là của trẻ em, còn ai sử dụng không đúng phải nhắc nhở, ngay cả bố mẹ…
Đối với các trẻ em thực sự có năng khiếu với các loại hình nghệ thuật này (địa phương nào cũng có cơ sở đào tạo trẻ em năng khiếu), đề nghị địa phương đưa các em này vào các đơn vị có năng khiếu để đào tạo, bồi dưỡng để sau này các em trở thành các nghệ nhân, các diễn viên chuyên nghiệp.
“Chúng ta phải xây dựng chợ văn minh, phải giữ được văn hóa, phong tục tập quán”, ông Hùng nhấn mạnh và cho biết, nếu Bộ phát hiện những hành vi không đúng, phản văn hóa sẽ có văn bản trao đổi với các địa phương để các địa phương khắc phục tình trạng này.
Hôm nay, 6/6, Tư lệnh ngành Văn hóa Nguyễn Văn Hùng sẽ tiếp tục đăng đàn . Thời gian chất vấn dành cho ông Hùng bắt đầu từ 15h chiều hôm qua, 5/6 đến 9h30 sáng nay. Đây cũng là bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn.
Ông Hùng trả lời về công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.
Giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng là vấn đề thuộc phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Văn Hùng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng được ủy quyền sẽ đăng đàn làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong thời gian từ 9h50 đến 11h20 sáng 6/6.
Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.