Phiên chất vấn sáng nay với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu và cử tri cả nước ghi nhận trách nhiệm cao của Bộ trưởng với những vấn đề mà dư luận đang đặc biệt quan tâm về việc 191.000 sinh viên ra trường không có việc làm, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, sinh viên ra trường không viết nổi một bản báo cáo...
Các đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Hồ Thị Minh (Quảng Trị), Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)... đã chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng ra sao khi sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ có giải pháp gì nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới; tránh lãng phí nguồn lực sau đào tạo...
|
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Giải trình những vấn đề này của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hoàn toàn chia sẻ với các đại biểu và đấy cũng là những trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục. Bộ trưởng cũng cho rằng, nội dung kiến thức trong nhà trường hết sức quan trọng để khi sinh viên ra trường không phải mất thời gian đào tạo lại. Vì việc đào tạo lại sẽ lãng phí tiền bạc, thời gian, mà còn ở chỗ khi được đào tạo những thứ không có ích, lại phải học thêm thì rất khó khăn với sinh viên.
Theo Bộ trưởng, theo thống kê của các trường đại học mà Bộ yêu cầu báo cáo thì hiện các trường này có khoảng 300 sinh viên ra trường mỗi năm, trong đó khoảng 80% có việc làm, tức là mội năm đã thất nghiệp 60 em, chỉ cần năm năm thì đã có 300 em không có việc làm. Đây là con số không hề nhỏ.
“Tuy nhiên cũng phải nhìn kỹ lại số sinh viên ra trường có việc làm ngay rơi vào nhóm trường top trên, là những trường có bề dày, có kinh nghiệm; còn phần lớn sinh viên chưa có việc làm rơi vào những trường có điều kiện và chất lượng yếu, phần lớn là các trường mới thành lập. Chúng tôi nhận thức được điều này”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cũng cho biết, tới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm rất mạnh vấn đề này, điều chỉnh lại các trưởng đại học, áp dụng các chuẩn cho các trường theo hướng các trường mới mở hoặc yếu kém thì hỗ trợ họ theo trở thành phân hiệu hoặc trở thành trường thành viên của một trường lớn. Bộ trưởng đánh giá cao như trường hợp ở Lào Cai không nâng cấp trường trung cấp, cao đẳng lên đại học, mà lãnh đạo tỉnh quyết định thành một phân hiệu trước sau đó phát triển lên.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các loại trường chất lượng. Đối với đại học tập trung ở trung ương, cùng lắm là vùng miền chứ không nên ở địa phương quy mô quá nhỏ, lực lượng phân tán, không đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), làm việc với doanh nghiệp có hình thức đào tạo lại, đào tạo bổ sung. Chẳng hạn hiện nay với ngành sư phạm, thừa, thiếu cục bộ rất nhiều. Số học sinh sư phạm ra trường theo số liệu của Bộ khoảng 70.000 em. Căn cứ vào nhu cầu các bậc học, Bộ sẽ rà soát lại và có đào tạo bổ sung để cố gắng sử dụng giáo viên hiện có theo theo chuẩn, không lãng phí, để người học có việc làm theo đúng chuyên môn, nhu cầu của họ.
“Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ rất quan tâm đến điều này và đặc biệt siết chặt chất lượng, không chỉ đầu vào mà cả đầu ra. Quan trọng là quá trình đào tạo. Vừa rồi tôi đã chỉ đạo tất cả các trường đại học, cao đẳng phải phải báo cáo số lượng sinh viên tốt nghiệp, trong mùa tuyển sinh tới nếu trường nào không bao cáo hoặc báo cáo không đúng, số sinh viên không có việc làm cao, dù mục tiêu là tự chủ, nhưng với trách nhiệm quản lý chúng tôi sẽ làm sao hạn chế tình trạng này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.