Sáng 2/2, tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn năm năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn nói như vậy với lãnh đạo địa phương.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong đầu tư công trước đây có tình trạng trước khi có lãnh đạo cấp cao về thăm và làm việc, địa phương thường chỉ đạo kê một loạt danh sách dự án. Có dự án chỉ là ý tưởng của chủ tịch, bảo kê làm đường nọ, kè kia, ước khoảng 700 tỉ chẳng hạn, nhiều cái không có dự toán.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh. |
Khi lãnh đạo về họp thì trình lên, kiến nghị cho làm. Các bộ ngành tháp tùng đi theo lãnh đạo cấp cao đương nhiên không biết dự án đó là thế nào, có được hỏi ý kiến thì cũng chỉ dám bảo “để nghiên cứu” nên các vị lãnh đạo thường “đồng ý về nguyên tắc”.
Theo ông Bùi Quang Vinh, cách làm này của các tỉnh trước đây khá hiệu nghiệm vì có tình trạng do đã có đồng ý về nguyên tắc thì “sau đó cứ phải chạy theo bố trí vốn”.
“Giờ không còn nữa” - ông Vinh khẳng định trong hội nghị và cho rằng lãnh đạo cấp cao cũng không thể hứa được nữa, có hứa cũng chỉ hứa sẽ xem xét, và dự án sẽ phải có chủ trương, thực hiện đúng các khâu, theo đúng Luật đầu tư công.
Đặc biệt, ông Vinh lưu ý các địa phương cần chọn dự án tốt, tập trung vốn để làm. Các dự án cần tính đủ vốn mới được đầu tư, khởi công. Cần tuyệt đối tránh việc cứ cho doanh nghiệp khởi công, sau đó ngân sách nợ vốn xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, tinh thần cải cách đầu tư công sẽ tăng quyền tự chủ cho các bộ, ngành, địa phương ở mức độ nhất định. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nếu như trước đây có rất nhiều chương trình mục tiêu, chương trình nào cũng cần tiền cả. Nếu “chia nát ra” thành mười mấy dự án thì có thể có tình trạng có dự án cần nhiều vốn nhưng không bố trí được, trong khi dự án chưa thực cấp bách thì vẫn có vốn. Nay chỉ chia ra vài chương trình, ông bộ trưởng sẽ có quyền bố trí cái nào cần thì tập trung vốn.
Theo ông Vinh, có lúc ông đã tham mưu với Thủ tướng nếu tính cho địa phương A 1.000 tỉ đồng thì ghi cho luôn cả cục, tạo chủ động cho lãnh đạo địa phương được chọn dự án quan trọng, có tác động lan tỏa ở địa phương để làm. Nhưng có bộ ngành nói làm thế họ dồn hết tiền làm đường thì y tế, giáo dục không có tiền, chết.
“Nên vẫn phải ghi rõ một số điểm nhưng không ghi quá cụ thể” - ông Vinh nói.
Đặc biệt, trước băn khoăn về tiền cho các dự án nông thôn mới, ông Bùi Quang Vinh tiết lộ Thủ tướng đã có tính toán bán bớt vốn ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và sẽ dùng tiền vốn đó đầu tư cho nông thôn mới.