Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”. Theo đó, hành vi hành hung nhân viên y tế này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Mong giảm được 10% số vụ hành hung
Những vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện đã diễn ra rải rác suốt từ đầu năm đến nay với mức độ ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Đỉnh điểm là vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam ngày 16/6, khi 2 người xông vào bệnh viện đánh, bắt một bác sĩ quỳ gối xin lỗi, gây phẫn nộ trong ngành y và dư luận. Vụ việc hiện vẫn đang được điều tra nhưng dù nguyên nhân là gì thì hành vi tấn công, bắt bác sĩ quỳ xin lỗi như vậy là không thể chấp nhận được.
Thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận có ít nhất 20 vụ việc điển hình về mất an ninh trật tự ở bệnh viện. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Người bị tấn công chủ yếu là bác sĩ chiếm 70%, điều dưỡng 15%.
Theo bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, ngoài những vụ điển hình được đưa lên công luận thì những vụ nhân viên y tế, nhất là bác sĩ công tác tại khoa cấp cứu gặp phải tình huống bị mạt sát, đe doạ, hành hung… còn lớn hơn nhiều.
Là người đề xuất và được Quốc hội đồng ý bổ sung vào Điều 134 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự tình tiết tăng nặng khi hành hung người “đang chăm sóc sức khỏe cho mình”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội (đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang) cho biết việc tăng chế tài sẽ phần nào giúp các bác sĩ, bệnh viện yên tâm hơn.
|
Trần Tuấn Anh bị công an bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự sau khi hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam. (Do bức xúc sau khi khám chữa bệnh, ngày 16/6, Tuấn Anh cùng một đối tượng đã hành hung và bắt bác sĩ Phạm Đình V quỳ tại cổng bệnh viện để xin lỗi). |
“Những vụ hành hung y bác sĩ vẫn chưa thể kết thúc nhưng cũng mong rằng, sau 1 năm nữa, tỷ lệ các vụ tấn công nhân viên y tế giảm được 10% đã là hạnh phúc” - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Mới giải quyết được phần ngọn
Tăng chế tài xử phạt là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nhiều cán bộ ngành y cho rằng, tăng chế tài chỉ giải quyết được phần ngọn của tình trạng bạo hành nhân viên y tế.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng cho rằng hầu hết những vụ bạo hành y tế đều liên quan đến người thân của bệnh nhân. Kẻ trực tiếp hành hung bác sĩ là người bệnh rất hiếm.
Thế nên, việc bổ sung vào Điều 134 mấy chữ “đối với những người đang chăm sóc sức khỏe cho mình” (tức người hành hung là bệnh nhân) chưa phản ánh thực chất và chưa đủ tính răn đe những đối tượng manh động.
Nói về vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết thực tế, hành lang pháp lý để bảo vệ nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ đã khá đầy đủ, được thể hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự…
Ngoài ra, Tổng hội Y học Việt Nam, một số hội chuyên ngành... với tôn chỉ mục đích hoạt động là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên cũng phải có trách nhiệm đứng ra bảo vệ nhân viên y tế. Thế nhưng, tình trạng bạo hành nhân viên y tế, hành hung bác sĩ vẫn không giảm mà ngày càng gia tăng.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, để đánh giá vấn đề này, cần nhìn nhận qua 3 khía cạnh. Thứ nhất, vụ việc phát sinh do sự bức xúc của người bệnh, người nhà; thứ hai là các trường hợp bản thân người bệnh mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn từ bên ngoài rồi kéo vào bệnh viện giải quyết, khi bác sĩ can thiệp thì hành hung cả bác sĩ; thứ ba là đã có thù hằn trước đó đối với bác sĩ, nhân viên y tế.
“Trong 3 nguyên nhân đó thì nguyên nhân đầu tiên là người nhà bệnh nhân có bức xúc với tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế nên có những hành vi manh động, bất chấp pháp luật, đạo lý. Hành vi này luôn bị lên án mạnh mẽ song nếu như chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thái độ phục vụ tốt hơn thì sẽ giảm được bức xúc của người bệnh. Đó chính là “tấm khiên” đầu tiên để nhân viên y tế tự bảo vệ cho mình” - ông Nguyễn Huy Quang phân tích.
“Người nhà bệnh nhân bức xúc với tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế nên có những hành vi manh động, bất chấp pháp luật, đạo lý; hành vi này phải bị lên án mạnh mẽ song nếu như chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, thái độ phục vụ tốt hơn thì sẽ giảm được bức xúc của người bệnh. Đó chính là “tấm khiên” đầu tiên để nhân viên y tế tự bảo vệ cho mình”, TS. Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế).