Bộ GD&ĐT vừa có văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Mục tiêu của lần thanh tra, kiểm tra này giúp các cơ sở đào tạo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và nhằm phát hiện, xử lý vi phạm nếu có.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
Bộ GD&ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra 6 nội dung chính.
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT sẽ thanh kiểm tra việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định về công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, cụ thể là quy chế tuyển sinh, văn bản và hướng dẫn tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, kết quả tuyển sinh theo từng phương thức, từng trình độ, ngành và nhóm ngành đào tạo của hai năm liền kề trước đó.
Thứ hai là việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, các trường đã xác định, phân bổ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức tuyển sinh theo quy định như thế nào. Trong đó có cả việc xác định và tuân thủ ngưỡng đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
Thứ ba, việc công bố, công khai đề án tuyển sinh của các trường có được thực hiện hay không. Trong đó lưu ý các thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo được phép đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp.
Ở nội dung này, thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cũng được Bộ GD&ĐT lưu ý.
Thứ tư, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thanh kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh. Chẳng hạn, các trường chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, thành phần hội đồng thi, các ban hội đồng thi, hình thức tổ chức thi (thi trên giấy, thi trên máy tính, thi khác...) ra sao.
Bên cạnh đó là kiểm tra việc thực hiện quy định về ra đề thi, in, sao, bảo mật, giao, nhận, vận chuyển, bảo vệ đề thi cùng công tác chấm thi liệu có đúng theo quy định.
Thứ năm là công tác xét tuyển. Nội dung, thời gian, lệ phí xét tuyển có được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hay không? Quy trình xác định điểm trúng tuyển, việc thực hiện quy định về đối tượng ưu tiên, việc công khai kết quả xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; in, gửi giấy báo trúng tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển cũng sẽ được Bộ GD&ĐT thanh kiểm tra.
Thứ sáu là việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển. Bộ GD&ĐT sẽ thanh kiểm tra việc yêu cầu các loại giấy tờ quy định bắt buộc và giấy tờ ưu tiên trong hồ sơ nhập học của thí sinh, xử lý thí sinh nhập học muộn, hồ sơ của thí sinh trúng tuyển...
Tại văn bản này, Bộ GD&ĐT quy định những người có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng) dự thi hoặc xét tuyển vào trường trong năm tuyển sinh hoặc tham gia công tác tuyển sinh năm đó của trường, sẽ không được tham gia kiểm tra công tác tuyển sinh năm đó của cơ sở đào tạo.