Bỏ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Google News

Dự thảo mới nhất của Luật Nhà giáo hiện đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con giáo viên sau khi lắng nghe ý kiến dư luận.

Dự thảo Luật Nhà giáo dự kiến trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã bỏ quy định miễn học phí cho con giáo viên như đề xuất trước đó.
Trước đó, tại dự thảo luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ với nhà giáo. Trong đó, dự thảo đề xuất miễn học phí con giáo viên từ cấp học mầm non tới đại học. Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, số tiền học phí cần trả thêm hàng năm khoảng 9.200 tỉ đồng...
Ngay sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, trong dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến. Hầu hết các ý kiến đều nhận định, đề xuất của ban soạn thảo không phù hợp, tạo ra sự bất bình đẳng. Thậm chí, nhiều giáo viên cũng không đồng tình với sự ưu tiên này, dù “có lợi” cho nhà giáo.
Bo de xuat mien hoc phi cho con giao vien
Ảnh minh hoạ/baothainguyen.vn 
So với dự thảo luật trình tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật mới nhất được chỉnh lý đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.
Theo dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất gửi Quốc hội, chính sách cho nhà giáo có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại các luật liên quan, trong đó có chính sách tiền lương.
Dự thảo luật quy định lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo dự kiến được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc và theo vùng. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương.
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, theo dự thảo luật.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề xuất nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác như về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ.
Họ cũng được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định…
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo có quy định riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, theo dự thảo luật. Trong đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù có thể được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Ngoài ra, nhà giáo dược hỗ trợ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp...
Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình và thảo luận tại Quốc hội vào ngày 9/11.
>>> Mời quý độc giả xem video Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói về cải cách tiền lương tại thảo luận tổ chiều 26/6:
 
Bình Nguyên (t/h)

>> xem thêm

Bình luận(0)