Biệt đội chuyên truy bắt giang hồ giả điên

Google News

Trong cuộc chiến chống tội phạm đất Cảng, có những vụ án, phải cần đến sự nhạy cảm đặc biệt của những chiến sỹ cảnh sát hình sự tinh nhuệ.

Gắn bó với lực lượng cảnh sát hình sự từ những năm đầu thập niên 90, hiện là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP Hải Phòng), ngày cuối năm Bính Thân, Đại tá Lê Hồng Thắng-Trưởng phòng PC45 cho hay nay đã có thể đôi lúc thở phào nhẹ nhõm bởi sau nhiều nỗ lực của lực lượng cảnh sát hình sự, an ninh trật tự thành phố Cảng đã được trả lại bầu không khí yên bình, cái tai tiếng “giang hồ đất Cảng” nay đã giảm đi rất nhiều. 

Phá "mặt nạ" người điên

Hồi ức quá khứ, Đại tá Thắng cho hay những năm 2009-2012 là giai đoạn “báo động đỏ” về hoạt động các băng nhóm tội phạm ở Hải Phòng. Nguyên nhân do hoạt động vay nặng lãi, tranh giành địa bàn “bảo kê”, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các băng nhóm. 

Sau khi phá án thành công hàng loạt vụ án lớn, tiếng súng của côn đồ đã ngừng lẹt đẹt, cảnh sát Hải Phòng lập danh sách rà soát lại tất cả các vụ án hình sự, nghi can phạm tội hình sự chưa bị xét xử. 

Qua sàng lọc, cập nhật thông tin, PC45 nhận thấy điểm bất thường là rất nhiều nghi can phạm tội chưa bị truy tố, hoặc được tạm đình chỉ điều tra vì cho rằng vướng bệnh lý tâm thần, được đưa đi chữa bệnh.

Tuy nhiên điều phi lý là nhiều nghi can dù trong thời gian chữa bệnh vẫn có mặt tại các vụ thanh toán. Câu hỏi đặt ra là lỗ hổng pháp lý: “Đúng ra các nghi can phạm tội phải bị tạm giữ hình sự, nhưng chúng lại lách luật tự do đi lại trong quá trình chữa bệnh. Như thế là pháp luật bị xem thường, chính sách khoan hồng của nhà nước bị lợi dụng”, Đại tá Thắng nhớ lại. 

Biệt đội chuyên truy bắt giang hồ giả điên
Lãnh đạo Công an Hải Phòng phát lệnh ra quân.
 PC45 lập tức xin ý kiến lãnh đạo, lập tổ cán bộ gồm 20 người có nhiệm vụ thu thập thông tin, lập danh sách những giang hồ đang có hồ sơ bệnh án tâm thần đã và đang điều trị. 

Trong đó nổi cộm có những cái tên như Vinh Tuyết, Thắng “Quán Toa”, Tuấn Tượng. Những dấu hiệu nghi vấn này không chỉ được báo cáo lên xin ý kiến giám đốc công an thành phố, mà lãnh đạo thành phố thấy nghiêm trọng quá, phải báo cáo tiếp lên Ban thường trực Thành ủy xin ý kiến. Cấp trên chỉ đạo xem xét lại tất cả hồ sơ những vụ án này. 

Kết quả thẩm tra bước đầu cho thấy 36 nghi can hình sự có bệnh án tâm thần, trong đó có nghi can đã gây án, đang trốn nã, hoặc chưa gây án nhưng luôn ngông nghênh với “bùa hộ mệnh” chứng nhận tâm thần. 

Từ thực tế trên, lãnh đạo công an TP kiến nghị thành lập hội đồng giám định để giám định lại các nghi can nghi vấn giả điên. “Có hơn 360 bệnh thần kinh, có những bệnh không thể chữa khỏi hẳn. Nhưng nếu các nghi can lấy lí do này để tránh bị truy tố là bất công.

Do đó chúng tôi đề nghị giám định lại mức độ ổn định trong nhận thức hành vi của các nghi can. Trinh sát được cử bám sát nghi can ngay cả trong cơ sở chữa bệnh để theo dõi, tránh để tội phạm bỏ trốn”, Đại tá Thắng nhớ lại.

Vướng mắc nữa là trước đây cơ quan điều tra đề nghị VKS tạm đình chỉ điều tra, đưa nghi phạm đi chữa bệnh. Nay muốn bắt lại các nghi can này cần phải chứng minh được trong thời gian chữa bệnh các đối tượng vẫn phạm tội. Sau khi chứng minh được điều này, rất nhiều tội phạm đang “trốn” tại các bệnh viện tâm thần đã bị phục hồi điều tra, bắt giữ trở lại. 

Đặc biệt có hai nghi can bị bắt giữ trong lúc... mở tiệc liên hoan trong bệnh viện. Một nghi can bỏ trốn từ Hải Phòng lên Hà Nội cũng bị bắt giữ tại cổng bệnh viện Bạch Mai. 

Các nghi can giả điên sau đó lần lượt bị đưa ra xét xử trước pháp luật, tạo được niềm tin cho quần chúng nhân nhân. Cùng thời gian này, PC45 rà soát, rút các vụ án “mờ” (vụ án đang tạm đình chỉ điều tra, trả hồ sơ điều tra bổ sung…) đưa về điều tra làm rõ. Và chỉ sau hai năm, 90% các vụ “án mờ” đã được làm sáng rõ, bắt kẻ phạm tội quy án.

“Giang hồ” đất Cảng biến tướng

Bằng các biện pháp đồng bộ trên, sau hai năm triển khai đề án 603, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Cảng đã được cải thiện đáng kể. Số lượng các vụ trọng án giảm đều từng năm. Đặc biệt năm 2015, toàn TP Hải Phòng không xảy ra vụ án giết người, vụ án do băng nhóm tội phạm có tổ chức gây ra.

Biệt đội chuyên truy bắt giang hồ giả điên
Công an quận Ngô Quyền phối hợp triển khai đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên Đại tá Thắng cho rằng đây chỉ là thắng lợi bước đầu, Hải Phòng cần tiếp tục phát huy, duy trì phong trào trấn áp tội phạm những năm tới. 

Cảnh sát hình sự Hải Phòng lại lao vào cuộc chiến mới, đó là tội phạm hình sự Hải Phòng bắt đầu có chuyển biến, lấn sang hoạt động kinh tế, buôn bán ma túy. 

Nhiều băng nhóm nghi vấn lên tới cả trăm nghi can, thành lập các công ty, doanh nghiệp “núp bóng”. Trên danh nghĩa, những công ty này tham gia đấu thầu, buôn bán công khai, nhưng đằng sau là cuộc những màn đe dọa theo kiểu xã hội đen, như đe dọa đối thủ không được đấu thầu cạnh tranh. Vì vậy mà có khái niệm “tội phạm mới” ám chỉ loại tội phạm hình sự giàu có. 

Đại tá Thắng cho biết nhiều nghi can dạng này đã bị đưa vào tầm ngắm của cảnh sát.

Đại tá Thắng ước tính, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 70% “dân anh chị” đã giải nghệ, dạt ra các tỉnh thành lân cận, hoặc vào tận miền Nam hoạt động. Những “đàn anh đàn chị” bám trụ lại Hải Phòng có thể nhẩm tính trên đầu ngón tay, hoạt động co lại và ẩn mình hơn.

 Ngoài lý do bị cảnh sát trấn áp mạnh, còn có một số đối tượng “tự ăn thịt” nhau, hoặc trốn nợ, vào TP HCM hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu... mượn danh “giang hồ đất Cảng” để cho vay nặng lãi hoặc đòi nợ thuê. Đó cũng là điều trăn trở mà Đại tá Thắng vẫn đang tìm lời giải đáp. Phải làm cách nào để “triệt nọc giang hồ” những nghi can này, như vậy mới hết cảnh tội phạm hoành hành. 

Chia sẻ về kinh nghiệm “trấn áp” tội phạm những năm qua, trưởng phòng PC45 tâm niệm việc làm tốt công tác quản lý đối tượng hình sự là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Hiện bên cạnh việc nâng cao năng lực chiến đấu của lực lượng CSHS, công an thành phố Hải Phòng áp dụng hai “gọng kìm” quản lý các đối tượng hình sự: 

Trước tiên là quản lý con người không chỉ gồm vài bộ hồ sơ, tờ khai lý lịch chung chung; mà trinh sát phải theo sát đối tượng ở địa phương, nắm rõ lịch trình sinh hoạt để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội. 

Thứ hai là quản lý theo địa bàn. Có nghĩa trinh sát phụ trách khu vực nào phải nắm được trên khu vực đó có bao nhiêu “dân anh chị”? Hiện những nghi can này hoạt động trên lĩnh vực nào? Tình hình ra sao?

“Với hai gọng kìm này, chúng tôi luôn cập nhật thông tin chính xác. Từ đó đề ra những giải pháp đảm bảo tình hình trật tự trị an trên địa bàn thành phố tốt nhất”, đại tá Thắng nói.

Theo Pháp luật Việt Nam

Bình luận(0)