Vụ việc Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa - Lê Văn Tĩnh và Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương - Đặng Văn Thường (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) đều không có bằng cấp 3 vẫn được bổ nhiệm chức vụ và việc Chủ tịch UBND xã Hồng Khê (huyện Bình Giang) - Nguyễn Hữu Tám từng bị kỷ luật cảnh cáo vì tội đánh bạc nhưng sau đó vẫn được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
|
Huyện ủy Bình Giang. |
Để làm rõ những nội dung liên quan vụ việc trên, chiều ngày 5/12, PV Kiến Thức đã có buổi trao đổi với ông Lê Vũ Dương – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Bình Giang (tỉnh Hải Dương).
- Ông có đánh giá như thế nào đối với việc đồng chí Lê Văn Tĩnh – Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa và đồng chí Đặng Văn Thường – Bí thư Đảng ủy xã Thái Dương vừa bị phát hiện không có bằng cấp 3 vẫn được bổ nhiệm?
- Khi có đơn thư phản ánh từ người dân về việc này, đồng thời sau quán triệt triển khai Nghị quyết Trung ương 4, huyện ủy Bình Giang cũng đã chủ động rà soát lại tiêu chuẩn cán bộ và thấy rằng có hai trường hợp trong đó có đồng chí Lê Văn Tĩnh và đồng chí Đặng Văn Thường, không đủ tiêu chuẩn.
Bản thân các đồng chí cũng nhận thấy không đảm bảo yêu cầu nên các đồng chí đã làm đơn xin nghỉ. Huyện cũng đã có quyết định cho hai đồng chí Lê Văn Tĩnh và Đặng Văn Thường thôi những chức danh đang đảm nhiệm. Huyện ủy cũng rà soát và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 rất kiên quyết.
- Nguyên nhân nào dẫn đến việc hai cán bộ không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp trên nhưng vẫn giữ chức vụ chủ chốt ở các xã, thưa ông?
- Do yêu cầu của công tác cán bộ, trước đây do bối cảnh của xã, mỗi một nhiệm kỳ không bao giờ có sự cố định về công tác cán bộ. Đồng chí Lê Văn Tĩnh được bổ nhiệm làm Phó Bí thư, sau đó đảm nhiệm vị trí công tác khác, kinh qua nhiều công việc khác nhau, sau đó mới làm cán bộ chủ chốt, Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa. Không phải là cứ thế mà làm vị trí lãnh đạo ngay. Trong quá trình bổ nhiệm cán bộ, trước đây, do bối cảnh đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, với công tác cán bộ, tiêu chuẩn trình độ văn hóa cũng phải xem xét đến nhưng vẫn còn có những hạn chế. Trường hợp đồng chí Đặng Văn Thường cũng tương tự như vậy.
Trước đây, về mặt tiêu chuẩn hóa bằng cấp, cứ nghĩ là các thế hệ công tác trước đó, từ quân ngũ trở về địa phương chưa học hết cấp 3, sau quá trình đó mới đi học hàm thụ cho đủ tiêu chuẩn văn hóa. Có đồng chí thì học bổ túc, có đồng chí thì học bồi dưỡng. Bản thân các đồng chí nhận thấy được những thiếu sót khi không hoàn thiện hết chương trình học đó. Tiêu chuẩn như vậy thì những trường hợp đã phát hiện đều sẽ bị xử lý. Khi qua rà soát phát hiện hai đồng chí trên không đảm bảo tiêu chuẩn, huyện đã yêu cầu hai đồng chí phải có hướng. Nếu hai đồng chí không xin nghỉ thì cũng phải có những biện pháp để xử lý theo đúng quy định.
- Việc kiểm tra hồ sơ, lý lịch hai đồng chí không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, trình độ văn hóa trên thuộc về đơn vị nào?
- Cái này chưa phải xem xét kết luận kỷ luật cán bộ nên công việc này chủ yếu vẫn ở công tác tổ chức cán bộ do Ban tổ chức Cán bộ Huyện ủy thực hiện. Qua rà soát thấy rằng, hai trường hợp trên tiêu chuẩn cán bộ không đủ thì công tác thẩm tra thuộc về Ban tổ chức Huyện ủy.
|
Ông Lê Vũ Dương – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Bình Giang (tỉnh Hải Dương). |
- Như ông nói, khâu thẩm định hồ sơ lý lịch các cán bộ trên thuộc về Ban Tổ chức huyện ủy. Khi để "lọt" các cán bộ không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, thì Ban tổ chức Huyện ủy hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm?
- Thực ra đây là tình huống không đáng có chứ không ai mong muốn việc đó. Nguyên nhân cũng do công tác cán bộ, một phần do địa phương xây dựng hai người lên chứ không phải là huyện đưa người về. Tuy nhiên về lý lịch của hai đồng chí trên, về chuyên môn thì Ban tổ chức Huyện ủy là cơ quan chủ trì chính về công tác cán bộ.
- Khi hai bí thư xã xin nghỉ, Huyện đã có phương án bố trí nhân sự như thế nào để đảm bảo tình hình hoạt động của Đảng ủy các xã?
- Sau khi Bí thư Đảng ủy xã Thái Hòa và xã Thái Dương xin nghỉ, huyện cũng đã có chủ trương đưa hai cán bộ huyện về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy hai xã trên.
- Còn về trường hợp đồng chí Nguyễn Hữu Tám từng bị kỷ luật cảnh cáo về việc đánh bạc, sau vẫn được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Hồng Khê, ông giải thích sao về việc này?
- Về trường hợp đồng chí Nguyễn Hữu Tám – Chủ tịch UBND xã Hồng Khê thì đúng là có thời điểm mắc vi phạm về việc đánh bạc khi làm Chỉ huy trưởng – Ban chỉ huy quân sự xã Hồng Khê năm 2013. Khi đó, Công an huyện Bình Giang đã xử phạt hành chính đồng chí Tám về việc đánh bạc. Từ việc đó, huyện đã chủ động xem xét hình thức kỷ luật Cảnh cáo với đồng chí Tám. Theo các quy định, Đảng viên trong vòng 1 năm bị kỷ luật từ hình thức khiển trách cho đến cảnh cáo cách chức, nếu không vi phạm thì thời hiệu kỷ luật sẽ hết. Sau khi đồng chí bị kỷ luật khoảng 3 năm, cũng một phần do yếu tố công tác cán bộ do địa phương, khi đó, 3 cán bộ chủ chốt xã Hồng Khê trước đại hội đều bị kỷ luật nên nhân sự đại hội thiếu, cạn hết nguồn nhân tố đảm nhiệm vị trí của xã ấy. Đồng chí Tám bị kỷ luật mà vẫn đưa vào vị trí đó cũng do như thế. Bối cảnh của xã Hồng Khê như vậy chứ không phải do quan tâm đặc cách cho đồng chí Tám như thế.
PV Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên…