Liên quan ca nhiễm Covid-19 thứ 17 Nguyễn Hồng Nhung, mới đây, thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài trao đổi với báo chí cho biết, trường hợp bệnh nhân thứ 17 nhiễm Covid-19 đã đi tới nhiều quốc gia trong đó có Italia nhưng không bị lực lượng làm nhiệm vụ tại sân bay Nội Bài phát hiện, cách ly kịp thời khi về Việt Nam khi nhập cảnh là do bệnh nhân 17 có 2 hộ chiếu gồm: Hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu của Vương Quốc Anh.
Theo đó, ngày 15/2, Nguyễn Hồng Nhung sử dụng 2 hộ chiếu trên làm thủ tục hàng không và xuất cảnh trên chuyến bay VN0055 theo hành trình từ Nội Bài sang Anh.
Ngày 2/3/2020, trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài, hành khách Nhung tiếp tục sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục nhập cảnh.
Sau khi đi qua khu vực kiểm dịch y tế, đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, cán bộ, chiến sỹ Công an Cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ các trang của hộ chiếu, không phát hiện có dấu kiểm chứng nhập xuất cảnh của Italia cho nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường, không phát hiện được hành khách này đã đi qua vùng dịch.
|
Ảnh minh họa. |
Nói về việc, Nguyễn Hồng Nhung đã đến một số nước như Pháp, Italia nhưng không có dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh của các nước trên trong hộ chiếu Việt Nam của khách, Thượng tá Phương thì ngoài hộ chiếu Việt Nam, bệnh nhân còn có hộ chiếu Anh, và theo quy định hiện hành, Anh không thuộc khối Schengen nhưng vẫn giữ quy chế EU đến hết ngày 31/12/2020. Công dân thành viên EU được đi lại tự do trong khối mà không cần visa và không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh trên hộ chiếu.
Để thuận lợi cho việc đến và đi các nước trên, nhiều khả năng nữ bệnh nhân đã sử dụng hộ chiếu Anh để đến các nước trên theo hình thức miễn thị thực (trong hộ chiếu Việt Nam của Nhung không có thị thực Schengen) và khi nhập cảnh Việt Nam, Nhung sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục tại Cửa khẩu Nội Bài.
Thượng tá Nguyễn Thị Bình Phương cũng thông tin, khi làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách trên chuyến bay VN0054, cán bộ, chiến sỹ thực hiện theo đúng quy trình kiểm tra hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, kiểm soát viên đã lật mở kiểm tra từng trang hộ chiếu để kiểm tra điểm đi/đến của hành khách nhằm phát hiện những hành khách đi qua những vùng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Dư luận đặt câu hỏi, bệnh nhân Covid thứ 17 có hộ chiếu Anh, Việt Nam... kiểm dịch người “song tịch” thế nào?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với người sử dụng hai hộ chiếu như nữ bệnh nhân 17 cần kiểm tra làm rõ việc sử dụng hai hộ chiếu đó có hợp pháp hay không? Có thuộc trường hợp được phép sử dụng hai hộ chiếu hay không để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu là công dân Việt Nam, không phải là người hai quốc tịch, cũng không phải là người Việt Nam định cư sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài thì chỉ có một sổ hộ chiếu do Việt Nam cấp.
Còn trường hợp nếu là người hai quốc tịch hoặc công dân Việt Nam học tập, lao động, sinh sống dài hạn ở nước ngoài thì có thể có hai hộ chiếu, đặc biệt là trong khối các nước châu Âu (EU).
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì ngoài hộ chiếu Việt Nam, Nguyễn Hồng Nhung còn có hộ chiếu Anh.
Theo quy định hiện hành, Anh không thuộc khối Schengen nhưng vẫn giữ quy chế EU đến hết ngày 31/12/2020. Công dân thành viên EU được đi lại tự do trong khối mà không cần visa và không đóng dấu kiểm chứng xuất nhập cảnh trên hộ chiếu. Để thuận lợi cho việc đến và đi các nước trên, có khả năng nữ bệnh nhân đã sử dụng hộ chiếu Anh để đến các nước trên theo hình thức miễn thị thực (trong hộ chiếu Việt Nam của Nhung không có thị thực Schengen) và khi nhập cảnh Việt Nam, Nhung sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục tại Cửa khẩu Nội Bài.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ cuốn hộ chiếu thứ hai này có phải là do cơ quan có thẩm quyền cấp hay không, có được phép sử dụng khi nhập cảnh vào Việt Nam hay không.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong trường hợp đây là hộ chiếu giả, cần làm rõ hành vi làm giả và sử dụng tài liệu con dấu giả. Nếu có căn cứ cho thấy có hành vi làm giả hoặc sử dụng tài liệu con dấu giả thì người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
“Trong trường hợp bệnh nhân thứ 17 này nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng 2 hộ chiếu, tuy nhiên cơ quan an ninh cửa khẩu hàng không Nội Bài chỉ kiểm tra một hộ chiếu nên đã bỏ lọt hành trình của cô gái này thì đây cũng là sai sót cần phải rút kinh nghiệm. Nếu vi phạm quy trình kiểm tra thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý với cán bộ, nhân viên an ninh hàng không theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
>>> Xem thêm video: Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời phỏng vấn về trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 17