Bê bối ngành y cả nước năm qua: Vụ nào chấn động khủng khiếp nhất?

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2017, ngành Y tế đã xảy ra nhiều vụ việc gây chấn động cả nước như Công ty Dược Pharma bị điều tra tội buôn thuốc ung thư giả, 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận, hàng loạt vụ việc sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong bất thường…

Năm 2017, Bộ Y tế đã đạt được nhiều thành tựu như có nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng thành công trong lĩnh vực ghép tạng, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân tại trạm y tế xã, dưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, tiết kiệm ngân sách nhờ đấu thầu thuốc tập trung…
Tuy nhiên, năm qua cũng xảy ra một loạt vụ bê bối ngành y gây chấn động cả nước.
 Trụ sở Bộ Y tế.
Dược Pharma bị điều tra tội buôn thuốc ung thư giả
Sự kiện gây phẫn nộ trong dư luận của ngành y tế chính là việc Công ty dược VN Pharma bị điều tra tội buôn thuốc ung thư giả. Theo đó, sáng 30/10/2017, TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma. HĐXX nhận định, cần phải khởi tố điều tra về hành vi buôn bán thuốc giả.
Tóm tắt vụ án, năm 2013 – 2014, Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharma) đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty hàng hải quốc tế H&C) mua lô hàng 9.300 hộp thuốc Capita 500mg Caplet điều trị ung thư của công ty dược tại Canada để cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Để có hồ sơ xin Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cấp phép, Hùng chỉ đạo nhân viên thuê người viết hồ sơ giả. Ngoài ra, cựu Chủ tịch VN Pharma và dàn lãnh đạo cấp dưới còn bị cáo buộc thông qua Phạm Anh Kiệt – TGĐ công ty Dược Sapharco sử dụng con dấu chữ ký của 2 công ty dược nước ngoài làm giả các hợp đồng mua bán thuốc để nhập nhiều loại thuốc khác. Để có tiền chi cho việc trúng đấu thầu bán thuốc vào bệnh viện, Hùng còn chỉ đạo kê khống giá thuốc nhập khẩu.
Lãnh đạo VN Pharma cung cấp giấy tờ thể hiện đã chi 7,5 tỷ đồng cho các bệnh viện và bác sĩ. Tháng 8/2014, Cục Quản lý Dược kiến nghị Bộ Công an kiểm tra lô hàng. Ngày 17/9/2014, giấy tờ nhập khẩu lô thuốc được Cục xác định là giả nên đã gửi hồ sơ cho công an. Ngày 19/9/2014, ông Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Công ty dược VN Pharma) bị bắt để phục vụ điều tra và khám xét thu hồi các tài liệu tại văn phòng. Đến ngày 16/3/2016, ông Hùng bị cơ quan điều tra truy tố về tội Buôn lậu.
Theo Bộ Y tế, lô thuốc trên chứa 97% hoạt chất capecitabina; không được sử dụng làm thuốc chưa bệnh cho người. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, Công ty VN Pharma không liên quan gì đến người thân của bà.
8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận
Trong năm 2017, vụ việc chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào chiều 29/5 đã khiến 8 người chết khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Ngay khi xảy ra vụ việc, Công an tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc điều tra khởi tố bị can, bắt 3 đối tượng Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) và 2 cán bộ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là Trần Văn Sơn (SN 1990) và Hoàng Công Lương (SM 1986).
Qua quá trình điều tra, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã thành lập tổ công tác đặc biệt giám định các máy móc dùng liên quan.Theo kết luận giám định, mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10, số 13 có độ PH rất thấp, độ dẫn điện rất cao, hàm lượng Floura cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI. Ngoài 2 máy lọc thận trên, mẫu nước giám định tại các máy chạy thận nhân tạo khác cũng có hàm lượng Florua vượt ngưỡng an toàn hàng trăm lần.
 Chạy thận, 8 người tử vong ở Hòa Bình.
Trước đó, do hệ thống lọc nước RO số 2 bị hỏng bộ phận khởi động, ngày 25/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn vị này.Công ty Thiên Sơn sau đó ký hợp đồng với công ty do Quốc làm giám đốc với nội dung bán, lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sáng ngày 28/5, Bùi Mạnh Quốc trực tiếp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện hợp đồng. Đến khoảng 18h30 phút cùng ngày, Quốc gọi điện thoại cho Sơn thông báo đã sửa chữa, bảo dưỡng xong. Khoảng 7h sáng 29/5 khi tiến hành chạy thận cho bệnh nhân xảy ra sự cố.
Liên quan vụ việc trên, Hội đồng kỷ luật Sở Y tế Hòa Bình đã họp và thông qua việc cách chức ông Trương Quý Dương, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Nhiều sản phụ, trẻ sơ sinh chết bất thường gây chấn động
Năm 2017 cũng là một năm đáng quên của nhiều cán bộ ngành y khi xảy ra nhiều vụ sản phụ, trẻ sơ sinh chết bất thường.
Hàng loạt vụ việc thương tâm khi nhiều sản phụ chuyển đến bệnh viện đã tử vong bất thường xảy ra như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, ngày 26/10, một sản phụ sau khi mổ đã sốt cao, co giật sau đó tử vong. Các bác sĩ sau đó xác nhận nguyên nhân tử vong do biến chứng sau gây mê mổ sinh con. Trước đó ít ngày, tại bệnh viện bệnh viện quận 9 (TP HCM) cũng xảy ra vụ việc một sản phụ tử vong sau khi sinh con nguyên nhân được cho bị băng huyết sau khi sinh dù trước đó kết quả thăm khám ghi tình trạng sức khỏe bình thường. Ngoài ra còn nhiều vụ việc sản phụ tử vong xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Đơn Dương (Lâm Đồng); Phòng khám Đa khoa 168 tại Hà Nội…
 Bốn trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.
Đáng chú ý nhất là vụ việc 4 cháu bé sơ sinh bất ngờ tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh xảy ra vào sáng ngày 20/11/2017. Cả 4 trẻ tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đều là trẻ sinh non từ 32 đến 34 tuần, có cân nặng khi sinh từ 1,6 kg đến 2,3 kg. Các bệnh nhi này được chẩn đoán suy hô hấp, đẻ non và được xử lý cho nằm lồng ấp, thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch và ăn sữa qua ống thông dạ dày, kháng sinh. Nguyên nhân sau đó được các cơ quan chức năng xác nhận là do sốc nhiễm khuẩn trên trẻ đẻ non suy hô hấp.
Vẫn tồn tại hình ảnh không đẹp của bác sĩ và tình trạng hàng hung bác sĩ
Năm 2017, ngành y tế vẫn còn tái diễn những hình ảnh không đẹp của bác sĩ tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh như vụ nữ bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương ngồi gác chân lên ghế "đôi co" với người nhà bệnh nhân được đăng tải trên mạng xã hội ngày 11/9/2017 hay như vụ việc xảy ra tại Phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tại số nhà 20 (ngõ 24 Phan Văn Trường quận Cầu Giấy, Hà Nội), một cháu bé đã bị bác sĩ phụ trách phòng khám Lê Thanh Hải tát một phát thẳng tay vào má bên phải…
Trong năm 2017 xảy ra rất nhiều vụ côn đồ hành hung thầy thuốc. Như việc tại Bệnh viện Thạch Thất, Bệnh viện 115 (Nghệ An), Trạm Y tế xã Hương Long (Hà Tĩnh), Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, tại Bệnh viện 115 Thái Bình…
Ngành Y tế cũng đã lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế, lên tiếng kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật để có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho các thầy thuốc; kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền để đảm bảo an toàn cho thầy thuốc.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc khi chỉ một thông tin chia sẻ mang tính góp ý về Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ngay lập tức Bộ Y tế đề nghị xử lý.
Khuyên Bộ trưởng Bộ Y tế về nghị, một bác sĩ suýt bị phạt 5 triệu đồng
Vụ việc trên liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Truyện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tối ngày 14/7, bác sĩ Hoàng Công Truyện chia sẻ trên mạng xã hội: "Mụ ni về nghỉ là vừa, để các GS có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho CP can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở".
Ngay sau đó, Bộ Y tế có công văn do Chánh Văn phòng Bộ Y tế thừa lệnh Bộ trưởng ký ngày 15/7/2017 gửi Sở Y tế Thừa Thiên - Huế có nội dung "quy tội" của bác sĩ Truyện đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế Thừa Thiên - Huế phối hợp với công an xác minh tài khoản "hoàng công truyện", đồng thời "kiểm điểm và xử lý" cán bộ. Thừa chỉ đạo của Sở Y tế, đúng một tháng sau, Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ra quyết định thi hành kỷ luật ông Truyện với hình thức "Khiển trách". Ngoài ra, Sở TT-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng ra quyết định xử phạt hành chính bác sĩ Truyện 5 triệu đồng.
Sau khi dư luận phản ứng, chiều 23/10, Sở TT&TT Thừa Thiên - Huế đã hủy quyết định xử phạt hành chính đối với bác sĩ Hoàng Công Truyện. Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã trực tiếp xin lỗi bác sĩ Truyện vì Sở đưa ra hình thức kỷ luật khi vụ việc chưa đến mức phải kỷ luật khiển trách.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)