Những ngày qua, dư luận cả nước vô cùng phẫn nộ và bất bình xung quanh vụ bé trai V.Q.K (10 tuổi) bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man, trong suốt thời gian dài tại chung cư The Flemington (phường 15, Quận 11, TP.HCM).
Ngoài việc lên án hành vi mất nhân tính của người bố đẻ và mẹ kế, dư luận cũng cho rằng, người mẹ đẻ cũng có một phần lỗi khi trước đây, khi ly dị, tòa án đã giao quyền nuôi bé nhưng người mẹ này lại để bé cho bố nuôi từ 2017, đến nay khiến bé phải chịu những ngày đắng cay, nghiệt ngã khi tuổi thơ là nỗi sợ hãi từ những trận… bạo hành.
Dạy con bằng sự bạo hành là hành vi mất nhân tính
Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trên cả nước mà đa số lại do chính cha mẹ, người thân các bé bạo hành với nhiều thủ đoạn dã man đã khiến dư luận vô cùng bất bình.
Tuy nhiên, vụ việc cha đẻ, mẹ kế bạo hành bé 10 tuổi tại chung cư The Flemington khiến sự bức xúc ấy lên đến tột cùng khi người giúp việc của gia đình kể với những người sinh sống cùng chung cư về việc bé trai không chỉ bị đánh đập thường xuyên mà bố đẻ, mẹ kế còn bắt bé uống nước sôi, ăn ớt và phân mèo.
Không ai biết bé trai ấy đã bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành bao nhiêu lần và vì lý do gì? Nhưng qua lời kể của những người ở cùng chung cư khi “cứ 1, 2 ngày lại nghe thấy tiếng bé la khóc bên trong”, cùng với đó là những vết bỏng, vết thương cho thấy bé bị bạo hành rất nhiều lần và vô cùng dã man.
Không ai có thể tưởng tượng nổi, cháu bé đang ở độ tuổi vốn cần sự yêu thương, đùm bọc của cha mẹ thì nay trở thành nạn nhân của sự bạo lực từ chính những người thân ruột thịt của mình thì khi lớn lên, cháu bé sẽ trở thành con người thế nào khi tuổi thơ bị bạo hành với những hình ảnh ám ảnh từ những trận đòn roi bạo lực.
|
Hình ảnh bé trai 10 tuổi bị bạo hành. |
Dù lý do việc bạo hành do bé hư, cha đẻ mẹ kế dạy bé theo quan niệm “yêu cho roi cho vọt” hay bất kỳ lý do gì đi nữa, hành vi bạo hành chính con đẻ của mình là không thể chấp nhận nổi, không chỉ bị dư luận lên án, hành vi ấy còn xứng đáng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, bản thân ông không cảm thấy bất ngờ bởi thời gian qua có quá nhiều những vụ trẻ bạo hành liên tiếp xảy ra với mức độ đáng báo động.
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm gia nhập Công ước về Quyền trẻ em. Ngoài ra các văn bản pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để bảo vệ trẻ em, trước đây là Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nay là Luật trẻ em năm 2016.
Trong khi đó, Luật hôn nhân và gia đình quy định cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành, nghiêm cấm hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em. Do vậy, mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, bất kể người xâm hại đó là ai.
Liên quan đến vụ việc bố đẻ, mẹ kế bạo hành bé 10 tuổi, trường hợp kết quả xác minh cho thấy có căn cứ để xác định ông bố và bà mẹ kế đã có hành vi đánh đập, hành hạ, ngược đãi em bé này thì không chỉ cho thấy hành vi phản giáo dục, trái đạo đức xã hội mà tùy tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra mà ông bố và bà mẹ kế sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khi cơ quan công an vào cuộc xác minh thì cũng sẽ tiến hành xem xét dấu vết cơ thể và trưng cầu giám định thương tích đối với em bé này. Trong trường hợp nạn nhân có thương tích thì có thể khởi tố người đã gây thương tích cho em bé này về tội cố ý về thành tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều luật này quy định trường hợp gây thương tích cho nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì dù thương tích chưa đến 11 % thì người gây thương tích trong trường hợp này vẫn bị xử lý hình sự.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội cố ý gây thương tích nhưng có căn cứ cho thấy ông bố và bà mẹ kế đã có hành vi đối xử tàn ác với đứa trẻ này, gây chấn động tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của cháu bé thì cũng có thể xử lý hai người này về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự.
Như vậy, nếu kết quả điều tra cho thấy ông bố và bà mẹ kế đã có hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm của cháu bé này gây tổn thương nặng nề về tâm lý thì có thể xử lý hình sự về tội hành hạ người khác. Hành vi hành hạ thể hiện rất đa dạng thể hiện việc đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình (lệ thuộc vào người có hành vi phạm tội), cụ thể đối xử tàn ác, được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác (và tinh thần) đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.
Nếu bị xử lý về tội danh này thì hình phạt mà đối tượng đã gây ra, có thể lên đến ba năm tù. Trong trường hợp đứa trẻ có thương tích thì sẽ không xử lý về tội danh này mà sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 bộ luật hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc hơn rất nhiều có thể lên đến 7 năm tù.
Mẹ được quyền nuôi, sao “ủn” cho bố?
Trong sự việc trên, trường hợp bé trai bị bạo hành do cha đẻ mẹ kế thì rõ ràng hai người này sẽ phải chịu hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, để xảy ra sự việc trên trách nhiệm cũng một phần do chính lỗi của người mẹ đẻ khi được quyền nuôi con mà lại “ủn” cho người bố, để bé phải sống những tháng ngày tăm tối trong những trận đòn roi.
Thực tế, theo lời kể của chị Y. – mẹ đẻ cháu bé bị bạo hành thừa nhận, sau phiên tòa ly dị, giữa chị và ông Q. vào năm 2011 thì chị được quyền nuôi bé. Tuy nhiên, năm 2017, bố đẻ bé đưa bé vào TP HCM chơi, sau đó giữ bé lại nuôi đến nay. Việc để cho bố đẻ nuôi bé được chị Y. lý giải do cháu muốn ở với bố và được chăm sóc tốt hơn nên chị mới đồng ý.
Tuy nhiên, lời giải thích này khó được dư luận chấp nhận bởi tháng 3/2018, khi vào thăm con trai, bản thân chị Y. cũng phát hiện nhiều vết bầm tím trên cơ thể nên gặng hỏi thì cháu nói bị mẹ kế đánh và chính người bố đẻ khi đó cũng thừa nhận mình là người đánh con vì cháu không nghe lời, không chịu học hành.
Lẽ ra khi đó, với linh cảm của một người mẹ, chị Y. cần phải làm rõ việc cha đẻ và mẹ kế bạo hành và có thể nhờ pháp luật can thiệp để nuôi cháu bé như tòa đã phán quyết chứ không phải im lặng cho qua để rồi sau đó, bé tiếp tục phải chịu những trận đòn roi bạo hành từ hai người này. Do vậy, việc cháu bé bị cha đẻ, mẹ kế bạo hành có cả lỗi của người mẹ đẻ khi được quyền nuôi con lại “ủn” sang người bố.
Có thể có nhiều lý do dẫn đến người mẹ ruột cho phép người cha được quyền nuôi đứa trẻ trong vài năm qua nhưng có thể sau khi xảy ra sự việc trên, người mẹ sẽ rất ân hận khi trao nhầm con vào tay “hổ dữ”. Đó cũng là bài học cho người phụ nữ này và cho nhiều người phụ nữ khác sau ly hôn.
Thực tế, vụ bé trai 10 tuổi bị bạo hành không phải chuyện hiếm gặp bởi có quá nhiều vụ việc khi cha mẹ ly hôn, con chung phải sống với cha dượng hoặc mẹ kế sau đó bị bạo hành. Những mâu thuẫn trong gia đình có mối quan hệ phức tạp có thể biến thành những vụ bạo hành dai dẳng, gây ảnh hưởng, tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của trẻ em.
Để giảm bớt tình trạng này thì những ông bố, bà mẹ cần có những giải pháp để kiểm soát con mình tốt hơn khi không trực tiếp sinh sống với con, đồng thời, chính quyền địa phương, các đoàn thể, các tổ chức bảo vệ trẻ em cũng cần phát huy hơn nữa vai trò và trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ trẻ em như: kịp thời nắm bắt những thông tin về những vụ việc bạo hành, nguy cơ bạo hành để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả và xử lý nghiêm minh các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Bất cứ người dân nào khi phát hiện ra trường hợp có trẻ em bị bạo hành, xâm hại thì hoàn toàn có thể trình báo sự việc với chính quyền địa phương hoặc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để các chuyên gia tư vấn và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Có kết hợp nhiều giải pháp và phát huy vai trò của nhiều tổ chức, cá nhân và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương thì mới giảm bớt được tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em đang diễn ra hàng ngày nhiều như giai đoạn hiện nay.