Bao vụ trộm chó bị đánh chết sao loại tội phạm này vẫn “nở” như nấm?

Google News

(Kiến Thức) - Vừa qua, lực lượng công an các tỉnh liên tiếp triệt phá các ổ nhóm, đường dây trộm chó và những "cẩu tặc" phải nhận bản án thích đáng của pháp luật. Thậm chí, không ít vụ bị người dân đánh chết... thế nhưng loại tội phạm này không bị triệt tiêu mà còn có dấu hiệu nở rộ.

Trộm chó đổi mạng người, sao cẩu tặc vẫn nở rộ?
Vừa qua (17/8), Công an TP Gia Nghĩa, Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bị can và tạm giam băng nhóm dùng xe hơi đi trộm chó, sẵn sàng đánh trả chủ nhà, người dân khi bị phát hiện.
Theo điều tra ban đầu, nhóm này dùng xe hơi đi trộm chó từ TP Bảo Lộc qua TP Gia Nghĩa. Sau khi trộm được chó, các đối tượng đưa về nhà trọ phân loại, làm sạch rồi dùng xe 7 chỗ chở đi tiêu thụ. 
Tất cả các đối tượng trong băng nhóm đã bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản.
Bao vu trom cho bi danh chet sao loai toi pham nay van “no” nhu nam?
Nhóm đối tượng trộm chó ở Lâm Đồng bị bắt 
Thời gian qua, hoạt động trộm chó liên tiếp bị lực lượng chức năng các tỉnh thành triệt phá. Một điều dễ nhận thấy là loại hình tội phạm này đã có những chuyển biến tinh vi hơn, hoạt động có quy mô và tổ chức hơn. 
Cụ thể, từ hoạt động độc lập, sử dụng công cụ,  phương tiện thô sơ như xe máy, thòng lọng... chúng đã tụ tập thành ổ nhóm, băng nhóm dùng ô tô làm phương tiện di chuyển và chuyên chở chó sau khi trộm được.
Bao vu trom cho bi danh chet sao loai toi pham nay van “no” nhu nam?-Hinh-2
Đối tượng Phạm Trí Hùng (43 tuổi, thường trú tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai), nghi phạm trộm chó bằng xe hơi tại xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên bị bắt ngày 24/6.
 
Mới đây (24/6), Công an huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng đã tạm giữ Phạm Trí Hùng (43 tuổi, thường trú tại xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, Đồng Nai), nghi phạm trộm chó bằng xe hơi tại xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên.
Lúc bị phát hiện, trên chiếc xe hơi 7 chỗ có súng điện, đèn pin, băng keo, ớt bột và 21 con chó đã trộm được. Hùng khai chiếc xe hơi dùng đi trộm chó là xe thuê, còn ớt bột là dùng để chống trả nếu bị truy đuổi.
Cũng trong tháng 6/2020, Công an huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã triệt phá băng nhóm dùng chất độc xyanua để trộm chó liên tỉnh sau đó chuyển ra Hưng Yên tiêu thụ. Các đối tượng khai nhận những hung khí mang theo với mục đích đánh trả người dân khi bị phát hiện.
Từ lời khai các đối tượng cho thấy sự manh động của "cẩu tặc" khi sẵn sàng chống trả người dân. Từ sự manh động đó, đã có không ít vụ trộm chó bị đánh chết khi dân bắt được tận tay. 
Đơn cử như ngày 27/2/2020, Trần Thế Mạnh và Trần Văn Hùng (cùng 27 tuổi, trú tại xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) rủ nhau đi trộm chó thì bị người dân phát hiện, vây đánh. Khi công an đến hiện trường thì Hùng đã tử vong còn Mạnh phải nhập viện cấp cứu trong tình trạn nguy kịch. Chiếc xe máy của 2 đối tượng bị người dân đốt cháy, bên cạnh là bộ kích điện bắt chó và tang vật.
Hay như ngày 29/10/2019, Trần Văn Nam, Phạm Quang Trung (cùng trú huyện Chư Sê, Gia Lai) và 2 đối tượng khác chưa xác định danh tính đi trên 2 xe máy mang theo các dụng cụ kích điện vào làng Tơ Rơ Bang, xã Ia Bang (Chư Prông) để trộm chó.
Tại đây, nhóm đối tượng bị người dân phát hiện, Nam và Trung bị dân làng bắt giữ, đánh hội đồng. Hậu quả Nam tử vong, còn Trung nguy kịch.
Bao vu trom cho bi danh chet sao loai toi pham nay van “no” nhu nam?-Hinh-3
 Trộm chó đôi khi phải trả giá bằng cả mạng sống nhưng nạn "cẩu tặc" vẫn nở rộ.
Các trường hợp trộm chó bị đánh tử vong kể trên chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc đã xảy ra. Để đổi lấy những đồng tiền bất chính, trộm chó đánh đổi cả mạng sống, hoặc chịu những bản án nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, điều lạ là loại hình tội phạm này lại không hề thuyên giảm mà vẫn nở rộ như nấm sau mưa. Vậy giải pháp nào để có thể triệt tiêu loại hình tội phạm trộm chó gây nhức nhối xã hội này? 
"Pháp luật thịt chó"
Để ngăn chặn nạn trộm chó, nhiều Chuyên gia, Nhà khoa học đã đưa ra giải pháp vận động người dân "không ăn thịt chó". Nếu người dân không ăn thịt chó thì chắc chắn thịt chó sẽ không còn được tiêu thụ và những "cẩu tặc" sẽ thất nghiệp. Nhưng giải pháp vận động người dân, thậm chí là "cấm ăn thịt chó" dường như không mấy khả thi. 
Trong một chương trình truyền hình về vấn đề này, nhà báo Đức Hoàng cho biết, xã hội nói và bàn nhiều về việc cấm ăn thịt chó nhưng lại ít người tiếp cận vấn đề ở góc độ pháp luật mà chỉ nhìn nhận ở góc độ văn hóa, ẩm thực. 
Theo nhà báo Đức Hoàng, Việt Nam vốn là nhà nước ưa chuộng con dấu, một quả trứng gà chưa thành hình con vật về nguyên tắc cũng phải mang dấu thú y và kiểm dịch. Thậm chí nhiều loại thực phẩm còn đang bị cho là mang quá nhiều con dấu. Nhưng chó thì không.
Chính quyền Hà Nội trong một nỗ lực tưởng như rất gắt gao khi đề xuất cấm bán thịt chó, cũng dùng chữ “vận động” hay là “khuyến cáo” để mô tả tiến trình. Trong khi đó, điều kỳ lạ nhất, đáng nói nhất, là việc con chó đang được sử dụng làm thực phẩm, lại không chịu sự kiểm soát đáng kể nào về giết mổ, nguồn gốc, thú y, kiểm dịch.
Nhà báo Đức Hoàng cho rằng: "Các quy chuẩn thực phẩm thật ra giải quyết được rất nhiều vấn đề của thịt chó. Đầu tiên, đòi hỏi nguồn gốc hàng hóa sẽ ngăn chặn việc bắt một con chó bất kỳ để xẻ thịt, tạo ra khung pháp lý chống lại tình trạng trộm chó đầy bi kịch hiện nay. 
Bao vu trom cho bi danh chet sao loai toi pham nay van “no” nhu nam?-Hinh-4
Những tên trộm chó bị trừng phạt tại chỗ 
Việc một con vật bị giết mổ để làm thực phẩm, hoàn toàn không chịu sự quản lý của pháp luật, cho dù đến cuối được bày bán công khai, là điều không thể chấp nhận ở một quốc gia tiến bộ. Đặc biệt là một quốc gia yêu giấy phép con và chuộng đóng dấu như nước ta thì càng khó chấp nhận hơn. Nhưng ta vẫn để điều phi lý đó diễn ra khi mải mê hướng các tranh biện vào “tập quán”.
Cộng nguồn gốc hàng hóa bắt buộc với quy chuẩn giết mổ, đóng lên một miếng thịt tươi hàng loạt con dấu thú y, thêm vài con dấu nữa nếu qua chế biến, vài con dấu nữa khi đưa vào thương mại, thì giá thịt chó có thể sẽ tăng rất cao. Lúc đó, những người yêu việc ăn thịt chó sẽ buộc phải trả một cái giá rất cao so với hiện nay.
Một khi giá thịt chó quá cao thì nhiều người sẽ cân nhắc có nên sử dụng loại thực phẩm này hay không. Việc tăng điều kiện đầu vào cho hàng hóa, đồng nghĩa với tăng giá đột biến, luôn là biện pháp hữu hiệu để giảm cầu."
Cuối cùng, nhà báo Đức Hoàng nhận định: "Tất cả hàng rào quanh miếng thịt chó, trước hết cần được thực thi nhân danh luật pháp. Thực phẩm người dân ăn thì phải được kiểm soát. Đó là việc đảm bảo nguyên tắc xã hội căn bản và khách quan. Những người ăn thịt chó không cần phải cảm thấy tự ái và phản kháng. Không cần phải biện ra “văn hóa”, “phong tục”, hay là sự “văn minh” nào. Không có gì đáng phải tranh luận nếu chúng ta vá một lỗ hổng trong an toàn thực phẩm."
Trung tá Lê Trọng Ngọc, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa sau khi phá được chuyên án trộm chó lớn nhất tại tỉnh Thanh Hóa từ trước đến nay đưa khuyến cáo: Để hạn chế tình trạng trộm cắp chó, mèo thì bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân về công tác đấu tranh với tội phạm trộm này; người dân cũng tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các hành vi, đối tượng nghi vấn trộm cắp, tiêu thụ tài sản là chó mèo do trộm cắp mà có cho lực lượng chức năng để có hướng đấu tranh, phòng ngừa; đồng thời kịp thời cung cấp thông tin có giá trị cho cơ quan công an nhằm bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có sự điều chỉnh các quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra cấp huyện đấu tranh với hành vi này, xử lý nghiêm các đối tượng trước pháp luật.
Ngoài ra để ngăn chặn nạn trộm chó thì pháp luật cần phải bổ sung những quy định xử lý phù hợp đối với tài sản bị xâm hại là vật nuôi, thú cưng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, nỗ lực điều tra và có những biện pháp xử lý nghiêm khắc kẻ trộm. Đối với những cơ sở tiếp tay, tiêu thụ thịt chó do “cẩu tặc” cung cấp cũng cần phải xử lý theo đúng quy định.
 

Nhật Di

>> xem thêm

Bình luận(0)