Bão số 8 hướng vào miền Trung: Nguy cơ mất an toàn rất cao

Google News

(Kiến Thức) - Sáng 21/10, cơn bão số 8 đi vào Biển Đông. Lúc 8h bão cách quần đảo Hoàng Sa 680km, cường độ hiện ở cấp 8-9, giật cấp 11. Dù hiện nay bão vẫn ở cách xa đất liền nhưng nếu không chủ động các phương án có nguy cơ mất an toàn rất cao.

Sáng ngày 21/10, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa lũ các tỉnh miền Trung.
Bão số 8 vào biển Đông, đang hướng về miền Trung
Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng nay cơn bão số 8 chính thức đi vào Biển Đông. Lúc 8h bão cách quần đảo Hoàng Sa 680km, cường độ hiện ở cấp 8-9, giật cấp 11.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, các cơ quan khí tượng quốc tế đưa ra những nhận định rất khác nhau cho diễn biến của bão số 8 – Saudel. Theo Đài khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 di chuyển trên Biển Đông có cường độ cực đại là cấp 11-12 khi tiến sát gần quần đảo Hoàng Sa. Vùng ảnh hưởng của bão trên phạm vi rộng. Cơ quan khí tượng Hong Kong cho rằng bão sẽ ảnh hưởng từ Bắc Bộ xuống đến khu vực Trung Trung Bộ.
Bao so 8 huong vao mien Trung: Nguy co mat an toan rat cao
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ ngày 24/10.
Phân tích các yếu tố đang tác động đến diễn biến của bão, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng, hình thái này đang di chuyển trên một vùng biển có nhiệt độ cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự mạnh lên của bão trong 2 ngày tới.
"Chúng tôi nhận định bão có thể đạt cường độ mạnh nhất là cấp 12, giật cấp 14 khi tiến gần vào quần đảo Hoàng Sa” - ông Khiêm nói. Sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, bão có thể suy giảm cấp nhanh.
Nguy cơ rất cao mất an toàn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá dù hiện nay bão vẫn ở cách xa đất liền nhưng nếu không chủ động các phương án thì cũng có nguy cơ mất an toàn.
Ông Cường yêu cầu Tổng cục Phòng chống thiên tai nhắc nhở các đơn vị liên quan, các địa phương tập hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
“Tất cả các hoạt động kinh tế biển phải đảm bảo an toàn. Rút kinh nghiệm 8 tàu vãng lai đợt vừa rồi là vận tải, nạo vét cát bị tai nạn. Đây là điều rất đáng tiếc. Ngoài ra có 44 điểm sạt lở, khi bão vào thì có nguy cơ rất cao mất an toàn. Quán triệt toàn bộ các hướng biển đó phải đảm bảo phương án an toàn” – ông Cường nhấn mạnh.
Bao so 8 huong vao mien Trung: Nguy co mat an toan rat cao-Hinh-2
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 8. 
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý toàn bộ hướng sườn tây của khu vực miền Trung đang trương nước bão hòa, do đó bất kỳ tổn thương nào dù nhỏ cũng gây nguy cơ sạt lở rất lớn. Vì vậy việc cứu hộ cứu nạn, phục hồi kinh tế cần đặc biệt lưu ý.
Đồng thời lưu ý vùng úng trũng, các lưu vực hiện nay đa số đều xuống báo động 2, 1, nhưng cần lưu ý rốn trũng ở Quảng Bình, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Lưu ý tất cả hệ thống 2.600 hồ đang đầy ắp nước, do đó thủy điện, thủy lợi phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất. Lưu ý hồ Kẻ Gỗ và hồ Tả Trạch.
Tập trung tổ chức cứu trợ người dân
Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, đối với các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của mưa lũ vừa qua, chính quyền các cấp và các ngành chức năng tập trung tổ chức cứu trợ người dân (lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết, chất đốt), đặc biệt là tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Giao nhiệm vụ cho cấp huyện, xã để xác định cụ thể nhu cầu cần cứu trợ. Hàng cứu trợ phải được tập trung và do chính quyền phân bổ để đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Về ứng phó với bão số 8, đối với tuyến biển cần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, thuyền viên đang hoạt động trên biển và các hoạt động sản xuất, kinh doanh ven biển, trên biển.
Đối với đất liền, các địa phương phải rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với bão số 8 như sơ tán dân tại các khu vực ven biển; vùng thấp trũng; nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; quản lý đảm bảo an toàn hồ, đập; tiếp tục tổ chức khắc phục về giao thông; đảm bảo an toàn đi lại khi có bão đổ bộ, có lũ; sẵn sàng phương án bảo vệ sản xuất, cơ sở hạ tầng; khôi phục đời sống; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa lũ, dự báo chính xác; tiếp tục truyền thông để các cấp chính quyền và người dân chủ động các phương án ứng phó.
Giao ban chỉ đạo Trung ương về PCTT thành lập các đoàn công tác kiểm tra, hỗ trợ các địa phương trong công tác cứu trợ, hỗ trợ người dân, cung cấp phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn. Các cơ quan khoa học xác định nguyên nhân gậy ngập lụt; tổ chức khen thưởng kịp thời.
Báo cáo cho thấy, tính đến 6h ngày 21/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.598 phương tiện/263.044 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Các hồ thủy lợi, thủy điện cơ bản đã đầy nước. Riêng ở Bắc Trung Bộ, dung tích 65-90% dung tích thiết kế, 1.249 hồ đầy nước, 55 hồ hư hỏng nặng, 41 hồ đang thi công. Hồ Kẻ Gỗ mực nước hiện tại 31,97, dưới MNDBT 0,53m; Q xả 500m3/s; dung tích còn 17,52 triệu m3.
Từ ngày 6 đến 20/10, thiên tai xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã khiến 133 người chết, mất tích. Trong đó, có 111 người chết, nặng nề nhất là Quảng Trị với 49 người chết. 22 người mất tích, tromg đó Thừa Thiên Huế nhiều nhất với 15 người tại khu vực Rào Trăng 3.
Thiên tai cũng làm 16 tuyến quốc lộ, 163.150m đường quốc lộ, 161.880m đường giao thông địa phương bị ngập, sạt lở, hư hỏng.
Hiện đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, tỉnh Quảng Bình còn 7 vị trí ngập, sạt lở và nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt; Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh còn ngập. Thiên tai cũng làm 371ha lúa, 6.989ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Thông tin mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Lũ lớn đã xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực Trung Bộ. Trong đó có 5 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử: Sông Kiến Giang tại Quảng Bình; sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu tại Quảng Trị; sông Bồ tại Thừa Thiên-Huế Trong khi đó, bão số 8 đang hướng vào miền Trung và được dự báo sẽ liên tục tăng cấp trong những ngày tới. Đến 07h ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135 km/h), giật cấp 14. Trong 72 đến 96h tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
 >>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến mưa lũ miền Trung:

Nguồn: VTV1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)