Hiện nay tình trạng nắng nóng đang diễn ra tại một số địa phương dẫn đến hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi xảy ra hỏa hoạn thì gọi đường dây nóng tới tổng đài 114 là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, có một số trường hợp người dân cố tình báo cháy giả với mục đích trêu đùa hoặc có ý định quấy phá khác. Vậy những hành vi báo cháy giả bị xử phạt như thế nào?
Bạn đọc Nam Anh (TP.HCM)
Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Khoản 4 Điều 13 Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013) quy định nghiêm cấm thực hiện hành vi báo cháy giả.
Trên thực tế, báo cháy giả được hiểu là việc một người nhấn chuông báo cháy tại các tòa nhà trong khi không xảy ra vụ việc cháy nể nào tại thời điểm đó, hoặc gọi qua đường dây nóng 114 để thông báo cháy với tính chất trêu đùa.
Trường hợp cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, Điều 42, Nghị định 144/2021. Theo đó, người nào có hành vi báo cháy giả sẽ chịu mức phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người báo cháy giả chỉ bị xử phạt hành chính trong trường hợp là người từ đủ 16 tuổi trở lên hoặc trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi với lỗi cố ý.
Ngược lại, nếu người báo cháy giả là trẻ em dưới 14 tuổi, hoặc từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng việc báo cháy giả là do vô ý (vô tình chạm trúng chuông báo cháy) thì không phải chịu chế tài nêu trên.
Trên thực tế, những tin hoang báo mang tính chất trêu đùa vừa gây căng thẳng, ức chế cho cán bộ trực tổng đài, vừa ảnh hưởng đến công tác điều động lực lượng khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Tương tự, việc nhấn chuông báo cháy giả tại các tòa nhà cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng, gây tâm lý hoảng sợ và khó chịu cho người khác. Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ rằng nếu có báo cháy thật xảy ra, nhiều người sẽ thờ ơ cho rằng đó chỉ là báo cháy giả và không sơ tán, dẫn đến hậu quả khôn lường.