>>> Xem thêm clip "Phản cảm nữ sinh mặc áo dài nhảy múa điên cuồng":
Văn bản khuyến khích nữ sinh các trường THPT (từ lớp 10 đến lớp 12) tại TP.HCM mặc áo dài ít nhất 1 lần/tuần của Sở GD-ĐT TP.HCM gây xôn xao dư luận. Phía Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đây không phải là văn bản ép buộc và thông tin không có gì mới. Tuy nhiên vẫn có những luồng ý kiến trái chiều.
Lãnh đạo một số trường THPT tại TP. HCM đề xuất nên cho học sinh nữ mặc áo dài 1 lần/tuần, đồng thời cũng đề xuất nhiều giải pháp khắc phục những vướng mắc do đồng phục áo dài mang lại.
|
Nữ sinh TP.HCM duyên dáng trong tà áo dài. Ảnh mang tính chất minh họa |
Cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM cho biết: “Nhìn chung các em nữ sinh trường tôi rất thích mặc áo dài nhưng trường cũng chỉ quy định cho các em mặc áo dài vào ngày thứ hai chào cờ đầu tuần và một số ngày lễ lớn, những ngày còn lại nhà trường cho các em mặc váy nhằm tạo sự thoải mái, thuận tiện cho các em học nhóm, hoạt động phong trào, học kỹ năng sống...”.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu cho rằng các em nữ sinh chỉ nên mặc áo dài 1 buổi/tuần chứ không nên bắt các em mặc suốt cả tuần vì “sẽ tội các em, nhất là trong thời tiết nóng nực của miền Nam”. Ngoài ra, cũng nên linh động những ngày bước vào mùa mưa thì cũng không nên buộc học sinh phải mặc áo dài.
Trong khi đó, liên quan đến thông tin này, đại diện vài trường THPT tỏ ra không mặn mà lắm. Đại diện BGH một trường THPT tại Q.4 nói: “Bây giờ chi phí may một bộ áo dài giá rẻ nhất cũng phải 500.000 đồng, có khi lên tới tiền triệu, đây sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với các gia đình công nhân lao động. Ngoài ra, việc mặc áo dài cũng quá bất tiện với những học sinh học 2 buổi hoặc bán trú khi phải mang thêm đồng phục để thay…”
Còn tại Trường THPT Nhà Bè, một giáo viên tâm sự: "Trường không yêu cầu học sinh phải mặc áo dài vì ở trường chúng tôi có nhiều học sinh thuộc diện gia đình khó khăn. Nếu yêu cầu nữ sinh mặc áo dài lại gây thêm tốn kém, vất vả cho phụ huynh. Tuy nhiên, nếu Sở GD-ĐT TP yêu cầu thì nhà trường sẽ bàn với ban đại diện cha mẹ học sinh và nếu họ đồng tình thì năm học sau sẽ triển khai”.
Chuyên gia Tâm Lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung Tâm Hướng Nghiệp và Bồi dưỡng Kỹ năng sống - Giá trị sống TP.HCM ủng hộ văn bản khuyến khích nữ sinh mặc áo dài: “Áo dài không chỉ là quốc phục mà còn là một nét văn hóa mang đậm chất Việt, hồn Việt Nam. Không riêng các em học sinh mà phụ nữ Việt Nam trong và ngoài nước nên giữ gìn và phát huy nét văn hóa ấy trong những hoàn cảnh có thể”, song, ông Bình cũng băn khoăn việc này sẽ gây khó khăn cho các bạn nữ ở góc độ sinh lý, hoạt động ngoại khóa và do đặc thù thời tiết.
Cô N.T.T.H, Giáo viên một trường THPT tại Q.3, TP.HCM lo ngại: ”Áo dài đến trường không phải là mới, nhất là ở nhiều tỉnh thành khu vực miền Tây hay Lâm Đồng, Đồng Nai… mặc áo dài ở cấp 3 đã là “đồng phục” từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, không phải cứ mắc lên là đẹp. Thực tế theo chuẩn thẩm mỹ ngày nay, áo dài phải ôm sát toàn bộ thân trên: eo, ngực, bụng để khoe đường cong.
|
Nhiều hình ảnh về nữ sinh mặc áo dài mỏng tang phản cảm lan truyền truyên mạng xã hội. Ảnh internet |
Do vậy hầu như áo dài chỉ đẹp khi được mặc lên người mẫu hoặc các thiếu nữ có dáng chuẩn. Còn ở độ tuổi học sinh cấp 3, có những em học sinh không thể mặc áo dài do các đặc điểm hình thể riêng biệt như lưng và vai to, người mập, bụng bự. Chiếc áo dài lúc này lại là thứ trang phục “phản chủ” nhất vì nó “giúp người mặc” phô ra toàn bộ những đặc điểm đó.
Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết của TP.HCM cũng không mấy “thuận hòa”. Khi nóng quá mà trong lớp không có máy lạnh, những vị trí bó sát người như nách áo và bụng rất dễ ra mồ hôi gây loang lổ phản cảm. Và áo dài lại càng không phù hợp với những hoạt động ngoài trời khi học sinh phải tham gia các hoạt động ngoại khóa, vận động… Còn khi trời mưa thì lại “phô” hết toàn bộ nội y của các em khi bị áo ướt, dính.
Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta nên chọn một loại trang phục phù hợp hơn cho từng đối tượng và độ tuổi vì lúc này mục tiêu của các em vẫn là học tập chứ không phải… chưng diện”.