|
Ông Bảy đang trao đổi với PV Người Đưa Tin (Ảnh: Thanh Lâm). |
Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cho biết, năm 1954, ông tập kết ra Bắc cùng với các đơn vị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Một thời gian sau, ông được chuyển từ lực lượng bộ binh sang không quân và được chọn tham gia vào lớp huấn luyện phi công tại nước ngoài. Cũng từ đây, tên tuổi ông đi vào lịch sử như một huyền thoại.
Tuy nhiên, để tên tuổi mình đi vào lịch sử thì ông Bảy phải trải qua cả quá trình học tập và huấn luyện đào tạo phi công suốt nhiều năm liền. “Tôi chỉ học hết lớp 3 trường làng nên phải học thêm bổ túc văn hóa. Sau đó, tôi may mắn được chọn đưa sang nước ngoài vào lớp huấn luyện phi công”, ông Bảy chia sẻ.
Trong thời gian diễn ra khóa huấn luyện, Bác Hồ đến thăm hỏi, động viên các chiến sĩ. Lời Bác dạy đã trở thành động lực để đứa con miền Nam như ông không ngừng phấn đấu học tập, chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thế nhưng kỷ niệm trong những lần gặp Bác vẫn còn nằm nguyên vẹn trong trí nhớ của ông lão tuổi ngoài 80. Ông thuật cho chúng tôi nghe rõ từng lời Bác dạy như thể chuyện mới vừa xảy ra hôm qua.
|
Năm 1967, ông Bảy được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Ảnh: Thanh Lâm). |
“Tôi còn nhớ lúc đó, Bác hỏi: “Có chú nào ở miền Nam không?”. Sau khi phát hiện có cánh tay giơ lên, Bác liền nói tiếp: “Các chú ở miền Nam, phải học thật tốt, chiến đấu thật giỏi để sau này hòa bình, thống nhất đất nước, chú lái máy bay đưa Bác về thăm quê hương và đồng bào miền Nam”. Lời Bác dạy đã tạo động lực cho tôi học tập thật tốt và vượt qua tất cả những khó khăn, hiểm nguy”, ông Bảy nhớ lại.
Năm 1965, khóa huấn luyện hoàn thành, ông Bảy chính thức trở thành phi công và dẫn đầu đoàn bay về nước. Từ đó, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của phi đội bay tác chiến không quân. Ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu trên các mặt trận trên không.
Trước giờ xuất kích trận đầu tiên, một lần nữa Bác đến đơn vị động viên các chiến sĩ. Ông Bảy hồi tưởng lời Bác căn dặn: “Khi ta đánh dưới tàu, dưới sông, trên bộ đều thắng lớn. Các chú ra quân phải đánh thắng ngay trận đầu để có thêm hào khí”. Lời Bác đã trở thành niềm tin vững chắc để ông cùng đồng đội bay vào trận chiến.
Con gái một phi công Mỹ thoát chết nhận cha nuôi
Ông Bảy kể: “Không quân mình lúc bấy giờ còn mới mẻ, non yếu lắm. Về số lượng máy bay và kinh nghiệm giờ bay cũng không đáng kể, ít so với địch. Tổng cộng chỉ có 32 chiếc máy bay (chủ yếu là Mig 17 và Mig 21), 30 chiếc chủ lực, 2 chiếc huấn luyện, với 35 phi công.
|
Ông Bảy bắt tay với một phi công Mỹ sau khi ông tặng chiếc khăn rằn (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Trong khi Mỹ có đến 3 tàu sân bay mẫu hạm, mỗi tàu 60 máy bay chiến đấu.
Phi công Việt Nam thì chỉ có kinh nghiệm khoảng 300 giờ bay, trong khi phi công Mỹ là 7.000 giờ bay kinh nghiệm. Máy bay của ta (Mig 17) tốc độ cao nhất là 1.100km/h, còn máy bay Mỹ là loại siêu âm, tốc độ đến 1.500km/h.
"Mình thua kém địch về nhiều mặt, nhưng thuận lợi là mình đánh ở đất nước mình. Còn địch phải bay quãng đường xa tới, phải chừa đường về. Địch đông, ta không sợ mà còn khoái nữa. Mình lao vào giữa đội hình của địch, bắn thoải mái, còn tụi nó đâu dám bắn thẳng tay, vì trật mình là trúng đồng đội nó”, ông Bảy cho biết
Khoảng thời gian hào hùng nhất của ông Bảy là những trận “thư hùng” trên không. Ông Bảy chia sẻ: “Tôi tham gia tổng cộng 13 trận không chiến, tiêu diệt được 7 máy bay của quân đội Mỹ. Để bắn trúng mục tiêu thì phải thật sự bình tĩnh, tự tin và giỏi nghiệp vụ. Mình phải biết tận dụng ánh sáng mặt trời, lợi dụng những đám mây để ẩn nấp, tìm cơ hội tiêu diệt mục tiêu,... Có trận đánh nhớ đời, máy bay tôi bị trúng đạn, thủng đến 82 lỗ mà không rớt, chỉ bị nghiêng, tôi phải bay cấp tốc từ Lạng Sơn về hạ cánh ở Nội Bài”.
|
Con gái của một phi công người Mỹ từng bị ông Bảy bắn hạ máy bay và may mắn thoát chết đã gọi ông Bảy là cha nuôi (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Trải qua những ngày tháng chiến tranh ác liệt, cống hiến cả tuổi xuân cho đất nước đối với ông Bảy đó là điều tự hào. Mới đây, vào cuối năm 2017, ông Bảy đã có 1 tuần sang Mỹ theo lời mời gặp gỡ, giao lưu với các phi công Mỹ. Chuyến đi này, ông Bảy đã chuẩn bị 50 chiếc khăn rằn để làm quà tặng.
Hay tin ông Bảy sang Mỹ, một phi công từng bị
ông Bảy bắn hạ máy bay và may mắn thoát chết đã dẫn vợ, con đến thăm hỏi ông. Tại cuộc gặp gỡ, người con gái của phi công này đã gọi ông Bảy là cha nuôi.